Tập đoàn Mai Linh của Chủ tịch Hồ Huy lỗ vượt vốn chủ sở hữu, nợ bảo hiểm của người lao động

Hà Ly |

Tính đến cuối năm 2023, Tập đoàn Mai Linh ghi nhận lỗ lũy kế hơn 1.300 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp của Chủ tịch Hồ Huy còn nợ 10 tháng bảo hiểm của người lao động.

Chân dung Chủ tịch Hồ Huy

Doanh nhân Hồ Huy sinh năm 1955, quê Thanh Hóa, có trình độ Cử nhân Luật. Sau khi rời quân ngũ, ông là một trong số thế hệ thanh niên được cử đi du học Liên Bang Nga những năm 1980.

Sau thời gian học tập ở nước ngoài, được đào tạo chuyên sâu về cơ khí ô tô, ông trở về nước sáng lập hãng vận tải Mai Linh với số vốn ban đầu chỉ có 300 triệu đồng vào năm 1993.

Đến tháng 4/1995, ông Huy tiến vào Sài Gòn và lập nên Xí nghiệp Sài Gòn Taxi, dịch vụ Taxi Mai Linh cũng được khai sinh từ đây.

Tập đoàn Mai Linh của Chủ tịch Hồ Huy lỗ vượt vốn chủ sở hữu, nợ bảo hiểm của người lao động- Ảnh 1.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh

Đến năm 2002, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh chính thức chào đời. Đến năm 2018 trên cơ sở hợp nhất ba công ty: CTCP Tập đoàn Mai Linh - CTCP Mai Linh Miền Bắc - CTCP Mai Linh Miền Trung, Tập đoàn Mai Linh được cấp mã số thuế mới.

Theo đăng ký doanh nghiệp thời điểm tháng 7/2018, Tập đoàn Mai Linh có vốn điều lệ xấp xỉ 1.729 tỷ đồng. Trụ sở công ty đặt tại số 64-68 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Ông Hồ Huy là Chủ tịch HĐQT.

Bên cạnh taxi, Mai Linh dần phát triển thành hệ sinh thái đa ngành với du lịch - lữ hành, xây dựng, đào tạo, quảng cáo truyền thống, công nghệ thông tin, tài chính, bất động sản…

Ông Huy từng đứng tên hàng loạt công ty con trong các lĩnh vực khác nhưng đến nay đã ngừng hoạt động như: Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Linh Cà Ná, Công ty cổ phần Du lịch Lữ hành G.M.T, Công ty cổ phần Mai Linh Quảng Ninh, Công ty cổ phần Dimora Việt Nam, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Mai Linh, Cty cổ phần Khai thác Điểm đổ và Dịch vụ công cộng Sài Gòn, Cty cổ phần Quảng cáo và Tiếp thị Sang tao, Cty cổ phần Tin học Việt Linh...

Hiện nay, ngoài chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh, ông Hồ Huy đang đứng tên tại nhiều công ty khác như: Công ty TNHH Thành Đô, Công ty TNHH Mai Linh Huế, Công ty TNHH Mai Linh Bình Dương, Công ty TNHH Mai Linh Đăk Lăk, Công ty TNHH MTV Kiểm định Đồng hồ Sài Gòn Ta xi, Công ty TNHH Mai Linh An Giang, Công ty cổ phần Thương mại Mê Kông Xanh, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Sài Gòn Bình Minh, Công ty TNHH Mai Linh Ninh Bình, Công ty TNHH Mai Linh Hà Nam, Công ty TNHH Mai Linh Hòa Bình, Công ty TNHH Vận tải Công nghệ Mai Linh Hà Nội, Công ty TNHH Mai Linh Lai Châu, Công ty TNHH Mai Linh Lạng Sơn...

Ông Hồ Huy cũng sở hữu công ty riêng mang tên Công ty TNHH MTV Đầu tư Hồ Huy (thành lập năm 2014). Tính đến cuối năm 2016, công ty này có vốn điều lệ gần 520 tỷ đồng, chịu trách nhiệm góp vốn vào một số công ty thành viên của hệ sinh thái Mai Linh.

Tập đoàn Mai Linh lỗ 'ăn mòn' vốn chủ sở hữu

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, Tập đoàn Mai Linh ghi nhận doanh thu thuần 1.589 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2022. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp ở mức trên 400 tỷ đồng, giảm gần 4% so với năm trước.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính đạt 54 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng 11,6% lên hơn 126 tỷ đồng, gần như toàn bộ là chi phí lãi vay.

Chi phí bán hàng giảm 2%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 11% về lần lượt 69 tỷ đồng và 300 tỷ đồng.

Có thể thấy lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trang trải các chi phí khiến Mai Linh lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 41 tỷ đồng, trong khi năm 2022 cũng lỗ thuần gần 97 tỷ đồng.

Dù khoản lợi nhuận khác giảm gần một nửa về còn 55 tỷ đồng nhưng cũng đủ để giúp Mai Linh báo lợi nhuận sau thuế gần 4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ chỉ còn 1,2 tỷ đồng trong khi cùng lỗ 1,8 tỷ đồng.

Tập đoàn Mai Linh của Chủ tịch Hồ Huy lỗ vượt vốn chủ sở hữu, nợ bảo hiểm của người lao động- Ảnh 2.

Tập đoàn Mai Linh liên tiếp thua lỗ kể từ sau khi hợp nhất năm 2018

Với việc liên tiếp thua lỗ trong nhiều năm, Tập đoàn Mai Linh ghi nhận khoản lỗ lũy kế 1.306 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023. Khoản lỗ lũy kế này đã lớn hơn vốn góp của chủ sở hữu (1.246,6 tỷ đồng).

Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Mai Linh đạt 4.271 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 1.942 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng gấp ba lần lên hơn 37 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả đạt 4.076 tỷ đồng, tăng khoảng 70 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn tăng thêm 50 tỷ đồng lên mức 997 tỷ đồng, nợ vay dài hạn tăng gần 45 tỷ đồng lên gần 404 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 hồi tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Mai Linh công bố kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu hợp nhất 1.650 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2023 nhưng lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, lên đến 60 tỷ đồng.

Không chỉ kinh doanh thua lỗ, Tập đoàn Mai Linh còn nợ bảo hiểm của người lao động trong thời gian dài. Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, tính đến hết tháng 7/2024, Tập đoàn Mai Linh đã 10 tháng chưa đóng bảo hiểm cho người lao động với số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Vi na Ta xi (tên cũ là Công ty TNHH Đại lý Bảo hiểm Mai Linh) cũng chậm đóng bảo hiểm 5 tháng với số tiền hơn 76 triệu đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại