Mới đây, hình ảnh một người đàn ông ôm chú cá mập được cho là bắt được ở ven bờ biển vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã khiến nhiều người lo ngại về sự an toàn khi tới du lịch nơi đây.
Vậy thực hư câu chuyện này là như thế nào?
Người đàn ông xuất hiện trong bức ảnh là anh Bùi Công Thắng (trú tại tổ 12, khu 2, phường Hồng Hà, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - theo báo Dân Việt cho hay).
Con cá mập bắt được ở vịnh Hạ Long. Ảnh Báo Quảng Ninh.
Trước đó các chuyên gia từ Sở NN&PTNT và Phòng Bảo tồn và Đa dạng Sinh học, Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với sự giúp đỡ của Đại học Tổng hợp Hokkaido Nhật Bản cũng chưa thể đưa ra kết luận về loài cá mập này.
Mà lý do chính là chưa thể xác định khi chưa thể tiếp xúc trực tiếp với loài cá này cũng như chưa biết về vị trí mà chú cá này được bắt có phải ở vịnh Hạ Long hay ở nơi khác.
Anh Bùi Công Thắng và con cá mập mà mình bắt được. Ảnh Facebook.
Và cuối cùng thì câu trả lời đã được chính người bắt xác nhận, anh Thắng cho biết vị trí anh bắt được nó là ở khu vực Đầu Bê (còn gọi là khu 5 hòn) của vịnh Hạ Long, hơn nữa đây là lần thứ hai mà anh Thắng bắt được cá mập (năm ngoái anh bắt được con cá nhỏ hơn).
Sau đó, thông tin về loài cá này đã được Sở NN&PTNT Quảng Ninh phối hợp cùng nhóm chuyên gia nghiên cứu về cá mập thuộc Đại học Tổng hợp Hokkaido (Nhật Bản) xác định, đó là loài cá mập mắt lợn (cá nheo) với tên khoa học là Carcharhinus amboinensis thuộc họ cá mập Carcharhinidae.
Cá mập mắt lợn có nguy hiểm với con người?
Cá mập mắt lợn. Ảnh Department of Agriculture and Fisheries.
Cá mập mắt lợn (Pigeye shark hay Java shark) là loài cá thích sống ở các vùng nước nông, có môi trường tối tăm với đáy mềm, phân bố chủ yếu ở vùng biển ấm gần bờ ở đông Đại Tây Dương và tây Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chúng thường đi săn ở tầng nước thấp (dưới 150 m), nơi có nhiều cặn lắng và là tầng nước ít ánh sáng, không như cá mập mắt bò, chúng thường tránh đi tới các cửa sông và nơi có nước lợ.
Khu vực xuất hiện cá mập mắt lợn. Ảnh Discover Life.
Về hình dạng bên ngoài thì loài cá này khá giống loài cá mập bò (C. leucas) vì mắt nhỏ, ngắn, mõm nhọn, có thể to lớn (có thể đạt đến chiều dài 1,9 đến 2,5 m, con cá mà anh Thắng bắt được có kích thước khoảng 1,5 m).
Cá mập mắt lợn có thân hình mảnh, vây lưng thứ nhất không có màu đen nổi bật trên cơ thể cũng như các vây khác (ví dụ như loài cá mập đuôi đốm có ở vịnh Hạ Long, đây là loài cá không gây nguy hiểm cho con người).
Sự khác nhau giữa chúng khá khó để có thể phân biệt nếu không phải là người am hiểu về cá mập (số lượng đốt sống và kích thước vây lưng khác nhau).
Cá mập mắt lợn là loài cá mập ăn thịt đứng đầu chuỗi thức ăn trong môi trường sống của mình, thức ăn chủ yếu của loài cá này là cá xương, cá sụn, động vật giáp xác, thân mềm hay cả rắn biển, cá voi.
Loài cá mập này có tập tính di cư theo mùa vào các khu vực cồn, rạn san hô nhưng lại ít khi xuất hiện ở gần bờ như trường hợp mà anh Thắng bắt được.
Một con cá mập mắt lợn. Ảnh Sendirimu.xyz.
Với hàm răng sắc nhọn, cá mập mắt lợn được cho là có tiềm năng gây nguy hiểm cho con người nhưng thực tế thì chưa có bất cứ ghi nhận nào (Not Evaluated) về vụ việc loài cá mập này tấn công con người và với bản tính khá "nhút nhát" thì chúng được đánh giá là an toàn với con người.
Điều nguy hiểm duy nhất tới từ loài cá mập mắt lợn này là chúng tích lũy độc tố ciguatera từ các con mồi mà chúng ăn (như các loài cá có độc), năm 1993 có tới 500 người ở Manakara, Madagascar đã bị ngộ độc vì ăn thịt cá mập mắt lợn (98 người trong số đố đã bị chết).
Thực tế cho thấy loài cá này còn sợ con người hơn là chúng ta sợ chúng vì số lượng của loài cá này đã giảm đáng kể do hoạt động ăn bắt lấy thịt và vây của con người, IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế) xếp nó vào loài gần bị đe dọa (Near-threatened) và cần được bảo vệ.
Bài viết được dịch từ các nguồn: Fishbase.org, Seapics.com, Fishillust.com