Theo kết quả những nghiên cứu mới nhất, các lục địa băng như Greenland và Châu Nam Cực rất nhạy cảm với sự tăng nhiệt độ của đại dương. Nhiệt độ bề mặt của biển hiện nay rất giống với thời kỳ gian băng cuối cùng, khi mực nước biển tăng cao từ 6 đến 9 mét so với độ cao hiện tại vào lúc đó.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, mực nước biển đã tăng lên vài mét trong thời kỳ gian băng, từ giữa 129.000 đến 116.000 năm trước, nhưng đến nay bức tranh về sự thay đổi nhiệt độ của biển trong suốt thời kỳ đó vẫn còn loang lổ.
Mực nước biển có mối liên quan mật thiết đến nhiệt độ toàn cầu, cả hai đều thông qua sự tan chảy của những tảng băng và việc tăng lượng nước khi nhiệt độ ấm lên. Ảnh: Mario Tama.
Kết quả nghiên cứu trên dựa vào ghi nhận về lõi trầm tích ở 83 địa điểm. "Điều này cho chúng ta biết rằng những tảng băng lớn đang nóng lên, dù chỉ là một chút. Đó là thông điệp thật sự mạnh mẽ", nhà khoa học khí hậu Rob DeConto từ Đại học Massachusetts, thành phố Amherst, cho biết.
Trong suốt thời kỳ gian băng, khí hậu Trái Đất ấm lên do có sự thay đổi về độ nghiêng của Trái Đất, dẫn đến nhiệt độ trung bình ấm hơn 2 độ C so với ngày nay.
Các nhà khoa học xem thời kỳ này như một tài liệu tham khảo quan trọng về cách mà đại dương và khí quyển của Trái Đất có thể tương thích với xu hướng nóng lên hiện nay trong tương lai.
Nghiên cứu đã được đăng tải tên Tạp chí Science, so sánh những ghi nhận từ 83 địa điểm lõi trầm tích từ năm 1870 đến 1889 (thời gian trước Cách mạng công nghiệp) và từ 1995 đến 2014.
Ghi nhận về cả nhiệt độ bề mặt và mực nước biển đều dựa trên các lớp trầm tích. Những sinh vật phù du tìm thức ăn trên bề mặt biển như một nhiệt kế tự nhiên khi tỷ lệ magiê trên canxi tích tụ trong vỏ của chúng phụ thuộc vào nhiệt độ của nước.
Một số loài sinh vật phù du khác đóng vai trò như một thước đo cho mức độ băng trên những lục địa băng.
Tỷ lệ hai đồng vị khác nhau của oxy (O16 và O18) là khác nhau trong những tảng băng trên lục địa và trên nước biển, vì vậy bằng cách theo dõi những tỷ lệ này trong các sinh vật phù du, các nhà khoa học có thể biết được có bao nhiêu băng tại một thời điểm nhất định.
Mực nước biển liên quan mật thiết đến nhiệt độ toàn cầu, cả hai đều thông qua sự tan chảy của những tảng băng và thông qua việc tăng lượng nước khi nhiệt độ ấm lên.
Tuy nhiên, quá trình này diễn ra từ từ, vì vậy mực nước biển tăng lên chỉ có thể thấy được rõ ràng sau hàng trăm hoặc hàng ngàn năm trong tương lai.
"Tin tốt là mực nước biển sẽ tiếp tục tăng từ từ, để chúng ta có thời gian thích nghi, nhưng tin xấu là tất cả các thành phố ven biển hiện nay đều sẽ bị ngập", Giáo sư Andrew Watson, một nhà khoa học khí hậu làm việc tại Đại học Exeter, cho biết.
Theo Jeremy Hoffman, một nhà khoa học khí hậu tại Bảo tàng Khoa học Virginia, tác giả chính của nghiên cứu, một điều quan trọng chưa rõ là tỷ lệ các tảng băng sẽ tan chảy trong tương lai, và những phát hiện mới nhất không có sự ảnh hưởng trực tiếp về điều này.
Trong suốt thời kỳ gian băng, sự nóng lên diễn ra trong hơn 10.000 năm, có nghĩa là sự thay đổi ở những tảng băng trên toàn cầu sẽ diễn ra song song.
Các xu hướng nóng lên hiện nay đã xảy ra trong nhiều thập kỷ, và nó không cho thấy rõ ràng sẽ có bao nhiêu tảng băng bị tan chảy.
Liên Hiệp Quốc ước tính mực nước biển toàn cầu sẽ tăng từ 13 cm đến 68 cm vào năm 2050, và một nghiên cứu của nhóm DeConto vào năm ngoái dự đoán rằng mực nước biển sẽ tăng lên 2 mét vào cuối thế kỷ này.
"Tỷ lệ mất đi những tảng băng đang thật sự rất khó khăn để dự đoán. Ước tính từ 200 đến 7.000 năm nữa", Louise Sime, trưởng nhóm nghiên cứu cổ khí hậu học tại Trạm Khảo sát Nam Cực của Anh, cho biết.