Ngay khi xảy ra sự cố, Trung tâm phối hợp Hanoi Metro đã thông báo cho hành khách trên loa tại ga Phùng Khoang để sử dụng xe buýt trung chuyển về các ga tiếp theo (kích hoạt Phương án vận hành giao lộ nhỏ Cát Linh- Phùng Khoang).
Sự cố này gây ảnh hưởng đến lịch trình và thời gian di chuyển của hàng trăm hành khách. Vậy, mức độ nghiêm trọng của sự cố này ra sao? Làm thế nào để đảm bảo đảm an toàn cho hành khách đi tàu? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình, Trưởng văn phòng đại diện công ty tư vấn OCG, Nhật Bản xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, vào 19h tối 17/9, một đoàn tàu Cát Linh- Hà Đông, khi đến ga Phùng Khoang bất ngờ dừng lại. Sự cố này khiến toàn bộ hành khách không thể tiếp tục hành trình mà phải chuyển sang xe bus về ga Yên Nghĩa. Theo quan điểm của ông, mức độ nghiêm trọng của sự cố này như thế nào?
Ông Phan Lê Bình: Tôi cho rằng, sự cố dừng tàu một thời gian tương đối dài, đối với đường sắt đô thị, tôi đánh giá đây là một sự có mức độ nghiêm trọng trung bình, tức không phải là nhẹ nhưng cũng không quá nghiêm trọng. Nói không quá nghiêm trọng vì nó chưa gây tổn thất về tài sản, như gây hư hỏng đầu máy toa xe, cũng chưa gây tổn hại về thương tích, sức khỏe, tính mạng của hành khách.
Tuy nhiên, nó cũng gây ảnh hưởng đến lượng lớn người đi tàu như thay đổi lộ trình hoặc kéo dài thời gian di chuyển. Do vậy, đó là sự cố ở mức trung bình trong vận hành đường sắt đô thị nói chung không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Tôi cho rằng lỗi để cho tàu điện phải dừng trong thời gian đang vận hành thương mại trong thời gian dài như vậy là lỗi không được phép xảy ra trong quá trình vận hành. Vì vậy, đơn vị vận hành phải xác định đúng nguyên nhân và có biện pháp khắc phục triệt để để trong thời gian vận hành sắp tới không xảy ra những trường hợp tương tự như vậy nữa.
PV: Thông thường trước khi vận hành phải diễn tập. Đường sắt Cát Linh- Hà Đông với lỗi này vào năm 2021, vào năm 2022 cũng đã xảy ra sự cố dừng tàu và sự cố mới xảy ra hôm 17/9. Vậy, khi xảy ra sự cố, trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị nào?
Ông Phan Lê Bình: Tôi không ở vị trí nói được về trách nhiệm thuộc về đơn vị nào. Qua thông tin của các đơn vị truyền thông, sự cố dừng tàu xảy ra vào giai đoạn đầu vận hành vào năm 2022 và lần này vào năm 2024. Tôi không nắm được hai lần xảy ra sự cố có cùng nguyên nhân hay không.
Hiện nay, Hanoi Metro là đơn vị vận hành tuyến Cát Linh- Hà Đông và trong quá trình vận hành đương nhiên phải thực hiện đầy đủ hoạt động duy tu, bảo trì, bảo dưỡng. Cho nên, đơn vị cần xác định đúng nguyên nhân, có biện pháp khắc phục để không xảy ra những sự cố như vậy nữa là điều rất quan trọng mà công ty Hanoi Metro cần triển khai thực hiện.
PV: Khi xảy ra sự cố như vậy, hành khách trên tàu cần những kỹ năng gì để đảm bảo an toàn cho bản thân. Và trong trường hợp xảy ra sự cố như vậy, các đơn vị vận hành tại nhiều quốc gia khác trên thế giới có những động thái trách nhiệm như thế nào để đảm bảo an toàn cho hành khách?
Ông Phan Lê Bình: Điều tiên quyết những hành khách đi tàu cần phải nắm chắc là khi xảy ra sự cố như vậy, không được hoảng loạn, tuyệt đối bình tĩnh và tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên đường sắt, gồm lái tàu và nhân viên nhà ga. Hành khách tuyệt đối không được tự ý đi lại trong phạm vi đường sắt đặc biệt ở khu vực đường ray.
Vì ở đây, chúng ta sử dụng ray tiếp điện bằng ray thứ 3. Khi mà hành khách bước ra khỏi đoàn tàu ở khu vực chưa có sân ga và đi lại ở khu vực lân cận với đường ray, đường sắt thì rất gần với đường ray thứ 3, là đường ray có dẫn điện với điện áp rất cao. Nếu sờ tay chạm vào có thể bị điện giật với thương tích rất nặng, thậm chí có thể gây tử vong.
Về phía đơn vị vận hành, chắc chắc công ty Hanoi Metro đã có quy định về cách ứng xử khi xảy ra những trường hợp như thế này.
Với trường hợp đường sắt đô thị tại Nhật Bản, nếu tàu dừng lại ngay tại ga, thì rất đơn giản, mở cửa tàu cho hành khách xuống ga và bố trí xe bus trung chuyển hành khách đến những ga đường sắt gần đó để có thể di chuyển tiếp được,
Trong trường hợp đoàn tàu dừng giữa các ga và không thể di chuyển đoàn tàu đến các ga gần nhất ngay được thì buộc phải mở cửa cho hành khách di chuyển xuống khu vực gần đường ray, hướng dẫn hành khách đi an toàn đến ga gần nhất, trèo lên và trung chuyển sang các ga gần nhất.
Với bất kỳ cách thức di chuyển nào thì quan trọng nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách. Bởi vì đường sắt đô thị là phương tiện vận tải khối lượng lớn, chuyên chở rất nhiều hành khách. Mỗi một sự cố như vậy có hàng trăm người, thậm chí hàng nghìn người bị ảnh hưởng nên phải đảm bảo an toàn.
PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!