Tất cả đã nhầm: Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua S-400 của Nga là vì lý do khác?

Trương Mạnh Kiên |

Lý do Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết mua S-400 từ Nga không phải vì sợ đảo chính hay vấn đề nào khác. Hóa ra đó là sự phòng ngừa trước nguy cơ Israel tấn công?

Nhiệm vụ thực sự của S-400

Gần đây, một số kênh truyền thông quốc tế cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán cấp cao với Pakistan để mua vũ khí hạt nhân và việc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan kiên quyết sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất là một phần trong mục tiêu dài hạn nhằm bảo vệ khả năng hạt nhân mà nhà lãnh đạo này muốn xây dựng.

Quan điểm này lần đầu tiên được đưa ra bởi đài truyền hình Zeenews của Ấn Độ, nhận định về vòng đối thoại quân sự cấp cao lần thứ 15 Pakistan-Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức tại Ankara ngày 22-23/12.

Cuộc họp có sự tham gia của các sĩ quan quân đội cấp cao hai nước để thảo luận về các mục tiêu địa chính trị và chính quyền Erdogan đang muốn dựa vào công nghệ hạt nhân của Pakistan, bản tin nhấn mạnh.

Zeenews tuyên bố, cuộc họp bao gồm các cuộc đàm phán về khả năng chuyển giao công nghệ vũ khí hạt nhân và đầu đạn tên lửa. Đích thân Tổng thống Erdogan đã nói chuyện với tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan Qamar Javed Bajva về mục tiêu này.

Tất cả đã nhầm: Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua S-400 của Nga là vì lý do khác? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 để bảo vệ các cơ sở hạt nhân?

Sau đài truyền hình Ấn Độ, một báo cáo tương tự đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Hy Lạp. Theo trang tin Pentapostagma, Yakov Kedmi, cựu giám đốc cơ quan tình báo Nativ của Israel, cũng đưa ra dự đoán tương tự trong một chương trình trên kênh truyền hình ITON TV của Nga.

Theo Kedmi, việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết muốn có S-400 liên quan đến tham vọng hạt nhân, điều sẽ khiến Israel sử dụng chiến đấu cơ tàng hình F-35 chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan tin rằng chỉ có S-400 mới có thể bảo vệ các cơ sở và vũ khí hạt nhân của mình trước đối thủ.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống do Nga sản xuất đã gây ra rạn nứt với các đồng minh NATO, dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như khiến nước này bị loại khỏi chương trình sản xuất chung F-35.

Hoài nghi về kế hoạch hạt nhân

Nhận định về những báo cáo nói trên, chuyên gia an ninh Fatih Yurtsever nói rằng không có đủ bằng chứng cho thấy các tham vọng hạt nhân của Tổng thống Erdogan. Tuy nhiên, các báo cáo này đang cho thấy một thực tế đáng lo ngại.

Tất cả đã nhầm: Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua S-400 của Nga là vì lý do khác? - Ảnh 2.

Tổng thống Erdogan từng thể hiện quan điểm không muốn sở hữu vũ khí hạt nhân.

“Mối quan hệ đang phát triển giữa Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đã đưa Hy Lạp và Ấn Độ đến gần nhau hơn. Không có đủ dữ liệu để cho thấy các báo cáo là đúng sự thật hay Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch mua công nghệ hạt nhân. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại dựa trên lợi ích cá nhân của Tổng thống Erdogan đang buộc một số bên hợp tác chống lại Thổ Nhĩ Kỳ”, chuyên gia Yurtsever nói với Turkish Minute.

“Các báo cáo có thể nhằm mục đích đẩy chính quyền Erdoan ra ngoài lề và làm căng thẳng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, một động thái như vậy của ông Erdogan sẽ chỉ đẩy nhanh sự sụp đổ của ông ấy. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đủ thực tế để tránh viễn cảnh đó. Bên cạnh đó, một Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu sức mạnh hạt nhân là điều cuối cùng mà người Nga muốn thấy trong khu vực. Những người hưởng lợi duy nhất trong cuộc tranh luận này là Trung Quốc, Iran và Anh, những quốc gia có thể tận dụng sự cô lập ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ để biến thành lợi ích của chính họ”.

Vào tháng 9/2019, Tổng thống Erdogan từng cho biết: “Một số quốc gia có đầu đạn hạt nhân trong tay. Nhưng tôi không nghĩ mình nên có một cái! Tôi không chấp nhận điều này”. Tuyên bố của ông vào thời điểm đó đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Thông điệp của Mỹ

Tháng 12 năm ngoái, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Ankara - bao gồm lệnh cấm cấp giấy phép xuất khẩu - liên quan đến thương vụ mua S-400, sau khi loại bỏ đồng minh NATO này ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35.

Mỹ coi sự hiện diện của tên lửa S-400 trên đất Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa nghiêm trọng đối mạng lưới phòng thủ chung của NATO và hoạt động của F-35, mặc dù Ankara tuyên bố tên lửa này sẽ không được tích hợp vào hệ thống phòng thủ của liên minh.

“Thái độ của Mỹ đối với vấn đề S-400 là đá quả bóng sang sân của Thổ Nhĩ Kỳ. Các lệnh trừng phạt là một lời cảnh báo nhằm truyền tải rằng Mỹ sẽ tiến xa hơn nhưng họ cũng không hề muốn làm như vậy”, Max Hoffman, nhà phân tích về Thổ Nhĩ Kỳ từ Trung tâm Tiến bộ Mỹ nói với Arab News.

Các nhượng bộ của Thổ Nhĩ Kỳ - bao gồm việc không mua thêm hệ thống vũ khí và không kích hoạt hoàn toàn dàn vũ khí hiện tại - là điều cần thiết để tránh leo thang thêm.

“Sẽ rất khó để Erdogan lùi bước, nhưng đó là tình huống do ông ấy tự tạo ra – Mỹ luôn cảnh báo về hậu quả”, Hoffman nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại