Hà Nam có trung tâm thương mại 875 tỷ đồng
Hà Nam xếp vị trí thứ 2 trong danh sách các tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam. Tỉnh có diện tích khoảng 861,9 km2, chỉ nhỉnh hơn so với tỉnh nhỏ nhất là Bắc Ninh (822,68 km2).
Mới đây, AEON Việt Nam vừa ký biên bản ghi nhớ cùng UBND tỉnh Hà Nam về việc xây trung tâm thương mại 35 triệu USD (tương đương 875 tỷ đồng). Aeon Việt Nam sẽ hợp tác cùng CTCP Thương mại và Dịch vụ Tuấn Kiệt Hà Nam để phát triển dự án này.
Dự án khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu về dịch vụ thương mại vui chơi giải trí của người dân trên địa bàn và khu vực lân cận, tạo điểm nhấn về không gian kiến trúc quy hoạch tại khu vực, tạo bộ mặt cảnh quan hiện đại đồng bộ cho Thành phố Phủ Lý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Điều đáng nói là, phía Aeon công bố dự án này sau khi dự án trung tâm thương mại ở quận Hoàng Mai đã bị Tập đoàn AEON Mall hủy bỏ. Thông tin này được công bố trong báo cáo tài chính nửa đầu niên độ 2024 - 2025. Việc hủy dự án ở quận Hoàng Mai khiến tập đoàn này lỗ hơn 1,1 tỷ yen (khoảng 180 tỷ đồng).
Hà Nam nằm ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội, cách thủ đô khoảng 65 km. Tính đến tháng 6, Hà Nam đã có 8 khu công nghiệp đang hoạt động với 582 dự án đầu tư, bao gồm 350 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 6,137 tỷ USD.
Thời gian qua, Hà Nam là một trong những điểm sáng về đầu tư khi trở thành địa phương được nhiều ông lớn bất động sản quan tâm. Flamingo phát triển một khu đô thị quy mô lớn tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. Taseco Land cũng sắp thực hiện dự án khu đô thị tổng vốn gần 4.800 tỷ đồng tại thị xã Duy Tiên.
Hay mới đây nhất, đầu tháng 8, Sun Group đã khởi công dự án công viên vui chơi giải trí 35.000 tỷ đồng tại tỉnh này với diện tích lên đến 420 ha. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho rằng dự án của Sun Group khi đi vào hoạt động năm 2025 sẽ thu hút nhiều khách du lịch, và trung tâm thương mại Aeon Hà Nam sẽ trở thành điểm mua sắm của du khách.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh tỉnh Hà Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi đồng hành với công ty tháo gỡ khó khăn vướng mắc để dự án sớm triển khai sớm hoàn thành và đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân Hà Nam và du khách khi đến với Hà Nam.
AEON kinh doanh ra sao tại Việt Nam?
Theo thông tin từ AEON Việt Nam, được thành lập từ năm 1758, với lịch sử trải dài trên 250 năm, Tập đoàn AEON là một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản. AEON hiện cũng là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới với 179 liên doanh trong và ngoài nước Nhật Bản. Hiện, tập đoàn có 16.498 trung tâm, cửa hàng trên thế giới.
AEON chính thức bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009 dưới hình thức Văn phòng Đại diện. Năm 2011, được sự chấp thuận từ UBND Tp.Hồ Chí Minh, Công ty TNHH AEON Việt Nam chính thức được thành lập, đầu tư cho các hoạt động về xây dựng, tổ chức, quản lý và kinh doanh các mô hình Trung tâm thương mại, Trung tâm bách hóa tổng hợp và Siêu thị hiện đại. Đây được xem là phương hướng kinh doanh chủ đạo. Ngoài ra AEON còn thực hiện các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến xuất nhập khẩu, thương mại và nghiên cứu.
Hiện tại, đơn vị này đã có 7 trung tâm thương mại tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Huế với tổng diện tích sàn cho thuê khoảng 462.000 m2.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Tập đoàn AEON Việt Nam cho biết, trong chiến lược dài hạn, Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai sau Nhật Bản. Tập đoàn AEON đã và đang đầu tư vào Việt Nam với tổng giá trị lên đến 1,5 tỷ USD, đồng thời tiếp tục lên kế hoạch mở rộng các địa điểm kinh doanh khác.
Theo Báo cáo tài chính bán niên năm 2024 (từ tháng 3 - 8/2024), tại thị trường Việt Nam, doanh thu của doanh nghiệp này gần 8,2 tỷ yen (khoảng 1.400 tỷ đồng). Lợi nhuận hoạt động đạt hơn 2,4 tỷ yen (410 tỷ đồng), tăng hơn 21%. Như vậy, trung bình mỗi ngày, công ty thu về hơn 2,2 tỷ đồng lợi nhuận hoạt động.
Trong số các thị trường nước ngoài của AEON, ngoài Việt Nam thì Indonesia cũng là thị trường tăng trưởng dương. Tại Indonesia, doanh nghiệp này đã cải thiện từ lỗ 142 triệu yen sang 187 triệu yen.
Nhờ đóng góp của Việt Nam và Indonesia, lợi nhuận hoạt động tổng thể các thị trường nước ngoài kỳ này chỉ giảm nhẹ 1,4% trong khi Aeon Mall Trung Quốc giảm hơn 15%, còn Campuchia chuyển từ lãi sang lỗ 11 triệu yen.