(Ảnh minh họa)
Ngay cả khi Hải quân Nga hy vọng tàu tuần dương tên lửa hạt nhân Đô đốc Nakhimov có thể trở lại hoạt động trong vài năm tới thì đối với họ, các tàu chiến cỡ lớn cũng sẽ không phải là thành phần tiêu chuẩn trong hạm đội.
Thay vào đó, Moscow đang hướng tới các khinh hạm có kích cỡ nhỏ hơn nhưng mạnh mẽ hơn để đưa chúng trở thành trụ cột cho lực lượng tàu mặt nước.
Đề án 22350
Khinh hạm mang tên lửa dẫn đường Đề án 22350 sẽ là lực lượng tiên phong chống lại các mối đe dọa tiềm tàng, cả trong nhiệm vụ bảo vệ vùng biển gần bờ và các vùng biển xa của Nga. Những chiếc tàu đầu tiên thuộc đề án này được đóng tại nhà máy đóng tàu Severnoye ở Saint Petersburg.
"Khinh hạm thuộc Đề án 22350 sẽ sớm trở thành trụ cột trong các nhóm tàu chiến mặt nước của Hải quân Nga" – Ông Andrei Dyachkov, Giám đốc điều hành của Phòng thiết kế Severnoye, thuộc Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất (USC) nói với hãng thông tấn TASS hồi tháng 4 năm ngoái.
Khinh hạm Đô đốc Gorshkov Đề án 22350 của Hải quân Nga. Ảnh: Wiki
Ông Dyachkov cho biết thêm rằng, lớp khinh hạm mới được đóng theo Đề án 22350 sẽ có sự khác biệt vượt trội về vũ khí, điều này giúp thúc đẩy đáng kể tiềm năng của từng tàu chiến riêng lẻ, cũng như các nhóm tàu hải quân mà chúng sẽ tham gia.
Các tàu chiến đa nhiệm này có khả năng tác chiến chống tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay của đối phương. Chúng cũng có thể được sử dụng để phát động các cuộc tấn công chống lại công trình mặt đất và ven biển ở phạm vi hơn 1.500km.
Tên lửa không thể đánh chặn
Không giống như các tàu chiến trước đây của Nga thường bị chậm trễ, khinh hạm 22350 được sản xuất với tốc độ nhanh chóng. Nga đã đặt hàng ít nhất 10 khinh hạm và chúng được tích hợp công nghệ tàng hình.
Mỗi tàu (trong số được sản xuất loạt) sẽ trang bị một động cơ đẩy sản xuất hoàn toàn trong nước, điều này cũng khiến chúng trở nên khác biệt với chiếc đầu tiên thuộc lớp này – Đô đốc Gorshkov (đưa vào trang bị năm 2018).
Đô đốc Gorshkov đã thu hút sự chú ý khi thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới vào năm 2019. Chuyến đi này được công nhận là một thành tựu lớn, và thậm chí còn được ghi vào Sách kỷ lục của Lực lượng vũ trang Nga.
"Các hoạt động như vậy đã không được thực hiện kể từ khi Liên Xô tan rã" – Ông Dyachkov cho biết – "Trong hành trình của mình, con tàu đã chứng minh được đặc tính vận hành tuyệt vời, độ tin cậy, cũng như các giải pháp kỹ thuật tích hợp phù hợp với nó".
Khinh hạm Đô đốc Gorshkov thử nghiệm tên lửa Tsirkon ở Biển Barents
Đô đốc Gorshkov đã được sử dụng trong một số cuộc thử nghiệm liên quan đến tên lửa hành trình siêu thanh Tsirkon của Nga. Mùa thu năm 2020, con tàu này đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa ở Biển Trắng nhằm vào các vị trí mục tiêu phức tạp ở Biển Barents. Một trong những cuộc thử nghiệm đã được tiến hành vào ngày sinh nhật của Tổng thống Vladimir Putin trong tháng 10 cùng năm.
Tổng thống Putin là người ủng hộ mạnh mẽ tên lửa Tsirkon và đã đặt mục tiêu sẽ vận hành tên lửa này từ khinh hạm Đề án 22350 trong những năm tới. Đây là loại tên lửa mà ấn bản The National Interest của Mỹ thừa nhận rằng hiện nay không lực lượng hải quân nào trên thế giới có phương tiện phòng thủ chống lại nó.
Tháng 12/2021, hãng tin Sputnik (Nga) thông báo các khinh hạm thuộc Đề án 22350 của Nga đã được bổ sung thêm những tính năng mới. Hệ thống tên lửa phòng không (SAM) Poliment-Redut được lắp đặt trên loại tàu này có thể đồng thời tấn công các mục tiêu trên không và trên biển, giúp tăng cường sức mạnh đáng gờm cho chúng.