Như thường lệ, cứ sau mỗi lần lên sóng, Táo Quân lại bị dư luận đem ra mổ xẻ và Táo Quân 2019 cũng không ngoại lệ.
Năm nay, Táo Quân bị cộng đồng mạng chê nhiều hơn, gay gắt hơn. Người ta cho rằng, Táo Quân đang ngày một nhạt dần, không còn nhiều giá trị đả kích, phản ánh xã hội và chèn quá nhiều quảng cáo. Một số ý kiến còn đề nghị nên dừng Táo Quân.
Tuy nhiên, nếu bỏ qua một số nhược điểm không đáng có, Táo Quân 2019 vẫn xứng đáng là chương trình của năm, với nhiều giá trị trân quý.
Vẫn là bức tranh phản ánh xã hội trực diện, sâu sắc, thâm thúy
Phần lớn khán giả tìm đến Táo Quân để chứng kiến bộ mặt và diễn biến xã hội trong suốt một năm qua và những nghệ sĩ của chương trình đã thực hiện được trọn vẹn điều đó, thông qua lăng kính, cũng như cách phản ánh riêng của họ.
Nhiều người thắc mắc, tại sao bao năm qua vẫn không thay đổi cách thức báo cáo của các Táo. Nhưng mỗi Táo đại diện cho một ban ngành, bộ máy lãnh đạo, nên mọi thói hư tật xấu, tiêu cực phải được bộc lộ từ chính nội tại Táo đó, chứ không thể thay thế bằng người khác hay yếu tố khác.
Bởi vậy, cứ qua mỗi câu nói của các Táo lại có tệ nạn, tiêu cực trong xã hội bị đả kích một cách sâu cay.
Ví dụ như thái độ vui sướng của Táo Giáo dục khi mưu đồ bắt phụ huynh phải mua sách giáo khoa mỗi năm một lần đã bóc trần việc độc quyền sách giáo khoa trong ngành giáo dục. Táo Giáo dục thậm chí còn hả hê: "Đốt sách giáo khoa là chuyện thường vì phụ huynh mua chứ tôi có mua đâu".
Táo Giáo dục (Chí Trung) năm nay có nhiều câu nói khá sâu cay và thâm thúy, bóc trần những tệ nạn, tiêu cực nổi cộm của ngành giáo dục.
Chẳng hạn, khi nói: "Một cộng một bằng hai là trò trẻ con, với ngành giáo dục, một cộng một có thể bằng chín hoặc mười tùy vào ý chí của người cộng điểm", hay "Thủ khoa không tự sinh ra và mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ thằng này sang thằng khác", Chí Trung đã chỉ điểm thẳng vào nạn gian lận điểm thi.
Thậm chí, vấn nạn dâm ô, ăn chơi trác táng của bộ phận cán bộ trong ngành giáo dục cũng bị Chí Trung đá xoáy qua câu nói: "Toàn ngành giáo dục tôi biết tên hết tất cả các cô, còn thầy thì không quan tâm lắm".
Đến Táo Giao thông cũng đả kích giáo dục một cách trực diện khi ví giáo dục chẳng khác nào showbiz: "Năm nay anh là ngôi sao sáng nhất showbiz, vụ giáo viên, kế toán của anh vào động lắc lắc như điên".
Táo Xã hội (Vân Dung) lại không quên nhấn mạnh vào nạn đút lót phong bì ở mọi ban ngành khi nói: "Bây giờ người dân xin học cho con dí phong bì, ra viện muốn cấp cứu nhanh dí phong bì, xin giấy phép sửa ống nước dí phong bì, lên phường xin giấy chứng tử dí phong bì".
Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề nhức nhối khác của xã hội đã được Táo Quân nhắc đến và đả kích thẳng thắn nhưng cũng đầy tế nhị như: quan chức xin giấy chứng nhận tâm thần để chạy tội; nạn quan liêu, đưa phong bì; nạn bạo lực từ học đường tới xã hội; nạn chuyển đổi đất công thành đất tư để tư lợi cá nhân; lạm dụng mạng xã hội…
Bức tranh bát nháo, lố lăng và ô uế của xã hội được vẽ đầy chân thực
Ngoài câu chữ, Táo Quân còn dùng đến cả cử chỉ, hành động, biểu cảm và khai thác ý đồ biểu hiện sau hình ảnh để vẽ nên bức tranh xã hội đầy chân thực.
Chẳng hạn, cảnh các Táo chuyền bóng cho nhau đầy chính xác, với vẻ mặt dấm dúi, sợ hãi đã thể hiện rõ sự hèn mọn của các ban ngành trong việc trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Đi kèm với nó là những câu đả kích đầy hài hước của Bắc Đẩu: "Năm nào lên đây cũng kêu bận trăm công nghìn việc, nhưng không hiểu học chuyền bóng ở đâu mà điêu luyện hơn cả U23".
Nam Tào còn nói thẳng: "Đùn đẩy trách nhiệm là một trong những kĩ năng của các Táo dưới hạ giới"
Hay, câu chuyện Táo Xã Hội dọa dẫm Nam Tào, Bắc Đẩu đã vẽ ra bức tranh quyền chức rối rắm của các ban ngành và ngụ ý rằng, việc tinh giản biên chế chỉ là trò hề vì còn đầy rẫy con ông cháu cha, đi lên dựa vào quan hệ.
Thậm chí, ngay cả màn diễn bị chê nhiều nhất là màn soi gương của các Táo cũng có ý nghĩa sâu xa của nó.
Một số ý kiến cho rằng, qua việc chiếc gương soi bản thân được đưa ra, nhưng không soi được cho Táo nào trong suốt thời lượng dài, chương trình muốn đả kịch việc tranh công chối tội, đùn đẩy trách nhiệm, thói làm ăn lê thê của cơ quan nhà nước, quan chức chây lì không chịu công khai thu nhập cá nhân…
Ngọc Hoàng cũng bị giễu nhại để châm biếm
Không chỉ các Táo, đến Ngọc Hoàng cũng bị hạ bệ và giễu nhại để châm biếm xã hội. Đây là một trong những điểm mới mẻ và trào phúng của Táo Quân năm nay.
Ai cũng biết, Ngọc Hoàng là đấng tối cao, luôn phải đạo mạo, nghiêm minh để làm gương cho kẻ khác. Vậy nhưng, trong Táo Quân năm nay, Ngọc Hoàng lại dám cởi bỏ long bào để ăn mặc hầm hố, kệch cỡm và tham gia trò đi bão dưới hạ giới, ăn chơi cùng một đám người đẹp.
Nếu nhìn thoáng qua, ai cũng biết hành động này của Ngọc Hoàng để đả kích một bộ phận không nhỏ người dân "đi bão" vô tội vạ, thiếu ý thức, ảnh hưởng tới người khác.
Nhưng sâu xa hơn, hành động này của Ngọc Hoàng đang châm biếm không ít quan chức tha hóa, lợi dụng mọi ngày lễ tết, cơ hội để gạt bỏ việc công, ăn chơi trác táng. Câu nói của Ngọc Hoàng đã nói rõ điều này: "Ngày gì cũng chẳng quan trọng bằng ngày thiên đình vô địch. Đi bão vui lắm".
Phản ánh xã hội bằng việc đả kích, để tạo nên tiếng cười chế giễu, thâm thúy là cách làm quen thuộc của Táo Quân, khiến nó bị chê nhàm chán.
Nhưng ít ai biết rằng, nghệ thuật hài kịch suốt mấy trăm năm qua, từ châu Âu tới Việt Nam đều có mô típ như vậy. Mô típ này là giá trị cốt lõi tạo nên tính hiện thực, nhân văn và thẩm mỹ cho hài. Và Táo Quân bao năm qua vẫn luôn giữ trọn được điều đó.
Nét chấm phá của bi kịch và có khen có chê
Sự xuất hiện của bà cụ dân thường nghèo khó lên thiên đình tìm cháu và câu chuyện đau đớn của bà trên con đường xin giấy chứng nhận hộ nghèo đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả và để lại trong lòng người xem nhiều suy nghĩ, trăn trở.
Táo Quân từ trước đến nay vẫn được mặc định là một chương trình hài, để đem lại tiếng cười cho khán giả mỗi dịp cuối năm. Bởi vậy, sự xuất hiện của bà cụ với câu chuyện buồn đã khiến nhiều người băn khoăn.
Nhưng đây lại là nét chấm phá mới mẻ của Táo Quân 2019, khi kết hợp thành công giữa bi và hài, tạo nên những câu chuyện đầy cảm xúc và sâu sắc, khiến tiếng cười của khán giả trở nên giá trị, lắng đọng và chất chứa nhiều suy tư hơn. Đó là giá trị thẩm mỹ cao đẹp của Táo Quân.
Hơn nữa, Táo Quân cũng không hẳn chỉ chăm chăm vào việc chê bai, đả kích. Bên cạnh tiếng cười chế giễu vẫn là sự nhìn nhận công tâm.
Ngọc Hoàng sau khi phán xử vẫn công nhận những thành tựu, nỗ lực mà các ban ngành đã đạt được trong năm qua để khích lệ họ. Đó là thái độ tích cực của các nghệ sĩ trong việc nhìn nhận xã hội.
Những bài học răn dạy đắt giá
Sau những tiết mục đả kích, châm biếm sâu cay, Táo Quân luôn tổng kết lại bằng những bài học, lời răn dạy.
Chẳng hạn, sau khi bị lôi ra các tật xấu, Táo Xã hội đã tổng kết: "Muốn đạo đức xã hội đi lên, chúng ta phải đi bằng ba chân. Chân thứ nhất là giáo dục, phải dạy con người ta đạo đức. Chân thứ hai là xã hội, là người lớn phải làm gương cho trẻ nhỏ, phải có truyền thống gia đình".
Nam Tào cũng đưa ra lời răn: "Đừng để trên rải thảm dưới rải đinh, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, các quy định chồng chéo phải loại bỏ".
Ngọc Hoàng lại không quên mượn chuyện chống tham nhũng để đe dọa: "Các ngươi có muốn cháy thành than không, ta cho vào lò ta đốt luôn".
Ngoài ra, Táo Quân năm nay vẫn giữ vững phong độ là chương trình công phu, hoành tráng ở khâu đầu tư âm nhạc.
Chương trình đã sáng tác riêng những ca khúc cho các Táo lên báo cáo, với nhiều màu sắc khác nhau, từ nhạc trẻ tới dân ca vọng cổ.
Lần đầu tiên ở Táo Quân, khán giả được chứng kiến Quang Thắng hát giọng miền nam, Tự Long hát bolero, Ngọc Hoàng hát dân ca một cách đầy mùi mẫn, truyền cảm thông qua các màn báo cáo của mình.
Các màn tạp kĩ như ảo thuật, ca hát, múa cũng được các Táo sử dụng triệt để. Điều này thể hiện sự đầu tư và sáng tạo nghiêm túc của ekip dàn dựng, cũng như sự khổ luyện của chính các nghệ sĩ, khi tự họ phải thực hiện những màn vũ đạo, múa hát, ảo thuật đó.
Để làm một chương trình dài hơn hai tiếng, với biết bao tiết mục khó nhằn, vừa phải đảm bảo về thẩm mỹ, giải trí, hấp dẫn, lại vừa có nội dung sâu sắc, phản ánh được hiện thực xã hội là điều vô cùng khó khăn và không thể tránh khỏi sai sót, lỗi lầm.
Nhưng trên hết, Táo Quân 2019 vẫn giữ được phong độ, bản chất và hướng đi đúng đắn của mình. Đó là giá trị đáng quý ở nó.
Và hiển nhiên, dù bị chê bai thế nào, Táo Quân vẫn luôn là chương trình được mong đợi nhiều nhất mỗi dịp xuân về. Tính đến hiện tại, vẫn chưa một chương trình nào đủ sức thay thế Táo Quân.