Tàu Nga nã đạn vào tàu Ukraine: Thi hành "khổ nhục kế", có thật ông Poroshenko muốn chiến tranh?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Các nhà phân tích tình hình chính trị cho rằng, việc Ukraine đưa tàu xâm phạm lãnh hải của Nga là một hành động có tính toán từ trước.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine đang trở nên hết sức căng thẳng. Ngày 25/11/2018, các lực lượng biên phòng Nga nổ súng làm bị thương 3 thủy thủ và bắt giữ 3 chiếc tàu của Ukraine được cho là đi vào lãnh hải của Nga ở biển Azov mà không xin phép.

Phía Ukraine đã phản ứng gay gắt ở cấp cao nhất. Tổng thống Petro Poroshenko đã họp nội các đề xuất ra tuyên bố "tình trạng chiến tranh" và áp dụng các quy chế về "tình trạng khẩn cấp" trên toàn quốc.

Ngày 26/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã triệu tập phiên họp khẩn cấp, nhưng không thông qua được nghị quyết nào do bất đồng sâu sắc giữa các nước thành viên, đặc biệt giữa Nga và Mỹ.

Tình hình ở Ukraine gần đây không lấy gì làm tốt đẹp lắm. Cuộc đảo chính do Mỹ và Phương Tây dàn xếp lật đổ Tổng thống hợp pháp Viktor Yanukovych năm 2014 đã không cải thiện được tình hình kinh tế của đất nước cũng như cuộc sống của người dân.

Trước năm 2014, tức là trước khi xảy ra cuộc đảo chính, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine đã đạt 183 tỷ USD, nhưng năm 2017 đã sụt giảm xuống chỉ còn có 112 tỷ USD.

Trong khi đó, Nga là nước láng giềng nằm ngay sát sườn và là đối tác đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế của Ukraine đã ngừng mọi viện trợ sau khi Kiev từ chối trả các khoản nợ chồng chất từ nhiều năm nay cho Nga.

Tàu Nga nã đạn vào tàu Ukraine: Thi hành khổ nhục kế, có thật ông Poroshenko muốn chiến tranh? - Ảnh 1.

Ukraine trở thành phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của EU và các khoản cho vay của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Trong tình hình như vậy, kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho biết chỉ số tín nhiệm đối với Tổng thống Piotr Poroshenko đã giảm sút mạnh xuống mức thấp nhất 8,9% trong cuộc bầu cử vào năm tới sẽ có khoảng 50% cử trị không bỏ phiếu cho ông và 75% người dân Ukraine cho rằng chính sách của chính phủ là sai lầm.

Kết quả thăm dò dư luận trên cho thấy Tổng thống P. Poroshenco khó có khả năng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức và ngày 31/3/2019.

Các nhà phân tích tình hình chính trị cho rằng, việc Ukraine đưa tàu xâm phạm lãnh hải của Nga là một hành động có tính toán từ trước nhằm thực hiện mục tiêu nhằm hoãn các cuộc bầu cử này.

Việc Tổng thống P. Poroshenko vội vã quyết định và chọn thời điểm này để tuyên bố "tình trạng chiến tranh" và ban bố "tình trạng khẩn cấp" trong vòng 6 tháng khi cuộc bầu cử đang tới gần thể hiện rõ mục tiêu của hành động khiêu khích Nga ngày 27/11 vừa qua. Đất nước trong tình trạng chiến tranh thì không thể tổ chức bầu cử được.

Thông qua các cuộc đụng độ với Nga, Kiev hy vọng sẽ được Mỹ và phương Tây hỗ trợ về kinh tế để có được hỗ trợ kinh tế từ phương Tây, đặc biệt khi Nga đã dừng mọi viện trợ và đang mất đi một khoản thu nhập lớn do Nga đang hợp tác với Đức xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc-2 và với Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" không qua lãnh thổ Ukraine.

Nhiều nhà quan sát trên thế giới nhận xét rằng, đây là "trò chơi" của Tổng thống P. Poroshenko nhằm hoãn cuộc bầu cử vào đầu năm tới và tranh thủ cảm tình của Mỹ và phương Tây.

Ukraine không đủ khả năng một mình bước vào cuộc chiến tranh với Nga. Trong tình hình Mỹ và châu Âu đang tìm cách giải quyết các vấn đề với Nga thì họ không có lợi ích gì trong việc làm căng thẳng thêm quan hệ với Nga chứ chưa muốn nói là họ không muốn dính líu trực tiếp vào cuộc chiến với Nga trong khi vụ va chạm trên biển Azov vừa qua chỉ liên quan đến hai nước Nga và Ukraine.

Về phần mình, thông qua thái độ cứng rắn đối với Ukraine, Mosvow muốn gửi đi một thông điệp tới Mỹ và châu Âu chớ có gây căng thẳng thêm nữa trên biên giới phía Đông với Nga và xem xét giảm các biện pháp trừng phạt Nga.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại