Tàu cao tốc + Thủy lôi: Chiến thuật đánh du kích của Iran khiến Mỹ phải lạnh gáy

Lâm Vy |

Sau nhiều thập kỉ mài giũa và hoàn thiện, Iran sử dụng chiến thuật thiên về việc tận dụng những tàu chiến cơ động và sẵn sàng chịu tổn thất.

Iran với chiến tranh du kích

Kết luận của Mỹ cho rằng Iran đứng sau các vụ tấn công gần đây nhằm vào tàu chở dầu đã khơi lại mối lo ngại về khả năng phát động chiến tranh du kích của Tehran tại một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất trên thế giới.

Mỹ tin rằng Iran đã sử dụng thủy lôi để tấn công 4 tàu chở dầu tại Vịnh Oman trong tháng này – Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết hôm thứ Tư, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Phản bác lại, Iran cho rằng những cáo buộc mà ông Bolton đưa ra thật "nực cười".

Đáp trả các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn cản hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran, Tehran đã nhiều lần đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz – nối vịnh Oman với vịnh Ba Tư.

1/3 lượng dầu mỏ và khí gas tự nhiên hóa lỏng của thế giới được vận chuyển qua eo biển này, do đó hành động của Iran (nếu thành hiện thực) sẽ làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu và kích động một cuộc xung đột trên biển.

Iran có lực lượng hải quân chính quy và lực lượng hải quân của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), có khả năng khiến cho vùng biển ngoài khơi Iran trở nên nguy hiểm đối với các đối thủ của Tehran.

Lực lượng bán quân sự của nước này có thể bủa vây đối phương với các tàu tấn công nhanh vũ trang ngư lôi và tên lửa tầm ngắn, cùng các tàu tuần tra cỡ nhỏ mang súng máy và bệ phóng rocket. Họ còn được trang bị để có thể rải mìn tại eo biển Hormuz.

Tàu cao tốc + Thủy lôi: Chiến thuật đánh du kích của Iran khiến Mỹ phải lạnh gáy - Ảnh 1.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cáo buộc Iran phá hoại ngầm các tàu chở dầu. Ảnh: Retuers

Sau nhiều thập kỉ mài giũa và hoàn thiện, Iran sử dụng chiến thuật thiên về việc tận dụng những tàu chiến cơ động và sẵn sàng chịu tổn thất.

"Mỗi phương tiện này đều có thể tác chiến cảm tử và chỉ là một phần nhỏ trong sức mạnh chiến đấu của IRGC" – Giáo sư James Holmes từ Trường Chiến tranh Hàng hải Mỹ cho hay khi đề cập lới lực lượng hải quân của IRGC.

Vùng biển hạn chế tại eo biển Hormuz gây khó khăn cho hoạt động của các tàu cỡ lớn và điều này trở thành lợi thế cho lực lượng của Iran khi họ đang thua kém về công nghệ so với đối thủ.

Iran có thể quấy rối, bắt giữ các tàu nước ngoài hoặc thực hiện một số hành động khác ở mức độ vừa đủ để không kích động trả đũa quân sự nhưng vẫn có thể cảnh cáo, nhắc nhở đối thủ về khả năng làm gián đoạn tuyến đường thương mại của họ.

Viễn cảnh xung đột và hệ lụy

Tàu cao tốc + Thủy lôi: Chiến thuật đánh du kích của Iran khiến Mỹ phải lạnh gáy - Ảnh 2.

Hai lực lượng hải quân của Iran được trang bị nhiều tàu tuần tra và tàu tấn công nhanh. Ảnh: Văn phòng tình báo hải quân Mỹ

Từ năm 2016 đến cuối năm 2017, tàu tuần tra cỡ nhỏ của Iran thường xuyên quấy rối các tàu Mỹ bằng cách lao vọt về phía chúng. Các quan chức Mỹ khi đó đã cảnh báo hành động này có thể dẫn tới những tính toán sai lầm.

Về phần mình, Iran cho biết họ chỉ đang tuần tra eo biển và cáo buộc Mỹ đã có hành động khiêu khích lực lượng Iran khi bắn pháo sáng cảnh cáo. Trong năm 2015, IRGC đã bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo trên vịnh Ba Tư tại vị trí chỉ cách các tàu chiến Mỹ khoảng 1 dặm.

Đáp trả lại những gì gọi là "mối đe dọa đang gia tăng từ phía Iran", chính quyền Tổng thống Trump cho biết trong tháng này, họ đã điều 1 tàu sân bay cùng các tàu hộ tống tới vịnh Ba Tư, triển khai thêm 1.500 binh lính tới Trung Đông và nhanh chóng bán vũ khí cho Saudi Arabia, cùng UAE.

Tuy nhiên, tới tuần này Mỹ lại hành động theo hướng muốn làm giảm căng thẳng. Tổng thống Trump hôm thứ Hai cho biết ông muốn bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt các tham vọng hạt nhân của Iran.

"Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ thỏa thuận với Iran", ông Trump nói, "Chúng tôi không tìm kiếm sự thay đổi chế độ, tôi muốn làm rõ điều đó. Chúng tôi chỉ đang tìm kiếm việc phi vũ khí hạt nhân".

Theo Giáo sư Mohammad Marandi tại Đại học Tehran, trong trường hợp xảy ra xung đột, Iran sẽ nhanh chóng tấn công các cơ sở dầu mỏ và khí gas của bất cứ quốc gia nào ủng hộ cuộc tấn công nhằm vào họ, dẫn tới một cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu và gây ra những hậu quả thảm khốc cho nền kinh tế toàn cầu.

Do đó, ông Marandi cho rằng "khả năng xảy ra xung đột [Mỹ-Iran] rất thấp".

Trong quá khứ, Mỹ và Iran từng chạm trán trên biển. Năm 1988, Mỹ đã điều khinh hạm tới vịnh Ba Tư để bảo vệ các tàu chở dầu Kuwait trước các đợt tấn công của tàu cao tốc Iran. Trong quá trình làm nhiệm vụ, con tàu của Mỹ đã vướng phải thủy lôi do Iran rải xuống, khiến thân tàu thủng một lỗ lớn.

Để trả đũa, Mỹ đã phá hủy 2 giàn khoan dầu, đánh chìm 1 khinh hạm của Iran, làm hư hỏng 1 chiếc khác cùng 3 tàu cao tốc vũ trang của Tehran.

Tàu cao tốc + Thủy lôi: Chiến thuật đánh du kích của Iran khiến Mỹ phải lạnh gáy - Ảnh 3.

Hình ảnh do chính phủ UAE công bố hồi đầu tháng 5, chụp lại 1 tàu chở dầu của Na Uy bị hư hại. Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ việc này. Ảnh: Getty

Theo ông Michael Connel, chuyên gia về an ninh vịnh Ba Tư tại Trung tâm Phân tích Hải quân ở Virginia (Mỹ), sự việc liên quan đến tàu chở dầu gần đây đã cho thấy những gì Iran có thể làm được.

Từ năm 2007, hai lực lượng hải quân của Iran đã được phân chia vùng trách nhiệm, trong đó IRGC bảo vệ vịnh Ba Tư và chia sẻ trách nhiệm tại eo biển Hormuz với quân chủng hải quân chính quy – lực lượng phụ trách tuần tra vịnh Oman và biển Caspi, có phạm vi hoạt động kéo dài tới Idonesia.

Theo Văn phòng tình báo hải quân Mỹ, Hải quân IRGC đã nhận được ít nhất 46 tàu tấn công nhanh từ Trung Quốc và Triều Tiên trong giai đoạn 1996-2006.

Trong khi đó, lực lượng hải quân chính quy của Iran vận hành các tàu cỡ trung và hạm đội tàu ngầm duy nhất của nước này.

Trong những năm 1990, Iran đã nhận được 3 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga, chúng có thể được trang bị ngư lôi, tên lửa đất-đối-đất và thủy lôi.

Iran đã chế tạo khoảng 13 tàu ngầm mini có thể mang ngư lôi, dựa theo chiếc tàu ngầm mà họ đã nhận được từ Triều Tiên vào năm 2004.

Hồi tháng Hai năm nay, Iran đã đưa vào biên chế tàu ngầm ven biển nội địa đầu tiên. Chủ lực trong hệ thống phòng thủ hải quân của Iran là kho tên lửa đạn đạo chống tàu với tầm bắn khoảng 300km.

Vũ khí mạnh nhất của Iran có lẽ là lối tiếp cận eo biển Hormuz. Các chuyên gia hải quân ước tính, Iran có thể đóng cửa eo biển này trong vòng 4 tuần bằng cách triển khai lực lượng tác chiến phi đối xứng, tàu ngầm và tiến hành phong tỏa hải quân.

Tuy nhiên, ngoài những thiệt hại về người và vật chất mà Iran phải hứng chịu nếu Mỹ đáp trả quân sự, họ sẽ còn phải đối mặt với những hệ lụy về kinh tế. Iran phụ thuộc nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác vào lượng dầu được vận chuyển qua eo biển này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại