Tập đoàn Thuận An trả lại tiền, rút khỏi dự án gần 22.000 tỷ đồng sau khi Chủ tịch HĐQT, TGĐ bị bắt

Thái Hà |

Tập đoàn Thuận An chính thức rút khỏi dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột bằng việc trả lại 38,8 tỷ đồng.

Trả lại 38,8 tỷ đồng tạm ứng

Tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất để Tập đoàn Thuận An chấm dứt hợp đồng tại dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Tập đoàn này cũng đã chuyển trả cho chủ đầu tư hơn 38,8 tỷ đồng tạm ứng. Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Hà, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa xác nhận với báo Dân Trí vào sáng 30/7.

Theo đó, Ban Quản lý dự án (BQLDA) tỉnh Khánh Hòa cùng các nhà thầu liên danh đã ký phụ lục điều chỉnh giảm 4 thành viên xuống 3. Các nhà thầu còn lại trong liên danh cam kết thực hiện hợp đồng đã ký.

Sau khi Tập đoàn Thuận An rút lui, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã giao các cơ quan có chuyên môn tham mưu, đề xuất phương án tìm đơn vị xây dựng mới.

Tập đoàn Thuận An trả lại tiền, rút khỏi dự án gần 22.000 tỷ đồng sau khi Chủ tịch HĐQT, TGĐ bị bắt- Ảnh 1.

Hiện trường thi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh: VTC News

Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Phạm Văn Hòa, Phó giám đốc BQLDA tỉnh Khánh Hòa cho hay, sau khi Tập đoàn Thuận An rút khỏi dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, BQLDA đề xuất UBND tỉnh ba phương án để tiếp tục thực hiện dự án.

Theo đó, phương án 1 áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với ba thành viên còn lại của liên danh nếu đủ năng lực. Phương án 2 áp dụng hình thức chỉ định thầu cho nhà thầu khác. Phương án 3 là hình thành gói thầu mới để tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng.

BQLDA kiến nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương thực hiện phương án 3 để đảm bảo tính minh bạch.

Trước đó, tại buổi họp báo định kỳ do tỉnh Khánh Hòa tổ chức vào chiều 10/7, ông Nguyễn Thanh Hà - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết trong các gói thầu thuộc giai đoạn 1 Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, liên danh do Tập đoàn Thuận An đứng đầu được chỉ định thầu gói thầu số 2 đã xin rút lui.

Đối với gói thầu do Tập đoàn Thuận An đến nay vẫn chưa thi công do vướng mặt bằng dù dự án đã khởi công từ tháng 6/2023. Gói thầu mà liên danh Tập đoàn Thuận An thực hiện có tổng giá trị hơn 2.078 tỷ đồng, để thi công xây dựng đoạn km22+000 - km32+000 đường cao tốc, bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công. Trong liên danh, Tập đoàn Thuận An được giao đảm nhận khối lượng công việc có giá trị hợp đồng hơn 395,5 tỷ đồng và đã nhận tạm ứng 38,8 tỷ đồng của nhà đầu tư.

Quy mô dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột dài 117 km có tổng mức đầu tư là 22.000 tỷ đồng, với 32,7 km đi qua địa phận Khánh Hòa và 84 km đi qua địa phận Đắk Lắk.

Dự án có điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1 tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Đông Buôn Ma Thuột tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Tập đoàn Thuận An trả lại tiền, rút khỏi dự án gần 22.000 tỷ đồng sau khi Chủ tịch HĐQT, TGĐ bị bắt- Ảnh 2.

Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột được chia thành 3 dự án thành phần. Ảnh: UBND tỉnh Đắk Lắk

Giai đoạn đầu của tuyến cao tốc được xây dựng 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp, bố trí một số điểm dừng khẩn cấp cách quãng 4 – 5km/1 điểm, nền đường rộng 17 m, vận tốc 80 – 90 km/h. Sau đó, mở rộng lên bốn làn hoàn chỉnh có làn khẩn cấp, vận tốc 100 km/h. Cao tốc được dự kiến xây dựng 56 cầu và 3 hầm.

Được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 18 tháng 6 năm 2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2027, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có ý nghĩa quan trọng, kết nối 2 vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra một tuyến đường giao thông hiện đại, giúp kết nối nhanh chóng giữa các tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, giảm thời gian di chuyển và chi phí vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất và các ngành nghề khác.

Hơn nữa, tuyến đường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch 2 tỉnh, giúp du khách dễ dàng di chuyển giữa các điểm du lịch nổi tiếng như Nha Trang ở Khánh Hòa và các danh lam thắng cảnh tại Buôn Ma Thuột.

Tập đoàn Thuận An trả lại tiền, rút khỏi dự án gần 22.000 tỷ đồng sau khi Chủ tịch HĐQT, TGĐ bị bắt- Ảnh 3.

Tuyến cao tốc đã được Thủ tướng Chỉnh phủ nhấn nút khởi công xây dựng từ trung tuần tháng 6/2023. Ảnh: VOV

Thu hồi 40 tỷ đồng Vụ án tại Tập đoàn Thuận An

Những vi phạm của Tập đoàn Thuận An hiện đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ".

Đến thời điểm hiện tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 8 bị can, thu hồi hơn 40 tỷ đồng, và đang mở rộng điều tra

Trong đó có bị can Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang; bị can Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Ba bị can là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An.

Tập đoàn Thuận An trả lại tiền, rút khỏi dự án gần 22.000 tỷ đồng sau khi Chủ tịch HĐQT, TGĐ bị bắt- Ảnh 4.

Các bị can trong vụ án ở Tập đoàn Thuận An. Ảnh: NLĐ

Ba bị can là lãnh đạo, cán bộ quản lý Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang.

Quá trình điều tra vụ án này cho thấy trong giai đoạn từ tháng 2/2014 đến tháng 12/2023, Tập đoàn Thuận An đã trực tiếp hoặc liên doanh, tham gia và trúng 32 gói thầu tại 16 tỉnh, thành phố với tổng giá trị hơn 23.000 tỷ đồng.

Đặc biệt trong 2 năm 2022-2023, Tập đoàn Thuận An phát triển rất nóng, trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị 18.000 tỷ đồng. Trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại