Trong tuyên bố mới đây, Chính phủ đã kêu gọi mục tiêu hàng đầu là phục hồi, đồng thời kỳ vọng vực dậy kinh tế vào năm 2021, khi nền kinh tế hiện đang phát triển chậm đi vì dịch bệnh.
Được đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư có tiềm năng thay thế Trung Quốc, Việt Nam vẫn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, nhu cầu hiện tại của các quốc gia nhập khẩu, điển hình như Hoa Kỳ, đang suy yếu do các lệnh phong toả.
Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể từ năm 2012, với tỷ lệ 6% hoặc hơn hàng năm, phần lớn nhờ vào sức mạnh của khối sản xuất cùng sức mua ngày một cải thiện của người dân (đạt khoảng 260 tỷ USD vào cuối năm 2019).
Tháng 9/2020, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Ngân hàng Trung ương giữ nguyên chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế. Các bộ, ngành khác được giao nhiệm vụ thu hút thêm vốn nước ngoài, tăng cường xuất khẩu và kích thích tiêu dùng trong nước.
Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng kinh tế 1,8% trong nửa đầu năm 2020 - con số thấp nhất trong 10 năm qua. Dự báo tăng trưởng năm 2020 ở mức 2-2,5%.
Luật sư Công ty Kiểm toán và Tư vấn Mazars, ông Jack Nguyễn nhận định: "Kinh tế sẽ không phục hồi theo hình chữ V, mà là dấu phẩy lên, như logo của hãng Nike". Đồng thời, ông Jack ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ đạt gần 3%.
Lý giải về điều này, ông cho rằng GDP năm sau sẽ phụ thuộc vào việc vắc-xin Covid-19 xuất hiện hay chưa, và liệu biên giới có mở cửa cho du lịch quốc tế hay không.
Việt Nam, tương tự như phần lớn các quốc gia châu Á, vẫn đang đóng cửa với các du khách quốc tế nhằm ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh. Du vậy, nhóm ngành này thường đóng góp khoảng 6% GDP giá trị nền kinh tế.
Ông Jack cũng khẳng định hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực cũng sẽ tạo ra sự khác biệt trong năm sau.
Theo báo cáo mới đây của SSI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cảnh báo quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu giai đoạn hậu Covid-19 sẽ có thể kéo dài tới 4 năm. Bộ KHĐT cũng giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của năm 2020 và 2021 từ mức 7% đưa ra trước đó.