Tắt sóng 2G: Không ngắt liên lạc đột ngột ở thời điểm này

Trần Bình - Bá Tân |

Việc tắt sóng 2G sẽ ảnh hưởng tới các thuê bao đang sử dụng điện thoại 2G của tất cả các nhà mạng, tức các thuê bao đang sử dụng điện thoại 2G sẽ bị ngưng kết nối, không thể liên lạc. Tuy nhiên, đại diện các nhà mạng cho biết, những người đang dùng điện thoại 2G yên tâm sử dụng, không có chuyện ngắt liên lạc đột ngột ở thời điểm này.

Đã chuẩn bị từ lâu

Thiết bị 2G là các loại máy không hỗ trợ 3G/4G/5G hay còn gọi là máy điện thoại cơ bản (feature phone). Dễ hiểu hơn, khi tắt sóng 2G, điện thoại “cục gạch” sẽ bị khai tử, người dùng bắt buộc phải chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) tương thích với mạng 3G, 4G và 5G.

Với nhà mạng VinaPhone (Tập đoàn VNPT), 2 năm qua, nhà mạng này đã chủ động tắt các trạm 2G riêng lẻ không phát sinh/phát sinh rất ít lưu lượng. Doanh nghiệp đã kết hợp cả hoạt động kỹ thuật và tuyên truyền cho thuê bao trong khu vực, tiến hành tắt sóng khoảng 10% trạm riêng 2G. VNPT đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để đến tháng 9-2024 cam kết thực hiện chuyển đổi tất cả thuê bao, thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G theo chỉ đạo của Bộ TT-TT.

Tắt sóng 2G: Không ngắt liên lạc đột ngột ở thời điểm này- Ảnh 1.

Để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng, VNPT còn cử nhân viên hỗ trợ trực tiếp và triển khai trợ giá thiết bị đầu cuối. Nhằm đảm bảo dịch vụ và liên lạc thông suốt, VinaPhone khuyến cáo khách hàng kịp thời tra cứu thông tin thiết bị 2G sử dụng và chuyển đổi, nâng cấp sang mạng 3G, 4G, 5G. Đại diện VinaPhone cho biết đã chuẩn bị sẵn các phương án nhằm đảm bảo quyền lợi và không ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách hàng khi thực hiện tắt sóng 2G.

Tương tự, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom, cho biết, việc chuyển đổi khách hàng sử dụng mạng 2G lên 3G, 4G không phải mới diễn ra mà đã thực hiện từ 4 năm. Hiện nay, Viettel là nhà mạng đầu tiên đã chuyển đổi toàn bộ thuê bao 3G lên 4G thành công, chỉ còn 2% khách hàng sử dụng 3G. “Để chuẩn bị cho kế hoạch tắt sóng 2G, Viettel đã tiên phong phủ sóng 4G rộng khắp đến tất cả vùng nông thôn, miền núi, hải đảo xa xôi; đồng thời thử nghiệm phát sóng 5G ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đảm bảo người dân không bị gián đoạn liên lạc khi chính thức dừng công nghệ 2G”, ông Nguyễn Trọng Tính chia sẻ.

Còn theo ông Lê Mai Sơn, Phó trưởng Ban Truyền thông MobiFone, trước khi tắt sóng 2G, nhà mạng này đã có phương án đánh giá ảnh hưởng đến người dùng, việc triển khai được thực hiện theo lộ trình cụ thể nên người dân không quá lo lắng. Khi chuyển từ mạng 2G lên 4G, người dùng cần có thời gian chuyển đổi, tạo thói quen. Do vậy, MobiFone đã thiết kế các gói cước mobile internet đa dạng hình thức để giới thiệu cho khách hàng các tính năng mới.

Đại diện các nhà mạng cho biết, với liên lạc đặc thù như vận tải đường bộ, đường biển… việc tắt sóng 2G không ảnh hưởng đến liên lạc vì đối tượng này dùng sóng vô tuyến, vệ tinh. Với người dùng di động 2G, các nhà mạng sẽ nhắn tin, gọi điện để tư vấn chuyển đổi sang smartphone có hỗ trợ 4G phù hợp. Đến tháng 9-2024, trên hệ thống mạng di động Việt Nam sẽ không còn thuê bao 2G theo quy định của Bộ TT-TT.

Không nên mua di động 2G

Bộ TT-TT vừa có văn bản yêu cầu kể từ ngày 1-3-2024, doanh nghiệp di động không cho phép nhập mạng mới các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (không thuộc danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ TT-TT công bố ). Đây được coi là động thái mới nhất hiện thực hóa chủ trương, định hướng dừng công nghệ di động 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.

Trước khi có thông báo chính thức của Bộ TT-TT về việc chặn các máy điện thoại 2G không hợp chuẩn nhập mạng mới, các nhà mạng đã chủ động thông báo đến khách hàng, khuyến nghị kiểm tra SIM và điện thoại đang sử dụng để thực hiện chuyển đổi sớm nhất. Song song đó, các nhà mạng đều có chương trình đồng hành cùng người dùng di động trong quá trình “lên đời” 4G. Chẳng hạn, Viettel đã ra mắt nhiều dòng máy feature phone và smartphone 4G giá rẻ kèm chính sách ưu đãi. Theo đó, Viettel trợ giá tới 50% một số dòng máy 4G giá rẻ có tính năng nghe gọi (chỉ từ 290.000 đồng/máy)…

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), đến nay Bộ TT-TT đã có nhiều giải pháp, chủ trương dừng mạng 2G. Hiện các nhà mạng đã có kế hoạch dừng mạng 2G và thử nghiệm công nghệ 5G. Đến năm 2030, định hướng của Bộ TT-TT sẽ bắt đầu công nghệ 6G. “Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam (Bộ TT-TT) sẽ tài trợ 400.000 máy điện thoại 4G để hỗ trợ các đối tượng ưu tiên như vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong việc chuyển đổi sang công nghệ mới. Bộ TT-TT sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương, huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người dân diện chính sách có thể chuyển đổi sang 4G một cách đồng bộ”, ông Nguyễn Phong Nhã chia sẻ.

Đến tháng 9-2024, việc tắt sóng 2G sẽ ảnh hưởng khoảng 15 triệu người đang dùng điện thoại “cục gạch”. Việc tắt hoàn toàn sóng 2G nhằm mục tiêu tận dụng tài nguyên tần số cho công nghệ viễn thông hiện đại, phù hợp xu thế phát triển, kỳ vọng thúc đẩy 100% người dân Việt Nam sử dụng smartphone; kiến tạo môi trường số cho chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Việc tắt sóng 2G còn mang lại lợi ích thiết thực trong công tác an toàn thông tin. Mạng 2G được xem là lỗi thời, có nhiều lỗ hổng nên tội phạm mạng có thể xâm nhập, nghe lén cuộc gọi, chèn tin nhắn, lừa đảo người dùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại