Sáng 11/4, tại TP Hà Nội, Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm tải ùn tắc giao thông, tiến tới hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân".
Cuộc hội thảo thu hút nhiều lãnh đạo, nhà quản lý, các chuyên gia giao thông, đại diện lãnh đạo các Công ty... cùng tham luận, trao đổi, hiến kế, đề xuất các giải pháp cho giao thông Hà Nội.
Một tuyến tàu ART thông minh chỉ mất từ 6-10 tháng để hoàn thành và chạy thử nghiệm
Đáng chú ý, trong cuộc hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện hỗ trợ dự án & Kỹ thuật tại Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ Giao thông thông minh Đường sắt Hồ Nam Trung Quốc (HUNAN CRRC) đã trình bày tham luận và đưa ra một giải pháp phương tiện công cộng thông minh cho giao thông Hà Nội thông qua loại hình tàu điện thông minh ART chạy trên đường ray ảo, có công suất luân chuyển hành khách từ 20.000 đến 30.000 khách/giờ.
Theo ước tính chi phí đầu tư xây dựng 1 km tàu điện ART khoảng 7-10 triệu USD chỉ bằng 1/8-1/10 chi phí xây dựng tàu điện Metro và chỉ bằng 1/3-1/5 chi phí xây dựng tàu điện một ray Monorail. Như vậy nếu so sánh cùng năng lực vận tải thì đầu tư xây dựng tàu điện ART đảm bảo yêu cầu kinh tế - kỹ thuật cao hơn nhiều so với Metro, Monorail". Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đại diện HUNAN CRRC tại Việt Nam.
Theo trình bày của ông Nghĩa thì tàu điện ART hay còn gọi là Trackless Train, Rubber-tyred Trams là phương tiện giao thông công cộng có đặc tính dịch vụ vận tải hành khách công cộng của đường sắt nhẹ - LRT/ Light Rail Transit (gồm nhiều khoang, có khớp nối, cabin lái hai đầu, sàn thấp), không đường ray, có chi phí đầu tư và chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với tàu điện truyền thống.
Đặc biệt, theo vị này nhấn mạnh, “sự khác biệt lớn nhất giữa hệ thống tàu điện ART với hệ thống tàu điện truyền thống là việc sử dụng pin lưu trữ Lithium-Titanate mà không cần hệ thống cấp điện trên cao, chạy trên bánh lốp, được dẫn đường tự động bằng ray ảo kết hợp với hệ thống cảnh báo chệch làn đường, hệ thống cảnh báo va chạm để hỗ trợ người lái giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện khác trên đường đảm bảo an toàn và hiệu quả cao trong vận hành khai thác”.
Loại tàu điện ART theo ông Nghĩa giới thiệu, được chế tạo theo đơn đặt hàng từ 3 khoang, 4 khoang và 5 khoang. Tàu điện ART điển hình với cấu hình 3 khoang được cấu tạo gồm 2 khoang có trang bị động cơ điện kéo và 1 khoang không động cơ. Cả hai khoang đều có cabin lái. Thân vỏ của tàu điện ART bằng hợp kim nhôm.
Hệ thống khung gầm bằng thép cường độ cao gắn với giá chuyển hướng, động cơ điện, thiết bị giảm xóc, bộ truyền động phanh, bộ ổn định, lốp cao su, hệ thống treo độc lập và cơ cấu lái.
Theo đại diện CRRC tại Việt Nam, kinh nghiệm thu được từ các dự án ART đã xây dựng tại Trung Quốc và một số quốc gia cho thấy, thì mỗi dự án ART chỉ mất 6-10 tháng từ khi phê duyệt dự án đến khi vận hành thử nghiệm.
Đề xuất làm tàu ART dưới gầm đường cầu cạn Vành đai 3 Hà Nội để cứu ùn tắc giao thông
Trong bài tham luận của mình, ông Nghĩa phân tích, “tàu điện ART có chi phí đầu tư thấp (chỉ từ 7-9 triệu USD/ km chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng), thời gian thi công nhanh, chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với tàu điện truyền thống, yêu cầu kỹ thuật đơn giản nên cần được nghiên cứu áp dụng cho đô thị Hà Nội để đáp ứng nhu cầu cấp bách xây dựng hệ thống giao thông công cộng thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới hạn chế các loại phương tiện giao thông cá nhân đến năm 2035”.
Với phân tích trên, ông Nghĩa đưa ra đề xuất giải pháp cho giao thông công cộng Hà Nội là nghiên cứu triển khai trước mắt 3 tuyến sớm, trong đó tuyến ART số 1: Từ TT Hội nghị Quốc Gia – Đại học Quốc gia (Hòa Lạc) chiều dài là 30.30km thi công từ 12-18 tháng; Tuyến ART số 2: Thiên đường Bảo Sơn – Nhổn (kết nối với tuyến ĐSĐT số 3 tại ga đầu tuyến) dài 6.30km; Tuyến ART số 3: Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Nước ngầm (kết nối tuyến ĐSĐT số 2A và tuyến ĐSĐT số 3) 10.80km mất từ 6-9 tháng thi công, hoàn thiện.
Tàu tận dụng dải phân cách giữa và gầm cầu cạn để hạn chế giải phóng mặt bằng và thi công 'thần tốc'.
Tổng 3 tuyến với trên 47km, 28 nhà ga và 32 đoàn tàu với kinh phí là 466 triệu USD (khoảng 11.650 tỷ đồng).
Với tổng số vốn đầu tư trên, tư nhân sẽ bỏ vốn đầu tư hệ thống đoàn tàu, hệ thống điều hành, nhà ga… nhà nước sẽ đảm nhiệm phần hạ tầng, huy động nguồn vốn từ Trái phiếu đầu tư xây dựng công trình do chính phủ bảo lãnh và được hoán đổi sang thẻ đi tàu...
Hệ thống tàu mang tên Autonomous Rail Rapid Transit (ART) được phát triển bởi tập đoàn CRRC Corporation Limited của Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất tàu lớn nhất thế giới. Tàu ART thế hệ 1 xuất hiện vào năm 2015, nhằm đẩy nhanh tốc độ giao thông công cộng của Chu Châu, thành phố có khoảng 4 triệu dân, trước khi trở nên phổ biến ở các nơi khác tại Trung Quốc.
Tại Trung Quốc đến nay có 15 tuyến đã đi vào hoạt động và đang triển khai, tại nước ngoài 5 tuyến với tổng chiều dài 120km.
Vào tháng 11 năm 2022, ART đã xuất hiện trên sân khấu tại Giải vô địch thế giới Công thức 1 của FIA tại ABU Dhabi, UAE, dự án ART Kuching tại Malaysia với tổng cộng 38 xe…