Tàu chiến Iran xuyên Đại Tây Dương, tại sao Mỹ chỉ 'khoanh tay đứng nhìn'?

Thùy Dương |

Dù lo ngại tàu chiến Iran chở hàng hóa cho Venezuela, vi phạm lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên nước này, nhưng Mỹ hầu như không thể làm gì để ngăn chặn.

Gần đây, hai tàu chiến Iran đang thực hiện hải trình xuyên Đại tây Dương. Các quan chức an ninh quốc gia Mỹ lo ngại những tàu chiến này đang lên đường sang Venezuela. Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đã kêu gọi Mỹ ngăn hai con tàu.

Tuy nhiên, dù thực hiện bất kỳ hành động nào thì Mỹ cũng sẽ vi phạm luật pháp và làm ảnh hưởng tới nguyên tắc cốt lõi của trật tự quốc tế: quyền miễn trừ quốc gia. Cái giá của hành động can thiệp sẽ nghiêm trọng, khiến Mỹ có nguy cơ bị cáo buộc đạo đức giả và có thể khiến các tàu Hải quân Mỹ bị các nước đối địch đối xử tương tự.

Tàu chiến Iran xuyên Đại Tây Dương, tại sao Mỹ chỉ khoanh tay đứng nhìn? - Ảnh 1.

Một tàu chiến Hải quân Iran gần Eo biển Hormuz ở miền nam Iran ngày 11/9/2020. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Foreign Policy, Venezuela và Iran ngày càng có quan hệ gần gũi hơn trong thập kỷ qua khi hai quốc gia đều thấy đối phương chính là “van an toàn” trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Buôn bán dầu mỏ là lĩnh vực đặc biệt quan trọng với cả hai quốc gia và những năm gần đây, Mỹ và đồng minh đã ngăn chặn một số tàu chở hàng với lý do nghi ngờ chở dầu Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, lần này lại khác. Hai con tàu này thuộc Hải quân Iran. Theo luật quốc tế, Mỹ không thể làm vì với hai tàu này. Luật biển cho phép tàu chiến và tàu thuộc sở hữu chính phủ các nước có quyền miễn trừ quốc gia. Trong thời bình, quyền miễn trừ quốc gia là "cây đũa thần" quyền lực chống lại quyền tài phán của nước ngoài. Ngoại trừ trường hợp cực đoan như con tàu không thuộc chủ quyền quốc gia hoặc chở vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trường hợp của Iran không thuộc ngoại lệ này.

Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) định nghĩa tàu chiến là tàu thuộc về lực lượng vũ trang, nằm dưới sự chỉ huy của một sĩ quan trong quân ngũ và có thủy thủ đoàn vận hành tuân theo điều lệnh quân sự. Cả hai tàu của Iran, gồm tàu khu trục không tên và tàu IRINS Makran, rõ ràng đều đáp ứng định nghĩa về tàu chiến theo UNCLOS.

UNCLOS đề cập rõ ràng tới quyền miễn trừ quốc gia. Trên vùng biển chung, quyền miễn trừ quốc gia là tuyệt đối. Điều 95 quy định: Tàu chiến trên vùng biển chung có quyền miễn trừ tuyệt đối, không chịu quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào ngoài quốc gia có quốc kỳ cắm trên tàu. Điều 96 cũng cho phép tàu do chính phủ sở hữu hoặc vận hành trên vùng biển chung có quyền miễn trừ tuyệt đối tương tự. Quyền này cũng áp dụng trong vùng đặc quyền kinh tế.

Ngay cả trên vùng biển thuộc lãnh hải nước nào đó, quyền miễn trừ quốc gia cũng được bảo vệ mạnh mẽ. Theo luật pháp quốc tế, tàu chiến có quyền đi qua vô hại trên vùng lãnh hải một nước. Quốc gia ven biển có thể thiết lập quy tắc an toàn hàng hải nhưng không có quyền áp đặt các quy định này với tàu chiến nước ngoài. Miễn là tàu chiến đi qua vô hại, không đe dọa quốc gia ven biển thì quốc gia ven biển nhiều nhất chỉ có thể yêu cầu tàu chiến rời lãnh hải của mình. Can thiệp hoặc bắt giữ là hành vi không được phép, trừ khi tàu chiến đe dọa quốc gia ven biển thì quốc gia đó mới có quyền tự vệ.

Vùng nội thủy, như cảng, không khác biệt đáng kể. Tất nhiên, tàu chiến cần quốc gia ven biển cho phép mới được vào vùng nội thủy. Dù trong vùng nội thủy, quốc gia ven biển có quyền lớn nhất, nhưng quyền miễn trừ quốc gia vẫn có hiệu lực theo luật pháp quốc tế.

Mỹ không thể làm gì cho dù chắc chắn tàu chiến Iran đang chở vũ khí vi phạm lệnh trừng phạt áp lên Venezuela. Do luật pháp quốc tế quy định rằng tàu chiến trong thời bình không bao giờ chịu quyền tài phán của nước ngoài, nên tàu chiến nước ngoài không bị áp đặt các hành động thực thi liên quan lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Video tàu Iran trên Đại Tây Dương (nguồn: RT):

Video tàu Iran trên Đại Tây Dương (nguồn: RT)

Trong trường hợp này, miễn là tàu chiến Iran không đe dọa dùng vũ lực, thì quyền miễn trừ quốc gia sẽ bảo vệ hai tàu chiến này cho dù tàu ở đâu, trên vùng biển chung, vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hoặc vùng nội thủy. Nếu tàu chở vũ khí truyền thống, Mỹ chỉ có thể dựa vào lệnh trừng phạt quốc gia vì ngay cả lệnh trực phạt mạnh nhất của Liên hợp quốc cũng không áp dụng với tàu được hưởng quyền miễn trừ quốc gia.

Mỹ có thể phớt lờ luật pháp nhưng sẽ phải trả giá đắt. Nếu Mỹ cố tình can thiệp và bị thua khi bị kiện ở tòa án quốc tế, Mỹ sẽ chịu thất bại ê chề và càng tăng sức mạnh cho Iran. Nếu hành động can thiệp của Mỹ thành công cả về mặt thực tế và luật pháp, Mỹ có thể khiến các tàu hải quân gặp nguy hiểm khi có nguy cơ bị đối xử tương tự.

Tóm lại, dù can thiệp thành công hay thất bại thì hành động của Mỹ với các tàu Iran đang đi qua Đại Tây Dương sẽ làm phức tạp nỗ lực của Mỹ trong bảo vệ lợi ích và vị thế với tư cách là người bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.

Theo tờ Foreign Policy, để ngăn tàu Hải quân Iran tới Venezuela, Mỹ chỉ có thể dùng biện pháp ngoại giao hơn là vũ lực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại