Đại tá Lê Hồng Chiến, Phó tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác (quân phục màu trắng) chỉ đạo Tàu 011 tham gia các hoạt động diễn tập. Theo kế hoạch, 30 tàu Hải quân của 20 nước được chia làm 3 nhóm để thực hiện các nội dung diễn tập ở eo biển Malacca và Nam Biển Đông. Tàu 011 - Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam thuộc Nhóm 2, cùng với 9 tàu của Canada, Pháp, Nhật Bản, Pakistan, Hàn Quốc, Phillippines, và Mỹ diễn tập khu vực Nam Biển Đông.
Tàu sân bay 183 lớp Izumo của Nhật Bản (ngoài cùng bên trái) chỉ huy Nhóm 2. Trong quá trình diễn tập, có lúc Nhóm 2 lại chia thành hai tốp chiến thuật. Tàu 011 thuộc Tốp chiến thuật 1 cùng tàu Stalwart của Singapore; tàu sân bay trực thăng 183 và tàu khu trục Sazanami 113, lớp Takanami của Nhật Bản; và tàu KD Lekir 26 của Malaysia.
Bên cạnh việc cơ động theo đội hình, các tàu kết hợp diễn tập mã hóa và giải mã điện, thông tin liên lạc bằng cờ hiệu, ảnh đèn theo Bộ quy tắc ứng xử các tình huống gặp nhau bất ngờ trên biển (CUES), và chụp ảnh đội hình từ trên không. Theo nội dung tập luyện, tàu chỉ huy sẽ cung cấp các mã điện các tàu trong đội hình để giải mã và trả lời trong thời gian nhanh nhất. Hoạt động này giúp nâng cao hiểu biết chung giữa hải quân các nước. Trong ảnh: Thượng tá Đỗ Văn Triều, Trợ lý Phòng Thông tin, Quân chủng Hải quân (bên trái), đang trao đổi với nhóm sĩ quan tham gia diễn tập chia sẻ thông tin.
Chiến sĩ Tàu 011 quan sát tàu bạn. Trong những năm gần đây, Hải quân nhân dân Việt Nam đã cử tàu tham gia nhiều cuộc diễn tập đa phương như Komodo 2014 và 2016; Diễn tập an ninh Hàng hải và Chống khủng bố trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng ở Brunei và Singapore năm 2016. Nhờ tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng đã nâng cao năng lực và tăng cường lòng tin với Hải quân các nước.
Trung sĩ Nguyễn Xuân Bảo, chiến sĩ tín hiệu Tàu 011, kéo cờ trả lời đã nhận được tín hiệu tàu bạn. Trong diễn tập đa phương lần này, ngoài việc diễn tập thông tin qua điện đàm, các tàu tham gia cũng diễn tập cờ hiệu và đèn hiệu bằng việc sử dụng bộ cờ tín hiệu quốc tế và bộ tín hiệu Hải quân quốc tế.
Màn hình ra-đa hiển thị các tàu đang phá vỡ đội hình mặt quạt. Trong suốt hơn 27 giờ kể từ sáng sớm ngày 11-5, các tàu tham gia thường xuyên cơ động để thiết lập đội hình, tách tốp hoặc tái hợp nhóm. Theo đó, các tàu phải giữ đúng phương vị và khoảng cách để chiếm lĩnh đúng vị trí trong đội hình.
Tàu sân bay trực thăng 183 (phía trước) và tàu khu trục Sazanami 113 (phía sau) của Nhật Bản trong đội hình diễn tập. Trong các cuộc diễn tập và Lễ duyệt binh tàu quốc tế ở Singapore lần này, một số nước như Nhật Bản, Malaysia, Brunei, Indonesia… cử hai tàu tham dự.
Tàu Hộ vệ tên lửa 421, lớp Naresuan của Hải quân Thái Lan …
…và Tàu khu trục DDG 997 Dae Jo Yeong của Hải quân Hàn Quốc cơ động trong đội hình.
Máy bay trực thăng Ka-28 của Lữ đoàn 954 Không quân Hải quân theo tàu 011 được đưa ra sấy máy và kiểm tra các điều kiện kĩ thuật. Trong môi trường biển, các yêu cầu bảo đảm tình trạng kĩ thuật và sẵn sàng chiến đấu với máy bay theo tàu rất khắt khe. Chiều 12-5, Tàu 011 về vị trí neo đậu ở Quân cảng Changi, Singapore, sẵn sàng cho các hoạt động như Lễ duyệt binh tàu Hải quân quốc tế và Triển lãm Quốc tế về Hàng hải quốc phòng châu Á 2017.