Tất bật cập nhật thông tin để tránh bị khóa sim

Bài và ảnh: Ngọc Ánh |

Còn hơn 2 triệu thuê bao di động trả trước chưa cập nhật thông tin có thể bị khóa sim một chiều từ ngày 31-3

Tại TP HCM, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại những phòng giao dịch của các nhà mạng: VinaPhone, MobiFone, Viettel… những ngày gần đây, lượng khách đến giao dịch đông lên hẳn, nhiều điểm phục vụ cả ngày cuối tuần. Đây là 3 nhà mạng lớn, chiếm hơn 95% số lượng thuê bao di động đang hoạt động trong cả nước.

Các điểm giao dịch quá tải

Sáng 28-3, tại phòng giao dịch MobiFone trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), các ghế chờ đã được khách ngồi kín, chủ yếu là người lớn tuổi, không rành các thao tác trên điện thoại thông minh.

Dù không nhận được tin nhắn thông báo của nhà mạng nhưng khách hàng có số thứ tự 27 vẫn ra quầy giao dịch để thực hiện cập nhật. Khi được hướng dẫn ông nhắn tin "TTTB" đến số "1414" để kiểm tra thì nhà mạng phản hồi thông tin của ông đã chính chủ.

Tuy nhiên, thông tin hiển thị là số CMND trong khi ông đã đổi sang căn cước công dân gắn chip nên người này phải đợi đến lượt để nhân viên hỗ trợ. Tại Trung tâm Giao dịch VNPT trên đường Nguyễn Du (quận 1), lượng khách đến giao dịch cũng rất đông, nhiều khách hàng phải đứng chờ vì không còn ghế trống.

Tại đây, có nhân viên hỏi thăm, hướng dẫn để khách hàng tự thao tác cập nhật thông tin trên điện thoại mà không cần phải ra quầy thực hiện.

Tuy vậy, với những trường hợp phải đến quầy giao dịch, việc giải quyết từng trường hợp khá chậm, mỗi lượt giao dịch thường mất 5-10 phút do trải qua nhiều thao tác như khai báo thông tin, kiểm tra thông tin, chụp ảnh… nên xảy ra tình trạng dồn ứ khiến người đến sau phải chờ đợi khá lâu.

Ở trung tâm MobiFone Nguyễn Du cạnh đó, tình trạng đông khách cũng diễn ra do sắp đến giờ "G" khóa sim một chiều các thuê bao chưa được chuẩn hóa. Tại cửa hàng Viettel Trần Quang Khải (quận 1), bên trong đã có rất đông khách ngồi chờ đến lượt.

Nhân viên bảo vệ cho biết tình trạng đông đúc tại cửa hàng đã diễn ra nhiều ngày nay, khách hàng có thể quay lại sau để tránh phải chờ đợi.

Do số lượt giao dịch liên quan đến cập nhật thông tin thuê bao tăng đột biến nên đã ảnh hưởng người dân đến thực hiện các giao dịch khác.

Theo anh T.T.H (ngụ quận Bình Thạnh), do mất điện thoại nên anh phải đi làm lại sim mới nhưng phải đợi hơn 2 giờ trong khi bình thường giao dịch này chỉ mất khoảng 15-20 phút. Còn chị V.T.N định ghé cửa hàng Viettel mua sim để dùng cũng chờ đợi quá lâu nên đành quay về.

Tất bật cập nhật thông tin để tránh bị khóa sim - Ảnh 2.

Quá tải cục bộ xảy ra tại các phòng giao dịch của các nhà mạng di động ngày 28-3

Không có chuyện gia hạn

Về phía nhà mạng, đại diện VinaPhone cho biết đã dự phòng tình huống quá tải cục bộ có thể xảy ra tại một số nơi, nhất là vào thời điểm gần ngày bị khóa thuê bao (31-3).

Vì vậy, VinaPhone đã có các phương án dự phòng, bổ sung nhân sự tại các điểm giao dịch để hỗ trợ khách hàng.

"Chúng tôi rất mong nhận được sự thông cảm và hợp tác từ khách hàng trong việc chủ động cập nhật trên các kênh số hóa (Ứng dụng MyVNPT, website my.vnpt.com.vn) ngay sau khi nhận được tin nhắn thông báo chính thức từ VinaPhone để giảm quá tải" - đại diện VinaPhone đề nghị.

Chiều 28-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), cho biết theo tổng hợp báo cáo của các nhà mạng, tính đến ngày 27-3, đã có 1,72 triệu thuê bao thực hiện chuẩn hóa, chiếm 44,68% (gần 4 triệu) tổng số thuê bao mà các nhà mạng đã xác định cần thực hiện cập nhật thông tin trong đợt này.

Như vậy, còn hơn 2 triệu thuê bao di động trả trước chưa cập nhật thông tin có thể bị khóa sim một chiều từ ngày 31-3. Theo ông Nhã, các nhà mạng sẽ tổng hợp để phân tích nguyên nhân các chủ thuê bao chuẩn hóa thông tin chậm, cơ quan quản lý sẽ tổ chức giám sát và truyền thông để người dùng hiểu rõ tầm quan trọng của việc chuẩn hóa thông tin.

Chính vì vậy, dù có hơn 2 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin có thể bị khóa một chiều từ ngày 31-3 nhưng ông Nguyễn Phong Nhã cho hay sẽ vẫn thực hiện theo quy định, không có chuyện gia hạn. Thời điểm hiện tại, chưa có nhà mạng nào đề nghị về việc cần gia hạn thời gian để thực hiện chuẩn hóa đợt này.

Chưa chuẩn hóa, người dùng sẽ bất lợi

Theo nhà mạng Viettel, các thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể gặp khó khăn khi thực hiện các giao dịch với thuê bao di động, nhất là việc cấp lại/đổi sim khi mất sim do thuê bao không chính xác, không chính chủ.

Ngoài ra, hiện nay số điện thoại gắn với rất nhiều tài khoản khác chứa các thông tin cá nhân, quan trọng của khách hàng. Trường hợp số điện thoại có thông tin không chính xác dẫn đến nguy cơ người dùng bị mất các tài khoản này. Bên cạnh đó, người dùng cũng sẽ gặp khó khăn trong việc làm tài khoản cấp mã định danh công dân, cấp hộ chiếu, thị thực.

H.Phượng

Đình chỉ phát triển thuê bao mới với nhà mạng vi phạm

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, để đạt mục tiêu đến ngày 31-3 tất cả thuê bao đang hoạt động phải có thông tin đầy đủ, chính xác, trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Viễn thông sẽ phối hợp với các sở TT-TT tổ chức giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các doanh nghiệp.

"Đặc biệt, với việc phát triển thuê bao mới, Cục Viễn thông sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ TT-TT xử lý nghiêm, bao gồm việc đề nghị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới đối với các nhà mạng vi phạm, nhất là các hành vi cung cấp dịch vụ cho thuê bao phát triển mới có thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác; bán và lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho sim thuê bao" - ông Nguyễn Phong Nhã nhấn mạnh.

Với sự lo lắng của nhiều người dân về số điện thoại của mình đã được chuẩn hóa chưa, ông Nhã cho hay khách hàng có thể nhắn tin tới số 1414 với cú pháp "TTTB" (miễn phí cước tin nhắn) để biết tình trạng thuê bao của mình.

Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng cung cấp thông tin liên quan việc chuẩn hóa thông tin thuê bao trên ứng dụng của nhà mạng để khách hàng cài đặt trên điện thoại, trên website chính thức của nhà mạng, tại điểm cung cấp dịch vụ chính thức của nhà mạng.

T.Dũng

Cần phương án "hậu chuẩn hóa" thông tin thuê bao

Phải thừa nhận rằng ngay trong đợt đầu tiên tiến hành chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, dù nỗ lực tối đa, tỉ lệ đạt được không thể 100%, thậm chí trên 90% đã là thành công.

Thành công bước đầu và căn cơ nếu như các nhà mạng dựa trên quy trình đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư nắm được tối đa số thuê bao chưa chuẩn hóa (trùng khớp thông tin) - ở đây không tính những trường hợp dữ liệu trong CSDLQG có sai sót. Việc này giúp các nhà mạng quản lý thuê bao tốt hơn và có được tổng số thuê bao thật sự đang hoạt động.

Thực tế, không ít người dùng di động, chủ yếu là các gói trả trước, thuộc nhóm "phi công nghệ", chỉ gọi điện, nhắn tin hay truy cập mạng xã hội. Trong đó có những người lớn tuổi, ở vùng hẻo lánh.

Thậm chí, có người chỉ dùng điện thoại để nhận cuộc gọi và gọi đi mà không thể đọc được tin nhắn. Đó là những người không thể tự mình thực hiện các thao tác cập nhật.

Vì thế, trước khi đến hạn định (sau ngày 31-3-2023), các nhà mạng kiểm tra số lượng các thuê bao nào chưa cập nhật thông tin để có các biện pháp tập trung xử lý số tồn đọng đó. Phương thức an toàn nhất vẫn luôn là chủ thuê bao trực tiếp đến các điểm dịch vụ chính thức của nhà mạng.

Nhưng do việc này sẽ không thể làm được đối với không ít người không có điều kiện, nên các nhà mạng phải chủ động cử nhân viên đến tận nhà thuê bao để cập nhật. Tuy nhiên, để tránh tình trạng mạo danh để lừa đảo, chiếm đoạt thông tin, nhân viên nhà mạng phải liên lạc trước và đi cùng công an khu phố hay tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố để người dân an tâm.

Có lẽ, sau khi hết thời hạn và bị khóa dịch vụ một chiều (không thể gọi đi), nhiều thuê bao chưa cập nhật sẽ buộc phải cập nhật thông tin. Tâm lý của không ít người dùng vẫn là ung dung tự tại cho tới khi "nước đến chân mới nhảy".

Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động là một yêu cầu cần thiết mà nếu khai thác tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích, ngay cả trong việc góp phần vào cuộc chiến chống sim rác. Không thể tránh khỏi những phiền hà khi bị cắt dịch vụ, nhưng đó là với những thuê bao không thể hay không chịu cập nhật thông tin.

Các nhà mạng vẫn phải chấp nhận mất một số lượng thuê bao trong "bảng chiến tích" cạnh tranh của mình. Vấn đề là các nhà mạng nên có kế hoạch "hậu chuẩn hóa", hỗ trợ số thuê bao chưa cập nhật đăng ký sử dụng lại, tốt nhất là nên cho họ được giữ nguyên số điện thoại cũ.

Anh Phúc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại