Tàu chiến NATO rầm rập vào Biển Baltic, chiến hạm Nga sẵn sàng nghênh chiến

Kiệt Linh |

Nga đã đưa Hạm đội Biển Baltic vào trực chiến sau khi một nhóm gồm 4 chiến hạm của NATO đi vào Biển Baltic ngày hôm qua (18/4), Trung tâm Quản lý Quốc phòng Nga đưa tin.

Nhóm tàu NATO bao gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ - USS Gravely, tàu khu trục của Ba Lan - ORP General Kazimierz Pulaski, tàu khu trục Thổ Nhĩ Kỳ - Gokova và tàu khu trục Tây Ban Nha - Almirante Juan de Borbon.

"Để có thể phản ứng nhanh chóng trong trường hợp xảy ra những sự cố hay tai nạn ở vùng Biển Baltic, Hạm đội Biển Baltic đang theo dõi sát sao các tàu chiến của NATO. Các nhóm tấn công chống hạm, các hệ thống phòng thủ bờ biển Bal và Bastion cũng như các máy bay chiến đấu đã được đưa vào trực chiến ở những khu vực được chỉ định”, tuyên bố của Hạm đội Biển Baltic cho biết.

Kể từ đầu năm 2019, Hạm đội Biển Baltic của Nga đã tiến hành nhiều hoạt động như vậy trong một số trường hợp khi tàu của NATO tiến vào khu vực này. Hôm 21/1, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Gravely cùng với tàu khu trục lớp Arleigh Burke - USS Porter của Mỹ đã đi vào Biển Baltic. Các tàu Boikiy và Soobrazitelnyy của Nga đã bám sát các tàu của Mỹ. Tiếp đó, vào ngày 26/2, tàu Nga cũng được huy động đi theo dõi tàu Mỹ khi tàu USS Gravely một lần nữa đi vào Biển Baltic.

Cùng với Biển Đen, Biển Baltic là điểm nóng chứng kiến những cuộc đối đầu, chạm trán căng thẳng giữa lực lượng tàu chiến và chiến đấu cơ của Nga với các nước NATO. Những vụ đối đầu như vậy bắt đầu gia tăng nhanh chóng và chứa đựng nhiều nguy cơ kể từ sau khi quan hệ giữa Nga và NATO “lao dốc không phanh”.

Quan hệ giữa Nga và NATO đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên. Cả hai bên đều có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.

Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga.

Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.

Gần đây, quan hệ Nga và NATO tiếp tục leo thang căng thẳng sau khi xảy ra vụ đụng độ hải quân giữa Nga và Ukraine ở Biển Đen hồi tháng 11 năm ngoái. NATO chỉ trích Moscow về vụ bắt giữ 3 tàu của Hải quân Ukraine cùng với 24 thủy thủ Ukraine. NATO đã gây sức ép buộc Nga phải trả các tàu và thủy của Ukraine. Tuy nhiên, Nga giữ một lập trường cứng rắn, quyết không lùi bước trước sức ép của đối thủ.

Ngoài vụ việc liên quan đến Ukraine nói trên, Nga và NATO còn đang mâu thuẫn về kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ và về Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại