Việc tập đoàn Trung Quốc đề xuất làm cao tốc Bắc - Nam: "Chúng ta cần vốn nhưng không đánh đổi lấy hệ lụy"

Hoàng Đan |

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, khi tiếp nhận, xem xét các đề xuất làm đường cao tốc Bắc - Nam của Tập đoàn Trung Quốc cần phải xác định, đảm bảo có lợi nhất cho đất nước, nhân dân.

Mới đây, làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) đã đề xuất tham gia đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Thậm chí nhà đầu tư của Trung Quốc còn đề xuất bỏ tiền làm toàn tuyến.

Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông có tầm quan trọng rất lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.

Ông Hòa nói, đối với dự án này, Quốc hội đã thông qua, bố trí vốn thực hiện nhưng thực tế, nguồn vốn đang thiếu rất lớn nên việc các nhà đầu tư nước ngoài như của Trung Quốc có sự quan tâm, muốn tham gia, thậm chí đề xuất bỏ tiền ra làm trước là điều cần ghi nhận, ý tốt.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số nhà thầu Trung Quốc đã nhận các dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông rất lớn như làm tổng thầu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông... nhưng hiệu quả đầu tư không tốt dẫn đến đội vốn, chậm tiến độ hoàn thành, khiến dư luận bức xúc.

"Dự án đường cao tốc Bắc - Nam có vị trí rất quan trọng và nếu có nhiều nhà thầu quốc tế cùng quan tâm, muốn làm sẽ tốt hơn nhưng mới có nhà thầu Trung Quốc đưa ra đề xuất nên các cơ quan chức năng cần xem xét thật kỹ.

Chúng ta đang rất cần vốn cho phát triển giao thông nhưng không vì điều đó mà đánh đổi lấy những hệ lụy, tiêu cực về sau như đội vốn, kéo dài thời gian, chất lượng thấp... gây tổn hại cho đất nước, nhân dân", ông Hòa nêu.

Vị ĐBQH nhấn mạnh, quá trình xem xét đề xuất của doanh nghiệp Trung Quốc cần làm rõ tiềm lực, họ đã từng thi công các công trình nào, chất lượng, tiến độ ra sao, giá thành thế nào...

Việc tập đoàn Trung Quốc đề xuất làm cao tốc Bắc - Nam: Chúng ta cần vốn nhưng không đánh đổi lấy hệ lụy - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

"Chúng ta khi tiếp nhận, xem xét các đề xuất mà Tập đoàn của Trung Quốc đưa ra cần phải xác định, đảm bảo có lợi nhất cho đất nước, nhân dân.

Họ có thể tham gia đấu thầu, trúng thầu và đề xuất bỏ tiền ra làm trước rồi chúng ta trả tiền sau như vậy, theo suy nghĩ thông thường, ta đang nắm "đằng chuôi" chứ không phải "đằng lưỡi" nhưng hợp đồng giữa hai bên phải rất chặt chẽ.

Hợp đồng cần nêu rõ, Tập đoàn ứng vốn ra làm nhưng thời gian quy định xong công trình chỉ được trong khoảng thời gian nhất định và chất lượng phải đảm bảo.

Nếu Tập đoàn không hoàn thành đúng, chất lượng không đảm bảo hay vấn đề khác phía Việt Nam có quyền đơn phương hủy hợp đồng và ngoài mất 100% tiền đã ứng trước, nhà đầu tư còn bị phạt thêm.

Khi làm hợp đồng chặt chẽ như vậy cộng thêm quản lý, giám sát tốt sẽ không lo nhà đầu tư cố tình làm sai", ông Hòa chỉ rõ và đề nghị, Bộ GTVT, Chính phủ cần đánh giá, xem xét toàn diện, khách quan về đề xuất trên.

Bà Bùi Thị An, ĐB Quốc hội khóa 13 cho hay, chủ trương xã hội hóa đầu tư giao thông rất cần thiết nhưng với các nhà thầu Trung Quốc thời gian qua đã khiến dư luận rất bức xúc nên các cơ quan chức năng cần rất thận trọng xem xét đề xuất của Tập đoàn trên.

"Dù Tập đoàn của Trung Quốc có đề xuất ứng vốn trước làm toàn bộ tuyến đường Bắc - Nam phía Đông nhưng sau này, chúng ta vẫn phải trả lại họ tiền và tiền đó từ thuế của nhân dân.

Trong khi các bài học về dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh hay các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện vẫn còn đó.

Nếu nhà thầu Trung Quốc có tham gia đấu thầu, giá bỏ thấp cũng cần xem xét thật kỹ rồi mới quyết định cho trúng thầu, tránh rơi vào cái bẫy đội vốn, khiến đất nước mang thêm nợ", bà An nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại