Tàu hộ tống Sovershennyi hồi sinh nhờ phương Tây

Thùy Dung |

Theo truyền thông Nga, tàu hộ tống 20380 Sovershennyi - lớp chiến hạm được Nga hồi sinh vừa ra biển tiến hành thử nghiệm cấp nhà máy.

Phương Tây giúp Nga hồi sinh

Ngày 30/1, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Nga, ông Vladimir Matveev cho biết tàu hộ tống mới nhất thuộc Project 20380 Sovershennyi đã ra biển tiến hành thử nghiệm cấp nhà máy.

Cuộc thử nghiệm nhằm kiểm tra hoạt động của các hệ thống động lực, bánh lái, cơ cấu phụ trợ, thiết bị thông tin liên lạc, phát hiện và định vị cũng như bộ phận neo. Ông Matveyev nêu rõ "tàu hộ tống trên cũng sẽ thực hiện chạy tốc độ cao, kiểm tra tính cơ động và độ rung lắc".

Theo nguồn tin này, do tàu hộ tống Project 20385 bỏ xó vì thiếu động cơ do Đức cung cấp, Hải quân Nga đã buộc phải tiếp tục khởi đóng các tàu hộ tống thuộc Project 20380 - lớp chiến hạm thuộc dòng mạnh nhất hiện nay của Nga.

Thông tin này được TASS dẫn lời đại diện Bộ Quốc phòng Nga Igor Dygalo cho biết. Theo đó, hai tàu hộ tống tàng hình mới, thuộc lớp Steregushchy dựa trên thiết kế của đề án 20380 đã được khởi đóng cho Hải quân Nga vừa qua tại nhà máy đóng tàu Severnaya Verf ở St. Petersburg.

Tàu hộ tống Sovershennyi hồi sinh nhờ phương Tây - Ảnh 1.

Chiến hạm Project 20380

Việc Hải quân Nga tiếp tục khởi đóng thêm các tàu hộ tống thuộc Project 20380 đã gây ra bất ngờ lớn đối với các nhà quan sát quân sự, bởi trước đó, tất cả các tàu hộ tống tương lai cho Hải quân Nga đã được chỉ định đóng theo đề án 20385 (lớp Gremyashchy) - một phiên bản cải tiến từ tàu hộ tống đề án 20380.

"Chúng tôi đã khởi đóng thêm 2 tàu hộ tống Project 20380 mới tại nhà máy đóng tàu Severnaya Verf ở St. Petersburg", ông Dygalo nói. Theo Tạp chí Navy Recognition, lý do dẫn tới việc Nga phải trở lại đóng mới thêm tàu hộ tống Project 20380 là do lệnh trừng phạt của châu Âu vào Nga liên quan đến khủng hoảng ở Ukraine.

Cụ thể, thiết kế cải tiến của tàu chiến Project 20385 được lắp đặt các động cơ đẩy MTU mới của Đức để thay thế cho các động cơ diesel DDA1200 do Nga sản xuất và trang bị cho tàu Project 20380 ban đầu.

Nhưng do lệnh trừng phạt vừa qua mà Nga đã không thể nhận được các động cơ mới từ Đức. Đây có thể là lý do không mong muốn, buộc Hải quân Nga phải trở lại đóng tàu chiến Project 20380.

Sức mạnh hủy diệt

Theo thiết kế, tàu hộ vệ Project 20380 có thể giải quyết mọi nhiệm vụ, phạm vi tác chiến không chỉ trên biển mà còn bảo vệ cho nhóm tàu chiến và căn cứ hải quân từ các cuộc tấn công trên không, chống tàu ngầm và hỗ trợ cho các lực lượng mặt đất đổ bổ lên bờ biển của đối phương.

Hệ thống radar: Để phát hiện các mục tiêu trên không, tàu hộ vệ Project 20380 được trang bị radar 3 chiều Furke-2 hoạt động ở băng tần E/F, cho phép tìm kiếm, sục sạo các mục tiêu trên không, với phạm vi phát hiện mục tiêu máy bay đối phương tới hơn 100 km.

Để đối phó với các mục tiêu là tàu chiến, tàu được trang bị hệ thống radar điều khiển tên lửa chống tàu Monument-A với tầm xa phát hiện mục tiêu tàu chiến ở 100 km và phát hiện ra tín hiệu bức xạ của radar đối phương ở cự li tới 500 km. Đối với các mục tiêu dưới nước, tàu được trang bị hệ thống Dawn-2 có khả năng phát hiện ra các chấn động dưới nước ở cự li 20 km.

Ngoài ra, tàu Project 20380 còn được trang bị sonar kéo Vinyetka-EM có thể phát hiện ra tàu ngầm ở dưới nước xa tới 60 km. Hiện trên thế giới chưa nước nào công bố sonar trên tàu chiến của họ có thể phát hiện ra tàu ngầm ở xa như Vinyetka-EM.

Phía đuôi tàu có bãi đỗ cho một trực thăng chống ngầm Ka-27PL. Trực thăng này trang bị một sonar Anapa-M phát hiện tàu ngầm và tàu mặt nước. Sonar này sẽ được thả từ máy bay trực thăng xuống biển để tìm kiếm, phát hiện ra mục tiêu của đối phương và được kéo lên khi không làm việc.

Ngoài ra, chiến hạm Project 20380 còn có hệ thống thông tin chiến đấu chiến thuật được phát triển dựa trên hệ thống PCG-AMS Sigma-20380.

Hệ thống này có chức năng chia sẻ thông tin tình báo với các tàu chiến khác, phân loại, lựa chọn và quyết định ra lệnh tác chiến dựa trên các thông tin thu thập được từ các kênh khác nhau để đánh giá tình hình chiến sự và quyết định thực hiện hộ tống một nhóm tàu nổi hay thực hiện một nhiệm vụ chung.

Hệ thống vũ khí cực mạnh: Tàu hộ tống Project 20380 được trang bị hệ thống tên lửa chống tàu với 8 bệ phóng tên lửa 3M24 Uran-UE (phiên bản nâng cấp của tên lửa Uran với tầm bắn xa nhất, có thể tiêu diệt mục tiêu xa tới 260 km.

Hai bên hông phía sau tàu lắp tổ hợp pháo tự động 6 nòng 30 mm AK-630M với cơ số 12.600 viên đạn đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ tầm gần chống máy bay bay thấp của đối phương, pháo có tầm bắn tối đa là 5 km và có tốc độ bắn cực cao, tới 5.000 phát/phút.

Tàu được trang bị hệ thóng phòng không trên hạm Redut (còn có tên gọi Polyment-Redut). Hệ thống cho phép, tùy theo chủng loại tên lửa, bắn đồng thời đến 16 mục tiêu bay ở tầm 1 - 150 km và độ cao 5 - 30 km.

Ngoài ra, tàu còn được trang bị hệ thống vũ khí gồm pháo hạm cỡ nòng 100 mm A-190, tổ hợp tên lửa-pháo phòng không Kashtan ở phía trước khoang lái tàu đã được thay thế (có thể là sàn chứa ống phóng tên lửa thẳng đứng nhưng chưa được công bố).

Để tiêu diệt tàu ngầm và tàu mặt nước, Project 20380 được trang bị 8 ống phóng ngư lôi Paket-NK cỡ 324 mm, trong đó 8 ngư lôi được bố trí đều ở 2 bên thân tàu và được cho vào phía trong phần thân để tăng khả năng tàng hình cho tàu.

Có thể nói, với những hệ thống điện tử, radar và vũ khí được trang bị, Project 20380 mang trong nó một sức mạnh hủy diệt rất lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại