Tàu ngầm hạt nhân không người lái (ngư lôi) Poseidon cùng với tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân Burevestnik, tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal, tàu lượn siêu vượt âm Avangard và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat là 5 loại vũ khí chiến lược được Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu trong thông điệp liên bang đọc hồi tháng 3/2018.
Sở dĩ Poseidon được chú ý nhất bởi vì phương thức tấn công của nó khác biệt hoàn toàn so với 4 loại kia, đòn đánh sẽ được thực hiện một cách vô cùng lặng lẽ từ dưới biển sâu thay vì "từ trên trời rơi xuống".
Sự đáng sợ của tàu ngầm hạt nhân Poseidon nằm ở chỗ việc dò tìm nó hiện vẫn là quá sức đối với người Mỹ, khi độ ồn mà phương tiện này tạo ra còn nhỏ gấp nhiều lần một tàu ngầm mini hoạt động yên lặng nhất. Bên cạnh đó, Poseidon còn được trang bị trí thông minh nhân tạo (AI) để vượt qua mọi phương tiện trinh sát của đối phương.
Các hệ thống định vị thủy âm, phao thăm dò dưới đáy biển mà Hải quân Mỹ đang triển khai chẳng thể nào trải khắp bề mặt các đại dương, thậm chí kể cả trong trường hợp quả ngư lôi này đi qua ngay trước mặt họ thì cũng chưa chắc nó đã bị nhận biết.
Hình ảnh rò rỉ về tàu ngầm hạt nhân không người lái Poseidon của Nga
Theo thông báo mới nhất từ Bộ Quốc phòng Nga, tàu ngầm hạt nhân Poseidon đã bắt đầu quá trình thử nghiệm, giới chức quân sự Moskva hy vọng dự án chế tạo vũ khí đầy tham vọng này sẽ hoàn thành vào năm 2027 để nó trở thành một trụ cột của khả năng răn đe hạt nhân.
Như vậy có thể thấy là trái với dự đoán ban đầu, còn rất lâu nữa thì chiếc Poseidon mới có thể bước vào quá trình trực chiến. Chưa kể đó mới là tiến độ kỳ vọng lý tưởng, còn thực tế chẳng thể bảo đảm rằng nó không bị chậm trễ như nhiều chương trình vũ khí khác của Nga thời gian gần đây.
Tuy nhiên bên cạnh đó còn có một chi tiết gây ra không ít thắc mắc vừa được hé lộ, cho thấy năng lực của tàu ngầm hạt nhân cảm tử Poseidon có thể sẽ không được như những gì mà người Nga từng tự hào công bố.
Tàu ngầm hạt nhân Poseidon liệu có trở thành một quả "bom xịt" của Nga
Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiếc Poseidon sẽ tích hợp vào một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Nga. Hai lớp tàu ngầm được cho là sẽ mang theo Poseidon bao gồm Belgorod lớp Oscar và Khabarovsk lớp Yasen. Trong đó Belgorod sẽ mang được 2 chiếc Poseidon, con số này ở tàu ngầm Khabarovsk là 4 chiếc.
Một số người thắc mắc rằng, nếu như Poseidon được trang bị động cơ hạt nhân cho tầm bắn không giới hạn thì tại sao nó lại yêu cầu phải triển khai từ tàu ngầm cỡ lớn mà không phải là phóng đi từ một địa điểm ven bờ.
Với trí thông minh nhân tạo, khả năng hoạt động cực kỳ tĩnh lặng và tầm bắn không giới hạn, nếu như được bí mật phóng đi trong lãnh hải Nga thì đối phương sẽ chẳng thể nào dò tìm ra chiếc Poseidon giữa đại dương mênh mông.
Còn nếu như Poseidon vẫn phải triển khai từ tàu ngầm mẹ thì Hải quân Mỹ sẽ dễ đối phó hơn rất nhiều, khi họ chỉ cần tập trung theo dõi những chiếc Oscar và Yasen để đánh chặn từ xa trước khi nó kịp phóng Poseidon.
Hiện có một số đề xuất cho rằng nên triển khai Poseidon từ các capsule bố trí dưới đáy biển.
Ngư lôi hạt nhân Poseidon vẫn phải yêu cầu được triển khai từ tàu ngầm mẹ
Yêu cầu đưa Poseidon lên tàu ngầm Oscar hoặc Yasen để mang tới địa điểm triển khai phải chăng xuất phát từ nguyên nhân tầm bắn của vũ khí này có giới hạn nhất định chứ không phải gần như vô hạn?
Giả thuyết này cũng có thể xảy ra, nhất là khi so sánh với phát ngôn ban đầu rằng Poseidon được trang bị đầu đạn nhiệt hạch có đương lượng nổ lên tới 100 MT, đủ sức tạo sóng thần cao 500 m để quét sạch bờ biển nước Mỹ.
Theo nhà phân tích Kyle Mizokami trên trang Popular Mechanics, Moskva sau đó đã đính chính lại rằng đầu đạn của Poseidon thực chất chỉ có 2 MT mà thôi, tức là đã bị thổi phồng lên gấp tới 50 lần.
Tuy nhiên, ông Mizokami vẫn lưu ý rằng, sức công phá này vẫn đủ để phá hủy các vùng đô thị lớn và tạo ra những cơn sóng nhiễm phóng xạ.
Cận cảnh tàu ngầm hạt nhân không người lái Poseidon