Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao đổi với ông Tim Hughes, Phó Chủ tịch cấp cao SpaceX,tại New York (Mỹ), ngày 25/9. Ảnh: TTXVN
Ngày 25/9 vừa qua (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến công tác tại New York (Mỹ), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp lãnh đạo của một số tập đoàn lớn của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng, vệ tinh vũ trụ và công nghệ.
Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp ông Tim Hughes, Phó Chủ tịch cấp cao của SpaceX, tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp tàu vũ trụ, dịch vụ phóng vệ tinh và truyền thông vệ tinh của tỷ phú Elon Musk.
Cụ thể, ông Tim Hughes, Phó Chủ tịch cấp cao của SpaceX, cho biết tập đoàn đã khởi động các dự án Internet vệ tinh từ cách đây 5 năm. Hiện nay, SpaceX đang có hơn 6.000 vệ tinh ở quỹ đạo thấp. Các vệ tinh của SpaceX có thể cung cấp internet ở gần như tại mọi nơi trên Trái Đất.
Phó Chủ tịch cấp cao của SpaceX đánh giá Việt Nam là thị trường rất tiềm năng đối với kế hoạch phát triển internet vệ tinh của tập đoàn. Ông cho biết Tập đoàn SpaceX có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tại buổi tiếp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cảm ơn sự quan tâm và đề nghị giúp đỡ của SpaceX liên quan cơn bão số 3 (bão Yagi), đồng thời kỳ vọng dịch vụ starlink của tập đoàn trong tương lai sẽ hỗ trợ Việt Nam ứng phó kịp thời và hiệu quả trước thiên tai.
Xác định chuyển đổi số là một trong những động lực quan trọng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao về đề xuất đầu tư tại Việt Nam của SpaceX và bày tỏ mong muốn đây sẽ là bước khởi đầu thuận lợi nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu về đề xuất của SpaceX, đồng thời đề nghị tập đoàn trao đổi cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, đối tác trong nước nhằm bảo đảm hiệu quả trong quá trình hoàn thiện những thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Ngoài ra, nhất trí với chủ trương về phổ cập Internet tới mọi người dân Việt Nam, Phó Chủ tịch cấp cao của SpaceX khẳng định, tập đoàn mong muốn hỗ trợ Việt Nam để hiện thực hóa kế hoạch này, cũng như muốn nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam, sự phối hợp của các bộ ngành nhằm có thể khởi động quá trình hợp tác.
Trước đó, tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào chiều 6/9, ông Tim Hughes thông báo, Tập đoàn SpaceX đã sẵn sàng đưa Starlink đến Việt Nam. Phó Chủ tịch cấp cao của SpaceX đề nghị Việt Nam chuẩn bị hạ tầng và điều kiện cần thiết để dự án phát huy hiệu quả và góp phần phủ sóng Internet đến mọi người dân.
Được biết, ý tưởng về triển khai dịch vụ Starlink tại Việt Nam lần đầu được Phó Chủ tịch cấp cao của SpaceX nêu khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại New York vào hồi tháng 9/2023. Lúc bấy giờ, lãnh đạo của SpaceX kỳ vọng giúp cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng ở các "vùng lõm" về sóng trong nước.
Trên thực tế, dịch vụ Internet vệ tinh Starlink đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, dịch vụ này có tại Philippines, Malaysia từ đầu 2023 và dự kiến có mặt tại một số quốc gia khác trong năm 2024. Tại Philippines, người dùng Starlink tại quốc gia này phải mua thiết bị phần cứng để thu phát sóng với giá 29.320 Peso (hơn 12,8 triệu đồng) và phí thuê bao hàng tháng 2.700 Peso (hơn 1,18 triệu đồng).
Phổ cập Internet tới mọi người dân Việt Nam
Theo Statista dự báo, đến năm 2030, thế giới sẽ có hơn 7,5 tỷ người dùng internet và hơn 29 tỷ thiết bị IoT. Tuy nhiên, với sự bùng nổ về kết nối internet sẽ đặt ra thách thức rất lớn cho hạ tầng Internet - hạ tầng lõi cho các kết nối trong kỷ nguyên số. Chính vì vậy, để bảo đảm hạ tầng Internet có thể đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới, công tác phát triển hạ tầng cần phải được xây dựng, định hướng một cách bài bản với mục tiêu an toàn và bền vững.
Thông tin này được đề cập tới trong sự kiện thường niên của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC – Bộ Thông tin và Truyền thông) - VNNIC Internet Conference 2024, với chủ đề "An toàn, bền vững hạ tầng internet trước sự phát triển các công nghệ mới" vào hồi tháng 6/2024.
Tại VNNIC Internet Conference 2024, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, kể từ thời điểm chính thức kết nối với Internet toàn cầu năm 1997, Internet Việt Nam đã phát triển như vũ bão và trở nên lớn hơn về quy mô cũng như nhanh hơn về kết nối, hiện đại hơn về công nghệ. Từ một mạng độc lập duy nhất, đến nay, Internet Việt Nam đã phát triển lên tới gần 1.000 mạng có IP, số hiệu mạng độc lập kết nối với nhau. Đặc biệt, tỷ lệ chuyển đổi sử dụng địa chỉ internet mới IPv6 đạt 60%, thuộc top 10 quốc gia cao nhất toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, để đáp ứng giai đoạn chuyển đổi số thì hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hơn nữa, để đáp ứng được sự phát triển của các dịch vụ internet, công nghệ mới, hạ tầng Internet Việt Nam cũng cần thay đổi, cải tiến, đồng thời tương thích với sự phát triển của các công nghệ mới, nhưng vẫn cần bảo đảm sự an toàn, bền vững.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ người sử dụng Internet tại Việt Nam hiện đạt trên 90%, vượt mục tiêu là 87,5% của Bộ đề ra trong năm 2024.
Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian (SpaceX) được thành lập bởi tỷ phú Elon Musk vào năm 2002. Kể từ khi thành lập đến nay, Tập đoàn SpaceX đã phát triển các dòng tên lửa như Falcon 1, Falcon 9, Falcon Heavy và tàu vũ trụ Dragon, đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa hàng hóa và phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).