Vốn là trưởng tàu khách Bắc Nam, anh T. cho biết, do nghỉ giãn hợp đồng lao động nên mấy tháng nay anh không có việc, phải ở nhà làm shipper. Ngoài ra anh bỏ tiền để mua một con chó Becgie với mục đích nuôi để bán chó con, kiếm thêm thu nhập.
Theo anh T., do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành đường sắt gặp khó khăn rất lớn vì số lượng hành khách đi tàu hoả không có khiến một số tuyến đường sắt phải tạm dừng, bỏ chạy tàu vì vắng khách như tuyến Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Lạng Sơn…
Tuyến Bắc - Nam cũng phải cắt giảm tàu khách khiến cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt không có việc làm, lãnh đạo đã cho nhân viên nghỉ giãn hợp đồng trong lúc thiếu việc làm và khó khăn.
Một số đơn vị phải bố trí nghỉ giãn hợp đồng luân phiên 1-2 tháng trong một quý hoặc nghỉ 1/2-1/3 thời gian trong năm. Thời gian đi làm, công ty cố gắng chi trả cho nhân viên mức lương tối thiểu 5-6 triệu.
Anh T. cho biết, khó khăn sẽ chưa dừng lại, đến tháng 9 khả năng sẽ còn bỏ tàu thêm nữa, công nhân viên đường sắt sẽ còn mất việc thêm do thi công, duy tu cầu đường.
"Trong thời gian nghỉ giãn hợp đồng, mọi người tìm đủ việc để kiếm kế sinh nhai, lo cho cuộc sống gia đình. Nhân viên của tôi, người ở quê thì đi làm phụ hồ, người ở thành phố thì đi làm xe ôm, shipper, bán hoa quả online…
Đặc biệt những gia đình cả hai vợ chồng cùng làm trong ngành đường sắt thì thời điểm này cực kỳ khó khăn. Điều đáng nói là tình trạng khó khăn này chưa biết kéo dài đến khi nào, có thể phải đợi đến lúc thế giới hết dịch", anh T. nói.
Mặc dù cuộc sống đang gặp vô vàn khó khăn nhưng anh T. cho rằng lãnh đạo công ty cũng đã nỗ lực tìm mọi biện pháp, nhận hợp đồng vận tải tất cả các nguồn hàng, nguồn khách nếu có thể như nhận lập cả đoàn tàu chuyên chở chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam làm việc, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.
Cũng là nhân viên của công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, anh V.M. cho biết, anh thuộc trường hợp hoãn hợp đồng lao động 3 tháng, tính ra mỗi tháng được hỗ trợ 400.000 đồng. Vì vậy, anh đã xin nghỉ việc không lương đến hết năm nay để làm việc khác bởi nếu được đi làm thì mức lương cũng chỉ được 4-5 triệu đồng/tháng.
Còn anh Tuấn, một nhân viên lái tàu cho biết, vận tải hàng hoá không bị ảnh hưởng nhiều nên anh vẫn chạy bình thường, mỗi tháng 10 chuyến. Tuy nhiên thu nhập bị giảm sút đáng kể, giảm hơn 2 triệu đồng/tháng.
"Công việc lái tàu rất cực nhọc, đêm hôm mưa gió, mùa hè thì nóng nực và nhất là rất nguy hiểm khi chạy qua đường ngang không có chắn, lương tháng chỉ được 6 triệu đồng nhưng giờ cũng bị trừ.
Trước chạy 10 chuyến mỗi tháng được 6 triệu đồng, giờ cũng lái 10 chuyến nhưng lương chỉ xấp xỉ 4 triệu đồng. Đó là tất cả thu nhập chúng tôi nhận được. Thắc mắc vì sao lại bị trừ thì cũng chỉ được trả lời là ngành khó khăn nên cũng chẳng biết làm thế nào. Vợ tôi lại sắp sinh nữa, khổ lắm", anh Tuấn cho hay.
Mới đây, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thời điểm phải dừng gần như toàn bộ việc chạy tàu, các mác tàu truyền thống đều phải dừng, đặc biệt là tàu khu đoạn.
Khi hết cách ly xã hội, thời điểm cao điểm nhất doanh thu cũng chỉ đạt khoảng 52% so với cùng kỳ năm trước, còn bình quân chỉ hơn 30%. Có những đoàn tàu lâu nay chủ yếu khách nước ngoài, tới nay chưa có khách nên vẫn dừng hoạt động, như tuyến Hà Nội - Lào Cài/Đà Nẵng/Nha Trang…
Sau 5 tháng đầu năm, tổng doanh thu vận tải cả khách và hàng hoá của công ty giảm 44% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó riêng doanh thu hành khách giảm tới 68%.
Dịch Covid-19 khiến hơn 1.200 người lao động của công ty không có việc làm, số lao động bị hoãn hợp đồng hơn 1.100 người.
Dự kiến, năm 2020, doanh nghiệp này lỗ 330 tỷ đồng, riêng trong giai đoạn dịch Covid-19 lỗ hơn 100 tỷ đồng.
Để vượt qua giai đoạn khủng hoảng, Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội đã phối hợp với các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch, khách sạn để ký hợp đồng thực hiện tour trọn gói đi tàu, như tour Hà Nội - Huế/Quảng Bình/Đà Nẵng/Sapa.. Cùng đó, giảm giá vé tàu khách từ 20-30% so với cùng kỳ năm trước.