Chiến trường Syria mấy ngày vừa qua liên tục chứng kiến những diễn biến căng thẳng. Trong khi liên quân Nga – Syria mở nhiều đợt oanh tạc không ngừng nghỉ vào thành trì cuối cùng của khủng bố và phiến quân ở Idlib thì Mỹ và các nước đồng minh cũng bộc lộ hàng loạt động thái có vẻ như đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiếp theo vào Syria.
Nga không bất ngờ
Hôm 8/9, tàu ngầm hạt nhân HMS Talent trang bị tên lửa hành trình Tomahawk của Hải quân Hoàng gia Anh đã đi vào Eo biển Gibraltar. Đây là eo biển kết nối tuyến đường từ Bắc Đại Tây Dương đến Địa Trung Hải tiếp giáp Syria.
Trước đó, tàu ngầm USS Newport News lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ đã rời cảng Gibraltar tiến về phía Đông Địa Trung Hải, gia nhập đội hình với 3 tàu ngầm hạt nhân khác cùng 3 tàu khu trục, gồm: USS Carney, USS Ross và USS Winston S. Churchill.
Sự hiện diện của đội tàu chiến "khủng" tiềm ẩn nguy cơ cao Mỹ và đồng minh có khả năng tiến hành một cuộc không kích lần hai trong năm nay nhằm vào Syria.
Tuy nhiên, người Nga cho thấy họ thực sự không hề bất ngờ trước các động thái này. Bằng chứng là việc ngay từ khi các tàu ngầm Anh-Mỹ chưa tới Địa Trung Hải, "sát thủ săn ngầm" Tu-142MK của Nga đã có mặt ở Khmeimim ngay từ hôm 1/9.
Tàu ngầm hạt nhân HMS Talent của Anh
Không thể thoát khỏi "mắt thần" Tu-142MK
Tu-142MK là một trong hai máy bay săn ngầm tầm xa nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của Hải quân Nga.
Nó là phiên bản cải tiến trên cơ sở máy bay ném bom chiến lược Tu-95, trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài cho phép thực hiện hàng loạt nhiệm vụ từ chống ngầm tới tuần tra, trinh sát.
Chiếc máy bay có kích cỡ khổng lồ với chiều dài tổng 49,5 m, cao 12,12 m và sải cánh khoảng 50 m. Nó được trang bị 4 động cơ NK-12M với những cánh quạt quay ngược chiều nhau đem lại lực đẩy lớn cho phép đạt tốc độ tối đa 925 km/h.
Đặc biệt, Tu-142MK có thể đạt bán kính chiến đấu đến 6.500 km, cung cấp khả năng hoạt động liên tục trên không suốt nhiều giờ đồng hồ.
Hệ thống trang bị phát hiện tàu ngầm của Tu-142MK không được công khai nhiều. Chỉ biết rằng, nó được tích hợp hệ thống tìm kiếm và ngắm mục tiêu tự động Korshun-K cùng hệ thống máy đo từ phát hiện tàu ngầm hạt nhân MMS-106 Ladoga.
Ngoài ra, Tu-142MK có thể mang số lượng lớn phao thủy âm phát hiện, theo dấu tàu ngầm đối phương. Theo các nguồn tin, chỉ trong thời gian ngắn, một chiếc Tu-142MK có thể bố trí 64 phao thủy âm RGB-75 và RGB-15.
Máy bay săn ngầm Tu-142MK của Nga.
Dù hiện chưa có ví dụ rõ ràng về khả năng thực sự các khí tài trên Tu-142MK. Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ đã có không ít trường hợp Tu-142 theo dõi thành công các tàu ngầm đối phương.
Điển hình, ngày 10/10/1977, biên đội 5 chiếc Tu-142 đã phát hiện, theo dõi một chiếc tàu ngầm Mỹ ở biển Philippines. Ít nhất một máy bay Tu-142 được báo cáo là đã theo dấu chiếc tàu ngầm này suốt 4 tiếng 5 phút.
Đó là câu chuyện những chiếc Tu-142 đời đầu, còn nay Tu-142MK đã được nâng cấp cải tiến nhiều.
Rõ ràng, chúng chắc chắn phải hơn hẳn so với các thế hệ trước, cho nên các tàu ngầm hiện đại của Mỹ-Anh hôm nay xem ra sẽ phải rất chật vật chơi trò "trốn tìm" với Tu-142MK.
Có thể nói, hệ thống trinh sát trên không kết hợp phao thủy âm trên mặt biển "đan một tấm lưới" khiến các tàu ngầm Mỹ - Anh như "cá nằm trong chậu".
Về trang bị vũ khí, những chiếc Tu-142MK có khả năng mang theo nhiều tấn bom đạn gồm: ngư lôi, bom chìm, tên lửa hành trình chống hạm.
Tuy nhiên, số vũ khí này có lẽ sẽ ít phải sử dụng tại Syria, vì chỉ cần phát hiện được vị trí tàu ngầm Mỹ-Anh thì phi hành đoàn Tu-142MK đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.