Ả Rập Saudi và 6 quốc gia khác khác vừa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Quyết định này có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể tới tình hình quốc phòng và chính trị của khu vực. Đây là nhận định của Chủ tịch Viện Tôn giáo & Chính trị Nga, ông Alexander Ignatenko khi ông trả lời hãng tin TASS.
Thep ông Ignatenko, động thái cắt đứt quan hệ ngoại giao cũng đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ về việc giải quyết các khủng hoảng ở khu vực Trung Đông.
Mỹ thay đổi quan điểm
Theo Ignatenko, lý do để những nước Ả Rập cuối cùng cũng đã quyết định thực hiện bước đi mạnh mẽ là cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar là vì đã có sự thay đổi trong quan điểm của Mỹ.
"Sau khi Mỹ có tổng thống mới (ông Donald Trump) và Bộ trưởng Quốc phòng mới (James Mattis), một quyết định đã được đưa ra để xử lý việc Qatar ủng hộ các nhóm như Anh em Hồi giáo", Ignatenko nói, "và Mỹ đã ‘bật đèn xanh’ cho các nước vốn có căng thẳng với Qatar trên trường quốc tế".
Ignatenko cho rằng quá trình "bật đèn xanh" bắt đầu sau chuyến công du Qatar của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Tại đây, ông Mattis phát biểu rằng việc Doha sử dụng tổ chức Anh em Hồi giáo để can thiệp vào nội bộ của các nước Ả Rập khác là không thể chấp nhận.
"Mọi việc được thể hiện rõ. Tiến trình này do Washington khởi xướng sau khi họ được thông báo về các hoạt động của Qatar", Ignatenko nói.
Vào ngày 5/6, Bahrain, Ả Rập Saudi, Ai Cập, Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Yemen, Libya và Maldives đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì sự ủng hộ của nước này "với các lực lượng khủng bố".
Qatar bày tỏ sự đáng tiếc trong các quyết định cắt đứt quan hệ và gọi những cáo buộc ủng hộ khủng bố là vô căn cứ. Một số các hãng hàng không từ UAE, Ai Cập và Ả Rập Saudi đã ngừng các chuyến bay tới Qatar. Ngược lại, hàng hàng không Qatar Aiways đã đình chỉ các chuyến bay tới Ả Rập Saudi.
Theo ông Ignatenko, Mỹ - vốn có quan hệ đồng minh với Qatar - trước đây đã kiềm chế các quốc gia Ả Rập khác.
"Chính quyền của cựu tổng thống Barack Obama cũng khá do dự trong việc giải quyết nút thắt rất khó (Qatar) này", học giả người Nga nói.
3 nước láng giềng thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh là Bahrain, Saudi và UAE đã cắt quan hệ ngoại giao với Qatar ngày 5/6, chỉ còn Oman và Kuwait vẫn duy trì quan hệ (Ảnh: REUTERS/Thomas White)
Những động lực mới
"Tôi tin rằng chúng ta sẽ chứng kiến những động lực mới trong các mối quan hệ giữa những quốc gia Trung Đông, cũng như trong các nỗ lực nhằm giải quyết xung đột, đặc biệt là xung đột ở Syria và Iraq – nơi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và một vài tổ chức có liên hệ với al-Qaeda đang hoạt động", chuyên gia Ignatenko nói.
"Những thay đổi này hoặc là sẽ làm mất ổn định khu vực, hoặc là sẽ tăng tính ổn định này."
Theo ông Ignatenko, những diễn biến căng thẳng mới đây trong mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia Trung Đông và Qatar có thể ảnh hưởng tới xung đột ở Syria.
"Những quyết định này sẽ dẫn tới vai trò ngày càng tăng của Ả Rập Saudi, Ai Cập và UAE trong cuộc chiến ở Syria. Các quốc gia Ả Rập trên và một số nước khác sẽ có thể tạo ra những thay đổi tích cực", Ignatenko nhận định.
Vai trò của Qatar
Ông Ignatenko cũng cho biết, Qatar không ít lần bị đối tác trong khu vực cáo buộc có vai trò ủng hộ những nhóm cực đoan tôn giáo và chính trị, như phong trào Anh em Hồi giáo, để gây ảnh hưởng tới tình hình của nhiều nước Ả Rập khác, bao gồm Saudi hay Ai Cập.
Theo ông, điều quan trọng là Qatar cũng bị cáo buộc liên quan tới IS – nhóm khủng bố đã gây ra tình trạng bất ổn ở Syria và Iraq. Ai Cập đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò "phá hoại" của Qatar.
"Ai Cập vẫn nhắc đi nhắc lại rằng họ phản đối sự ủng hộ của Qatar đối với tổ chức Anh em Hồi giáo và một số nhóm có liên quan tới al-Qaeda khác. Những nhóm này đã thực hiện rất nhiều cuộc tấn công khủng bố trên lãnh thổ Ai Cập". ông Ignatenko nói. "Cairo công khai buộc tội Doha ủng hộ nhóm Wilayat Sinai – một nhánh của IS".