Do đặc điểm nhiệm vụ, hầu hết các tàu của lực lượng tuần duyên, cảnh sát biển hay hải cảnh cũng được trang bị vũ khí.
Tuy nhiên, vũ khí trên các tàu tuần duyên thường chỉ ở mức phòng vệ cơ bản hoặc có khả năng tấn công vừa phải, chứ không trang bị mạnh như các tàu chiến hải quân, trừ một số trường hợp đặc biệt, tàu tuần duyên có thể hoán cải để trang bị vũ khí mạnh ngang tàu chiến hải quân.
Dưới đây là một số loại pháo (cỡ nòng từ 20mm trở lên) trang bị trên các tàu tuần duyên của một số quốc gia tiêu biểu:
Mỹ
Đầu tiên phải kể đến là Lực lượng Tuần duyên Mỹ (U.S. Coast Guard). Đây là lực lượng tuần duyên có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới. Đây cũng là lực lượng có trang bị quy mô nhất và có thể thực hiện nhiệm vụ trên nhiều vùng biển toàn thế giới.
Hiện mẫu pháo trang bị trên các tàu của tuần duyên Mỹ có:
- Pháo MK 75 cỡ nòng 76mm: Là phiên bản được chế tạo tại Mỹ theo giấy phép từ mẫu pháo OTO Melara 76mm.
Đây cũng là pháo có cỡ nòng lớn nhất hiện đang trang bị trên các tàu của lực lượng này. Pháo MK 75 hiện trang bị trên 3 tàu lớp Hamilton cuối cùng còn được tuần duyên Mỹ vận hành và trên các tàu tuần duyên lớp Famous.
Pháo MK 75 cỡ nòng 76mm trang bị trên tàu tuần duyên USCGC Munro (WHEC-724), 1 trong 3 tàu tuần duyên lớp Hamilton cuối cùng của Mỹ.
Pháo MK 75 cỡ nòng 76mm trang bị trên tàu tuần duyên USCGC Thetis (WMEC-910) của Mỹ.
- Pháo MK 110 cỡ nòng 57mm: Cũng là một phiên bản được chế tạo tại Mỹ, pháo MK 110 vốn là khẩu Bofors 57mm MK 3 do Thụy Điển phát triển. Mẫu pháo MK 110 hiện đang được trang bị trên các tàu tuần duyên lớp Legend thế hệ mới của Mỹ.
Pháo MK 110 cỡ nòng 57mm trang bị trên tàu tuần duyên USCGC Munro (WMSL-755) của Mỹ.
- MK 38 Mod 0 và MK 38 Mod 2: Cả 2 đều là bệ vũ khí với pháo M242 Bushmaster cỡ nòng 25mm. Điểm khác biệt là bản Mod 0 có xạ thủ điều khiển trực tiếp, trong khi bản Mod 2 là bệ điều khiển từ xa.
Pháo MK 38 Mod 2 cỡ nòng 25mm trang bị trên tàu tuần duyên lớp Sentinel của Mỹ.
- Hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Phalanx: gồm pháo 6 nòng M61 Vulcan cỡ 20mm. Hệ thống CIWS Phalanx được lắp trên các tàu tuần duyên lớp Hamilton và Legend của Mỹ.
Hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx lắp trên nóc nhà chứa trực thăng tàu tuần duyên lớp Legend của Mỹ.
Nga
Đây là lực lượng thuộc Bộ đội biên phòng Nga. Tuy là lực lượng còn non trẻ nếu so sánh với tuần duyên Mỹ, nhưng điều thú vị là cảnh sát biển Nga lại là lực lượng có tàu lắp pháo cỡ nòng lớn nhất trong các lực lượng tuần duyên trên thế giới.
- Đó là mẫu pháo AK-100 cỡ nòng 100mm hiện đang trang bị trên các tàu tuần tra, chống ngầm lớp Krivak III của lực lượng cảnh sát biển Nga.
Tàu tuần duyên lớp Krivak III của cảnh sát biển Nga lắp pháo AK-100 cỡ nòng 100mm.
- Pháo AK-176M/MA, AK-726 đều có cỡ nòng 76mm: Hiện pháo AK-726 lắp trên các tàu tuần tra chuyên hoạt động ở vùng biển đóng băng thuộc đề án 97P.
Còn pháo AK-176M được trang bị trên các tàu đề án 10410, 1241.2, riêng tàu tuần tra xa bờ đề án 22100 thế hệ mới được lắp pháo AK-176MA cải tiến tương tự như trên cặp tàu Gepard thứ 2 của Việt Nam.
Tàu tuần tra đề án 97P (số hiệu 170) của cảnh sát biển Nga lắp pháo AK-726 nòng đôi cỡ 76mm.
Tàu tuần tra đề án 10410 (số hiệu 077) của cảnh sát biển Nga lắp pháo AK-176M cỡ nòng 76mm.
Tàu tuần tra xa bờ đề án 22100 của cảnh sát biển Nga lắp pháo AK-176MA.
- Các loại pháo cỡ nòng 30mm như AK-630M, AK-306 và AK-230: Hiện chỉ có các tàu từ thời Liên Xô của cảnh sát biển Nga mới trang bị pháo AK-230, các tàu thế hệ mới hơn đã chuyển sang sử dụng các loại pháo AK-630M và AK-306.
Tàu tuần tra đề án 22460 của cảnh sát biển Nga lắp pháo AK-630M cỡ nòng 30mm.
Tàu tuần tra đề án 14310 của cảnh sát biển Nga lắp pháo AK-306 cỡ nòng 30mm.
Tàu tuần tra đề án 745P của cảnh sát biển Nga lắp pháo AK-230 nòng kép cỡ 30mm.
Trung Quốc
Hải cảnh Trung Quốc là lực lượng tuần duyên có quy mô lớn nhất hiện nay tại khu vực châu Á. Trong những năm vừa qua, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã được ưu tiên đóng nhiều loại tàu cỡ lớn, hiện đại.
Cùng với đó là việc họ bắt đầu trang bị pháo cỡ nòng lớn thay vì các loại pháo cỡ nòng nhỏ trước đây.
Một trong những lý do khiến Trung Quốc trang bị pháo cỡ nòng lớn cho hải cảnh là nhằm tạo ưu thế vượt trội, hoặc ít nhất là ngang bằng về hỏa lực với các lực lượng tuần duyên trong khu vực.
- Pháo H/PJ-26 cỡ nòng 76mm: Đây là phiên bản được Trung Quốc chế tạo dựa trên mẫu pháo AK-176 của Nga. Lớp tàu hải cảnh đầu tiên được Trung Quốc trang bị mẫu pháo này là 2 tàu hải cảnh có lượng giãn nước 12.000 tấn, mang số hiệu 2901 và 3901, đây cũng là lớp tàu tuần duyên lớn nhất trên thế giới.
Tàu hải cảnh số hiệu 3901, lượng giãn nước 12.000 tấn của Trung Quốc lắp pháo H/PJ-26 cỡ nòng 76mm.
Bên cạnh 2 tàu hải cảnh 12.000 tấn, hiện nay các tàu hải cảnh đóng mới của Trung Quốc với lượng giãn nước từ 2.000 tấn trở lên đều được trang bị pháo H/PJ-26. Trong đó có 2 lớp tàu là Type 818 (phiên bản hải cảnh của khinh hạm Type 054A) với lượng giãn nước 4.000 tấn và Type 718 với lượng giãn nước 2.500 tấn.
Tàu hải cảnh Type 818 (số hiệu 46301) và Type 718 (số hiệu 46111) của hải cảnh Trung Quốc, được lắp pháo H/PJ-26 cỡ nòng 76mm.
- Pháo Type 347G: Đây là loại pháo nòng đôi cỡ 37mm. Hiện chỉ có các tàu hải cảnh hoán cải từ khinh hạm Type 053H2G là được trang bị loại pháo này, với mỗi tàu có 4 bệ pháo.
Pháo Type 347G trang bị trên tàu hải cảnh Trung Quốc.
- Pháo cỡ nòng 30mm: Hiện hải cảnh Trung Quốc đang trang bị 2 mẫu pháo cỡ nòng 30mm gồm pháo H/PJ-14, H/PJ-17 và Type 630 (phiên bản Trung Quốc chế tạo dựa trên pháo AK-630 của Nga).
Pháo H/PJ-14 cỡ nòng 30mm lắp trên tàu hải cảnh 1.500 tấn của Trung Quốc.
Pháo Type 630 cỡ nòng 30mm lắp trên tàu hải cảnh Type 818 của Trung Quốc.
Tàu tuần duyên Mỹ bắn vào một con "tàu ma" ở Alaska.
(Còn nữa)