“Tổng thống hoan nghênh một cuộc điều tra chung và một giải pháp sớm cho vụ việc. Chúng tôi sẽ chờ liên lạc chính thức từ Đại sứ quán Trung Quốc’, Philippine Daily Inquirer dẫn lời phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết hôm nay, 21/6.
Trong khi trước đó vài giờ, Ngoại trưởng Philippines - ông Teodoro Locsin, lại nói rằng không có cuộc điều tra chung nào giữa Bắc Kinh và Manila.
"Sẽ không có cuộc điều tra chung. Trung Quốc và Philippines sẽ tiến hành các cuộc điều tra riêng rẽ", ông Locsin viết trên tài khoản Twitter cá nhân sáng 21/6.
Ông Teodoro Locsin. (Ảnh: Bloomberg)
Bộ trưởng Tư pháp Philippines Menardo Guevarra cũng đề xuất một cuộc điều tra chung trong cuộc họp nội các ngày 17/6.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, tại một cuộc họp ngắn hôm 20/6 đã đề xuất cuộc điều tra chung về vụ va chạm của tàu Trung Quốc với tàu cá Philippines gần bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sự cố khiến 22 ngư dân Philippines phải trôi nổi trên biển nhiều giờ liền cho đến khi được một tàu Việt Nam cứu.
Theo quan chức Trung Quốc, hai nước "có thể trao đổi những phát hiện tương ứng và xử lý vấn đề một cách hợp lý thông qua các cuộc thảo luận thân thiện", trong khi cùng điều tra vụ việc.
Trước đó, Ngoại trưởng Philippines cho biết ông đã gửi công hàm phản đối việc thủy thủ Trung Quốc bỏ rơi 22 ngư dân Philippines. Tuy nhiên Nội các của Tổng thống Rodrigo Duterte chưa tính đến hành động pháp lý chống lại Bắc Kinh và thủy thủ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines ở biển Đông .
Hôm 17/6, Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte kêu gọi bình tĩnh trong các phản ứng với vụ chìm tàu, gọi đó là "sự cố hàng hải nhỏ". "Đừng tin những chính trị gia ngu ngốc đó. Họ muốn gửi Hải quân đến khu vực. Đó chỉ là một vụ va chạm các tàu với nhau", ông Duterte tuyên bố.
Trong buổi họp báo thường kỳ chiều 20/6, trả lời câu hỏi của phóng viên yêu cầu cho biết phản ứng của Việt Nam liên quan tới vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
"Việt Nam cho rằng, các tàu, bao gồm tàu cá, khi hoạt động trên biển phải có trách nhiệm thực thi các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và các sáng kiến của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) thuộc Liên hợp quốc. Theo đó, các tàu cá có trách nhiệm đối xử nhân đạo và hỗ trợ các ngư dân gặp nạn trên biển".
Bà Hằng khẳng định, tàu cá Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ quốc tế khi hoạt động trên biển như quỵ định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và Công ước IMO mà Việt Nam là thành viên.