Kỷ lục được thiết lập ở đỉnh của quỹ đạo xa của mặt trăng, khi tàu vũ trụ Orion đi vào quỹ đạo này. Chuyến bay nằm trong khuôn khổ chiến lược chinh phục mặt trăng với tham vọng đưa con người ở lâu nhất có thể trên hành tinh này để phục vụ những sứ mệnh khám phá vũ trụ.
Ngày 28/11 (theo giờ Mỹ), tàu Orion đã ở vị trí cách cách Trái đất khoảng 430.000 km, mức xa nhất mà một tàu vũ trụ được thiết kế chở người có thể đạt đến. Từ khoảng cách này, máy ảnh của tàu vũ trụ Orion đã chụp được hình ảnh chưa từng thấy - mặt trăng che khuất Trái đất.
Trong sứ mệnh Artemis 1 , không có phi hành gia nào có mặt trên tàu Orion, thay đó là 3 hình nộm được gắn các cảm biến trong trang phục du hành vũ trụ, cho phép ghi nhận những số liệu trong suốt cuộc hành trình. Sứ mệnh này nhằm kiểm tra khả năng của tên lửa Hệ thống phóng không gian và tàu vũ trụ Orion khi chúng hoạt động trong không gian, bao gồm việc quay trở lại bầu khí quyển Trái đất.
Ông Bill Nelson, Giám đốc NASA, nói: "Chúng ta không chỉ đi xa hơn và về nhà nhanh hơn mà Artemis còn mở đường cho việc sống và làm việc trong không gian sâu thẳm, trong một môi trường khắc nghiệt, để phát minh, sáng tạo và cuối cùng là để tiếp tục hướng tới đưa con người lên sao Hỏa".
Hình ảnh được chụp vào ngày thứ 9 của sứ mệnh Artemis I, cho thấy Trái đất và một tấm pin mặt trời của tàu Orion. (Ảnh: NASA)
Dự kiến, tàu vũ trụ Orion sẽ tiếp tục di chuyển trong khoảng hơn một tuần, trước khi trở lại Trái đất vào ngày 11/12. Nếu kế hoạch suôn sẻ, Artemis I sẽ là bước khởi đầu cho sứ mệnh đưa con người trở lại mặt trăng của NASA. Cơ quan này dự kiến sẽ tiến hành chuyến bay đưa phi hành đoàn Artemis II quanh mặt trăng vào năm 2024. Tiếp đó, đến năm 2025, sứ mệnh Artemis III sẽ đưa con người đáp xuống bề mặt mặt trăng.
Với những nỗ lực đưa con người quay lại mặt trăng sau 50 năm vắng bóng, Mỹ đang hướng tới tham vọng có thể kéo dài khoảng thời gian con người ở trên mặt trăng nhằm phục vụ các sứ mệnh khám phá vũ trụ trong tương lai.