Ngày 22/7, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, UBND TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan dự thảo xây dựng đề án cho vay học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.
Theo ông Lệnh, cho vay hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành chương trình tín dụng chính sách được thực hiện hiệu quả thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong suốt nhiều năm qua, mang lại những tác động rất tích cực, giúp học sinh, sinh viên nghèo có điều kiện để đến trường, học tập và trưởng thành.
Tuy nhiên, do là chương trình tín dụng chính sách nên chỉ những sinh viên thuộc đối tượng chính sách và theo quy định của NHCSXH mới tiếp cận được nguồn vốn này.
Học sinh, sinh viên sẽ được vay vốn với hình thức tín chấp tại các ngân hàng thương mại để học tập, trưởng thành
“Vì vậy, còn một bộ phận học sinh, sinh viên ngoài đối tượng của chương trình tín dụng chính sách vẫn cần được đáp ứng nhu cầu vốn cho học tập. Từ thực tế trên, UBND TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan dự thảo xây dựng đề án cho vay học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố” – ông Lệnh chia sẻ.
Theo đó, đề án này được giao cho Thành Đoàn TPHCM là đơn vị đầu mối chủ trì, phối hợp với các trường đại học trên địa bàn, ngành ngân hàng thành phố và các cơ quan đơn vị liên quan phối hợp tổ chức triển khai thực hiện. Với mục tiêu cho vay học sinh, sinh viên, đáp ứng nhu cầu vốn để học tập, trưởng thành, với quan điểm đầu tư cho nguồn nhân lực là đầu tư hiệu quả nhất, mang lại ý nghĩa to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và thành phố nói riêng.
Tuy nhiên, việc cho vay thương mại, với các điều kiện cho vay thông thường sẽ rất khó khăn để sinh viên tiếp cận vốn tín dụng. Vì vậy, yêu cầu của đề án như một chương trình tín dụng chính sách. Các vấn đề về cấp bù lãi suất; Quỹ phòng ngừa rủi ro; các biện pháp phối hợp để thu hồi nợ trong trường hợp phát sinh rủi ro; quy trình, quy chế cho vay…. cần được xem xét, giải quyết và xây dựng tốt để đảm bảo đề án khả thi và đi vào thực tế ngay.
Với vai trò là đơn vị cho vay, nguồn vốn và lãi suất do các ngân hàng thương mại quyết định; song phải đảm bảo mức hợp lý. Sau khi được cấp bù lãi suất phải bằng lãi suất của NHCSXH đang cho vay học sinh, sinh viên.
Để không bị hạn chế bởi những yêu cầu chặt chẽ của tín dụng thương mại, vấn đề cho vay theo yêu cầu đề án là tín chấp đối với học sinh, sinh viên . Vì vậy, cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các đơn vị: Thành Đoàn, trường đại học, ngân hàng thương mại và các đơn vị liên quan (chính quyền địa phương, hộ gia đình…) cần quy định cụ thể để hỗ trợ ngân hàng thương mại trong khi thu hồi nợ nếu có phát sinh rủi ro.
Trước mắt, thực hiện thí điểm đề án và với quan điểm: vai trò trách nhiệm xã hội của các ngân hàng thương mại là rất quan trọng. Những ngân hàng thương mại đã và đang thực hiện các chương trình từ thiện hàng năm, nhất là các hoạt động liên quan đến hỗ trợ học sinh, sinh viên; cho vay học sinh, sinh viên của các ngân hàng thương mại qua các gói tín dụng ưu đãi hoặc qua công tác từ thiện, thay vì thực hiện riêng lẻ sẽ tập trung các gói này, các chương trình này thành nguồn vốn chính thức, thành quỹ của đề án để thực hiện cho vay theo chương trình đề án. Từ đây sẽ từng bước hoàn thiện, rút kinh nghiệm và mở rộng quy mô hoạt động của đề án.