Tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu ngấp nghé phá sản do giá khí đốt tăng cao, chính phủ Đức phải quốc hữu hóa

Phạm Tiến Đạt |

Việc mất đi nguồn khí giá rẻ của Nga khiến chi phí sản xuất nhảy vọt đã khiến nhiều công ty năng lượng của châu Âu chìm trong thua lỗ.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine không chỉ để lại hậu quả cho hai đất nước này, mà còn rất nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới. Những lệnh cấm vận đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gây ra sự thiếu hụt các mặt hàng trọng yếu trên toàn cầu; trong đó, việc Nga cắt giảm rồi tạm dừng vận chuyển khí tới châu Âu đã khiến giá loại hàng hóa này tăng cao.

Một trong số những doanh nghiệp năng lượng hàng đầu của khu vực này là Uniper cũng không thể thoát ra khỏi vòng xoáy và buộc phải để chính phủ quốc hữu hóa nhằm tránh việc phá sản.

Uniper là công ty năng lượng có trụ sở đặt tại Đức với tuổi đời non trẻ khi mới được tách ra thành doanh nghiệp độc lập từ tháng 1/ 2016. Trước đó, họ là một phần của E.ON – công ty điện lực thuộc vào loại lớn nhất thế giới.

Mặc dù có trụ sở tại Đức, song cổ đông lớn nhất của Uniper cho đến tháng 8/ 2022 là Fortum Oyj – một doanh nghiệp kinh doanh năng lượng tại Phần Lan khi họ sở hữu tới 78% cổ phần. Tính đến cuối năm 2021, Uniper hoạt động tại 40 quốc gia với khoảng 11,5 nghìn nhân công đang làm việc cho họ có độ tuổi trung bình là 45.

 Tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu ngấp nghé phá sản do giá khí đốt tăng cao, chính phủ Đức phải quốc hữu hóa  - Ảnh 1.

Với công suất phát điện lắp đặt lên tới 33 GW, Uniper là một trong những nhà sản xuất điện hàng đầu thế giới vào thời điểm hiện tại. Bên ngoài nước Đức, họ sở hữu một công ty con tại Nga với cái tên Unipro. Cổ phiếu của Uniper được niêm yết tại sàn chứng khoán Frankfurt và hiện được giao dịch ở mức khoảng 3,5 euro/ cổ phiếu, giảm hơn 91% kể từ đầu năm.

 Tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu ngấp nghé phá sản do giá khí đốt tăng cao, chính phủ Đức phải quốc hữu hóa  - Ảnh 2.

Cơ cấu cổ đông của Uniper tính đến cuối năm 2021 (Nguồn: Uniper)

Phần lớn doanh thu của Uniper đến từ việc bán các sản phẩm gas; họ cũng có một lượng doanh thu lớn từ việc bán điện và các sản phẩm khác. Đến cuối năm 2021, Uniper đạt doanh thu gần 164 tỷ euro, tăng 221.7% so với năm 2020, trong đó 63% đến từ việc bán các sản phẩm về gas, 27% tới từ điện và 10% còn lại thu được từ các sản phẩm khác.

Mặc dù đạt được doanh thu ấn tượng, song do các loại chi phí tăng cao, đặc biệt là chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng từ 108 lên tới 157 tỷ euro khiến cho họ phải chịu khoản lỗ lên tới hơn 4 tỷ euro trong năm vừa qua. Đây là một đòn đánh mạnh vào Uniper khi họ mới chỉ có lợi nhuận dương trong 2 năm tài chính trước đó, 2 năm đầu thua lỗ kể từ khi tách ra riêng.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ảnh hưởng rất nhiều tới Uniper, khi giá nguyên liệu đầu vào của họ liên tục tăng, trong khi giá bán không tăng tương ứng vì nhiều yếu tố khách quan. Sản lượng khí được cung cấp từ Nga bởi Gazprom cho công ty giảm 60% vào tháng 6 vào 80% vào cuối tháng 7 khiến công ty phải bù đắp bằng nhiều nguồn cung cấp khác đắt đỏ hơn rất nhiều; giá khí và gas tự nhiên cũng tăng phi mã từ đầu năm tới nay.

Thêm vào đó, việc dự án Nord Stream 2 bị tạm dừng vô thời hạn cũng ảnh hưởng lớn tới Uniper, khi họ là một trong những nhà tài trợ. Chính vì lẽ đó mà đến quý 2 năm nay, lợi nhuận trước thuế và lãi điều chỉnh (EBIT) của công ty giảm từ 580 triệu euro xuống tới mức âm 564 triệu euro, lợi nhuận sau thuế điều chỉnh cũng từ mức 485 triệu euro giảm còn âm 359 triệu euro. Đây là những con số vô cùng xấu xí và công ty bị nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động. Uniper được tính toán đã thua lỗ tới 8,5 tỷ euro trong cuộc khủng hoảng năng lượng và hiện tăng lên tới 100 triệu euro mỗi ngày theo Giám đốc điều hành của công ty.

 Tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu ngấp nghé phá sản do giá khí đốt tăng cao, chính phủ Đức phải quốc hữu hóa  - Ảnh 3.

Việc bị cắt giảm cung cấp khí từ đường ống Nord Stream và giá gas tự nhiên tăng kỷ lục dẫn đến việc thua lỗ lớn cho Uniper (Nguồn: Uniper)

Với tình trạng như vậy, Uniper đã được chính phủ Đức quốc hữu hóa nhằm cứu lấy họ cũng như ngăn chặn tình trạng thiếu hụt năng lượng vào mùa đông tại nươc này và khu vực châu Âu. Chính phủ Đức trước đó chỉ có kế hoạch nắm giữ 30% cổ phần, song đã thay đổi vào giữa tháng 9 vừa qua và đạt thỏa thuận với Fortum về việc mua lại sở hữu để nắm giữ 99% Uniper. Fortum đã đầu tư vào Uniper khoảng 7 tỷ euro và nhận lại được 900 triệu euro cổ tức trong những năm qua; song với thỏa thuận này, họ chỉ nhận được thêm 480 triệu euro cho số cổ phần của mình.

Công ty Phần Lan cũng sẽ được hoàn trả 4 tỷ euro khoản vay mà họ cấp cho Uniper, đồng thời được giải phóng khỏi nghĩa vụ đảm bảo khoảng 4 tỷ euro khác cho doanh nghiệp Đức. Chính phủ Đức, song song với việc quốc hữu hóa, cũng sẽ tái cấp vốn cho Uniper khoảng 8 tỷ euro trong gói cứu trợ trị giá khoảng 13 tỷ euro của họ. Về phần Fortum, mặc dù chỉ nhận lại được số tiền không tương xứng với khoản đầu tư, song bù lại họ sẽ không phải chịu những khoản lỗ khổng lồ tới từ nước Đức, bắt đầu từ quý 3 năm nay. Trong quý 2, họ đã ghi nhận tới 9,1 tỷ euro lỗ, phần lớn là do Uniper kinh doanh kém hiệu quả.

Như vậy, từ một trong những nhà cung cấp điện và khí gas hàng đầu thế giới cũng như công ty nhập khẩu khí từ Nga lớn nhất nước Đức, Uniper với việc chịu tác động quá lớn từ cuộc xung đột Nga – Ukraine đã phải chấp nhận đầu hàng và để cho chính phủ giải cứu. Hành động này của chính phủ Đức là cần thiết trong bối cảnh cuộc xung đột vẫn kéo dài, các lệnh cấm vận vẫn chưa được gỡ bỏ đối với Nga. Uniper sẽ tiếp tục duy trì việc cung cấp năng lượng của mình, nhưng với cái giá rất đắt đỏ và sẽ còn tiếp tục cần tới sự hỗ trợ của chính phủ Đức trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại