Tạp chí lí luận ĐCSTQ: Thời đại mới dưới sự dẫn dắt của Tư tưởng Tập Cận Bình có thể kéo dài 38 năm

An An |

Một số ý kiến cho rằng, thời gian tồn tại của thời đại mới này không đồng nghĩa với thời gian nắm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình.

"Thời đại mới" là cụm từ phổ biến nhất trên truyền thông Trung Quốc trong những năm gần đây nhưng thời đại này chỉ khoảng thời gian nào đến khoảng thời gian nào vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Cụm từ này vốn xuất phát từ khái niệm Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới (gọi tắt là Tư tưởng Tập Cận Bình). Vào tháng 10/2017, Đại hội XIX đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức xác lập Tư tưởng Tập Cận Bình với mục tiêu trung hạn cơ bản hoàn thành hiện đại hóa (từ nay tới năm 2035) và trở thành cường quốc hàng đầu năm 2050.

Tư tưởng cũng đã được đưa vào Điều lệ ĐCSTQ, trở thành kim chỉ nam đối với sự nghiệp cải cách, mở cửa, xây dựng hiện đại hóa ở Trung Quốc hiện nay. Do đó, thời đại mới (chỉ thời kỳ ảnh hưởng Tư tưởng Tập Cận Bình) còn được giới quan sát gọi là "thời đại Tập Cận Bình".

Thời đại mới kéo dài khoảng 38 năm

Gần đây, trong một tuyên bố đáng tin cậy, "thời đại mới" được cho sẽ tồn tại trong khoảng 38 năm.

Đây là tiết lộ của ông Khúc Thanh Sơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hiến và lịch sử đảng trung ương ĐCSTQ trong bài viết Vị thế và ý nghĩa quan trọng của thời đại mới trong lịch sử đảng, lịch sử nước Trung Quốc mới đăng trên tạp chí Cầu thị - tạp chí lý luận hàng đầu của ĐCSTQ - ngày 3/10.

Tạp chí lí luận ĐCSTQ: Thời đại mới dưới sự dẫn dắt của Tư tưởng Tập Cận Bình có thể kéo dài 38 năm - Ảnh 1.

Tư tưởng của ông Tập đã được đưa vào Điều lệ ĐCSTQ, trở thành kim chỉ nam đối với sự nghiệp cải cách, mở cửa, xây dựng hiện đại hóa ở Trung Quốc hiện nay. Ảnh: Tân Hoa Xã

Bài viết chia lịch sử 98 năm của ĐCSTQ thành bốn giai đoạn:

Giai đoạn đầu tiên kéo dài 28 năm, từ khi thành lập đảng năm 1921 đến khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 với từ khóa quan trọng là "cách mạng".

Giai đoạn thứ hai kéo dài 29 năm, từ 1949 đến Hội nghị trung ương III khóa XI năm 1978 với từ khóa "xây dựng".

Giai đoạn thứ ba kéo dài 34 năm, từ năm 1978 đến Đại hội khóa XVIII năm 2012 với từ khóa "cải cách".

Giai đoạn thứ tư mới diễn ra được 7 năm, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012.

Tác giả bài viết lập luận rằng thời đại mới này sẽ tiếp tục cho đến giữa thế kỷ XXI (tức năm 2050) với mục tiêu xây dựng toàn diện Trung Quốc thành cường quốc hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội, trong thời gian 38 năm với từ khóa là "phục hưng".

"Bắt đầu từ Đại hội đảng khóa XVIII được tổ chức vào tháng 11/2012, đảng của chúng ta đã bước vào thời đại mới của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Mặc dù thời kỳ lịch sử này đến nay mới chỉ có 7 năm nhưng nếu tính đến khi xây dựng toàn diện [Trung Quốc] trở thành cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ này, thời gian sẽ là khoảng 38 năm. Từ khóa tổng quát là phục hưng", ông này viết.

Bài viết cũng chỉ ra, nhìn vào sự phát triển của lịch sử ĐCSTQ và lịch sử nước Trung Quốc mới, mục tiêu phấn đấu của ĐCSTQ trước năm 1949 là "cứu quốc", mục tiêu phấn đấu trước năm 1978 là "hưng quốc" (tức chấn hưng, trẻ hóa quốc gia), mục tiêu phấn đấu thời kỳ cải cách mở cửa là "phú quốc" (tức trở thành nước giàu). Như vậy, mục tiêu phấn đấu của thời đại mới chính là "cường quốc" (tức siêu cường, cường quốc hàng đầu).

"Cứu quốc, hưng quốc, phú quốc, cường quốc là sự nghiệp hoàn chỉnh để thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa", bài viết nhấn mạnh.

Giới phân tích cho biết, thuật ngữ "Thời đại mới" bắt đầu hình thành từ Đại hội khóa XVIII ĐCSTQ năm 2012 nhưng thời gian tồn tại của nó lại không được nhắc đến. Tuy nhiên, đến thời điểm bản sửa đổi hiến pháp năm 2018 của ĐCSTQ xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước thì thời gian tồn tại của thời đại này đã đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận.

Theo tờ Ming Pao (Hồng kông), do Viện nghiên cứu văn hiến và lịch sử đảng trung ương ĐCTSQ là cơ quan chuyên nghiên cứu lí luận và lịch sử ĐCSTQ, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc trung ương đảng nên bài viết của ông Khúc Thanh Sơn được coi là phát ngôn chính thức đầu tiên của Bắc Kinh về thời gian tồn tại của "thời đại mới".

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, thời gian tồn tại của thời đại mới này không đồng nghĩa với thời gian nắm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình nhưng có thể thấy sức ảnh hưởng của Tư tưởng Tập Cận Bình có khả năng sẽ tiếp tục ít nhất cho đến thời điểm năm 2050 (khoảng 38 năm).

Theo báo tiếng Hoa Đa chiều, xét từ khía cạnh lịch sử, trước khi nước Trung Quốc mới được thành lập (năm 1949), ĐCSTQ đã trải qua nhiều nhà lãnh đạo bao gồm Trần Độc Tú, Lý Lập Tam, Hướng Trung Phát, Bác Cổ, Vương Giá Tường và sau đó, ông Mao Trạch Đông mới được xác lập là lãnh đạo hạt nhân.

Trong thời kỳ 34 năm cải cách, ngoài Đặng Tiểu Bình là thời kỳ nắm quyền của hai nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào. Do đó, đến năm 2050, ĐCSTQ cũng có khả năng sẽ thay đổi một số nhà lãnh đạo.

Về vấn đề người kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình, Hiệu phó trường đảng trung ương Tạ Xuân Đào tháng trước cho biết, ĐCSTQ đã giải quyết ổn thỏa vấn đề này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại