Tàu ngầm Argentina không phát tín hiệu khẩn cấp: Thảm kịch đang rất cận kề

Trung Phạm |

Theo các chuyên gia Nga, tàu ngầm ARA San Juan đang mất tích của Argentina hoặc đã không bung được phao cứu hộ khẩn cấp hoặc phao đã không nổi lên mặt nước bởi một lý do nào đó.

Phao cứu hộ đã không được bung ra?

Trong cuộc phỏng vấn với trang mạng Mil.Today, chuyên gia Viktor Holodny của Công ty viễn thông Morsvyazsputnik nhận định, chiếc tàu ngầm ARA San Juan đang mất tích của Argentina hoặc đã không bung được phao cứu hộ khẩn cấp hoặc nó đã không nổi lên mặt nước bởi một số lý do nào đó.

Theo Holodny, chiếc phao có thể còn rất ít pin nhưng lượng điện tối thiểu dùng để phát đi một tín hiệu chắc chắn phải còn vì những loại pin như vậy vẫn tích được điện trong thời gian 5 năm và bất cứ lực lượng hải quân nào cũng phải duy trì chế độ bảo dưỡng định kỳ.

"Thật khó có thể phân tích bất cứ thứ gì khi không có dữ liệu kỹ thuật chính xác từ Hải quân Argentina nhưng rất nhiều khả năng phao cứu hộ khẩn cấp đã không được bung ra", Viktor Holodny nhận định. 

"Cospas-Sarsat là hệ thống toàn cầu. Nếu có bất kỳ ai đó nhận được tín hiệu thì chắc chắn nó sẽ được chuyển tới Hải quân Argentina. Tuy nhiên, đã không có một động thái nào như vậy diễn ra cả". 

Hệ thống thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat là một trong những hệ thống thông tin trợ giúp các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, hoạt động song song với Hệ thống thông tin vệ tinh Inmarsat.

Từ năm 1985, 4 quốc gia bao gồm: Canada, Pháp, Nga và Mỹ đã phối hợp thiết lập nên hệ thống vệ tinh Cospas - Sarsat để thu nhận các thông tin báo động cấp cứu và thông tin vị trí tai nạn trên khắp thế giới phục vụ đắc lực cho công tác tìm kiếm cứu nạn.

Cospas-Sarsat sử dụng vệ tinh quỹ đạo cực tầm thấp kết hợp với vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh mang lại độ tin cậy, tăng cường khả năng hỗ trợ tối đa của hệ thống trong công tác tìm kiếm cứu nạn.

Tàu ngầm Argentina không phát tín hiệu khẩn cấp: Thảm kịch đang rất cận kề - Ảnh 1.

Phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp. Ảnh: Mil.Today

Bán kính tầm nhìn của một vệ tinh quỹ đạo tầm thấp vào khoảng 5.000 km. Nó bay qua phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp (Phao EPIRB) và ghi lại tín hiệu của nó. Với bất cứ radar tương thích nào, vệ tinh này cũng hoạt động như một trạm trung chuyển và sẽ chuyển đi tín hiệu của phao cứu hộ.

Nếu không ai tiếp nhận tín hiệu đó, vệ tinh sẽ tiếp tục bay cho tới khi nó gặp chiếc radar gần nhất. Việc tiếp nhận thông tin đó thường không gặp phải vấn đề gì. Viktor Holodny cho rằng, bất cứ nước nào nhận được thông điệp khẩn cấp như vậy cũng sẽ chuyển tới cho Argentina.

Một vệ tinh địa tĩnh thu và phát các tọa độ chỉ khi phao cứu hộ có bộ phát GPS/GLONASS. Nếu không có một bộ phát như vậy, vệ tinh sẽ ghi lại thực tế hoạt động của chiếc phao. Trong trường hợp này, hàng chục radar sẽ tiếp nhận dữ liệu tín hiệu trong vòng 5 phút.

Chuyên gia Viktor Holodny nhắc lại vụ tai nạn xảy ra với tàu Estonia trang bị 2 phao cứu hộ tương tự: "Khi chúng được phát hiện và bật lên thì hóa ra không có bất cứ vệ tinh nào nhận được tín hiệu của chúng. Trong thảm kịch tàu ngầm Kursk cũng đã chẳng có tín hiệu được phát đi cả".

Còn nguyên nhân nào khác?

Chia sẻ quan điểm với Viktor Holodny, Alexander Nikitkov, Phó giám đốc kỹ thuật của Nhà máy Kỹ thuật vô tuyến Yaroslavl cũng cho rằng: "Các phao cứu hộ khẩn cấp như vậy phải hoạt động ít nhất 48 giờ. Với nhiệt độ ở môi trường xung quanh vị trí tàu ngầm mất tích, lượng pin phải tích đủ điện không ít hơn 24 giời. Tín hiệu phát đi mỗi phút. Sai số vị trí là 5 hải lý".

Tàu ngầm Argentina không phát tín hiệu khẩn cấp: Thảm kịch đang rất cận kề - Ảnh 2.

Nguyên tắc hoạt động của hệ thống thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat. Ảnh: Mil.Today

Theo Nikitkov, tín hiệu đã không được chuyển đi là do pin bị chết hoặc quá cũ hoặc chiếc phao đã không được bung lên.

Nếu phao không phát đi tín hiệu nào thì nhiều khả năng nó đã không nổi lên mặt nước. Trong trường hợp này, tàu ngầm bị hư hại theo cách nào đó đã ngăn không cho phao nổi lên cũng như đã cản trở việc sơ tán thủy thủ đoàn.

Alexander Nikitkov cũng nhấn mạnh, 7 ngày đã trôi qua kể từ khi tàu ngầm ARA San Juan phát đi thông tin cuối cùng hôm 15/11, mọi thứ dường như không có nhiều hy vọng. Bình thường, các tín hiệu phải được phát đi ngay từ những giờ đầu, ngày đầu gặp nạn.

Ngày 20/11, Gabriel Galeazzi - phát ngôn viên của Căn cứ Hải quân Mar del Plata cho biết, trước khi ngừng liên lạc, tàu ngầm ARA San Juan đã báo cáo về một số hỏng hóc liên quan tới pin. Tuy nhiên, ông này không nói cụ thể điều gì thực sự đã xảy ra với hệ thống pin của con tàu chỉ vừa mới được tổng đại tu năm 2014.

Tàu ngầm ARA San Juan cùng thủy thủ đoàn 44 người đã mất tích ngoài khơi bờ biển phía Nam Argentina vào thứ Tư tuần trước (15/11) nhưng phải sau đó hai ngày, Hải quân nước này mới công khai thông tin về vụ việc.

Argentina đang chạy đua với thời gian tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan mất tích

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại