PV: Chính sách thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đang được người dân, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lao động trẻ đặc biệt quan tâm. Vậy dự án Luật quy định về nội dung này như thế nào?
Ông Nguyễn Công Anh: Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Điều 17 dự thảo Luật đã thiết kế 02 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.
Đối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Nguyễn Công Anh
Các đối tượng là công dân Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội quy định; được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Các đối tượng là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.
Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, dự thảo Luật cũng đã quy định các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Thành phố để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô.
Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài. Đây có thể xem là các nội dung rất quan trọng, nhằm tạo ra “cú hích” trong cơ chế thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận một cửa quận Đống Đa
Tuy nhiên, tôi cho rằng, để có tính khả thi hơn, cũng cần trao quyền cho HĐND Thành phố ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.
Để thu hút và giữ chân được người tài, cũng cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài.
PV: Hiện nay tỷ lệ quỹ đất giao cho giao thông của Hà Nội còn quá thấp so với yêu cầu . Vậy, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về chính sách phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) - một trong những đề xuất chính sách quan trọng trong dự án Luật ?
Ông Nguyễn Công Anh: Để có thể có thêm nguồn vốn đầu tư cho các các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, một giải pháp chính sách của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là triển khai các Dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Dự án TOD).
Dự án TOD là một giải pháp có thể mang lại nguồn lực đầu tư từ xã hội thông qua việc khai thác quỹ đất ở các vùng phụ cận của tuyến đường sắt, không gian ngầm và không gian trên cao ở các nhà ga của tuyến đường. Giải pháp này được quy định cụ thể tại Điều 39 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Điểm đặc biệt là Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chỉ lựa chọn quy định Dự án TOD áp dụng cho đường sắt đô thị mà không áp dụng sang các loại hình giao thông khác như đường bộ là phù hợp với nhu cầu phát triển của Thủ đô cũng như tính phức tạp của một dự án đường sắt đô thị đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù. Đối với đường bộ, mô hình phát triển TOD đã và đang được áp dụng từ nhiều năm nay trong công tác quy hoạch mà không cần phải áp dụng cơ chế Dự án TOD như quy định tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo quy định tại Điều 39 của Dự thảo, Dự án TOD là dự án tổng thể đầu tư xây dựng một tuyến đường sắt đô thị gắn với phát triển đô thị dọc tuyến. Tuỳ theo điều kiện phát triển của từng Dự án TOD (điều kiện xây dựng dự án tuyến đường sắt đô thị; điều kiện khai thác quỹ đất ở vùng phụ cận trong khu vực TOD…) mà các dự án TOD sẽ xác định đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị là dự án theo phương thức đầu tư công hay dự án theo phương thức hợp tác đối tác công tư (PPP), như BOT hay BT.
Hà Nội cần nhiều giải pháp đồng bộ để giảm tải áp lực giao thông. Ảnh: Đinh Luyện
Các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở, trung tâm thương mại, hay khu công nghiệp ở xung quanh khu vực nhà ga sẽ được xác định theo phương thức đấu thầu hoặc đấu giá lựa chọn nhà đầu tư tuỳ theo điều kiện về khả năng giải phóng mặt bằng, điều kiện kỹ thuật khi thực hiện dự án.
Tôi cho rằng, quy định Dự án TOD là một dự án tổng thể nhằm khắc phục nhược điểm tồn tại hiện nay là các nhà đầu tư sẽ chỉ lựa chọn đầu tư (cho dù thông qua đấu giá) các dự án có lợi nhuận cao (như dự án nhà ở, dự án trung tâm thương mại…), không chú trọng đầu tư vào các dự án hạ tầng đường sắt đô thị. Dẫn đến, dự án đường sắt đô thị phải chờ vốn đầu tư công hoặc ODA trong khoảng thời gian rất lâu nên không phát huy được lợi thế về giao thông cho các dự án đô thị, trung tâm thương mại. Ngược lại, các dự án đô thị, trung tâm thương mại cũng không được triển khai đầu tư quyết liệt để chờ dự án đường sắt đô thị. Hậu quả là đô thị của Thủ đô chậm phát triển.
Dự án TOD thường có quy mô lớn nên thủ tục, việc phê duyệt mất nhiều thời gian. Do đó, cần phải có một quy trình, thủ tục phù hợp để có thể rút ngắn thời gian phê duyệt, tạo điều kiện cho Hà Nội có thể triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như nhà ở và các công trình thương mại, dịch vụ và công nghiệp thuộc Dự án TOD.
Cụ thể như giao cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án TOD dựa trên các điều kiện về ngân sách, diện tích đất có thể đấu giá để thực hiện tái thiết đô thị, đầu tư phát triển đô thị mới, xây dựng theo quy hoạch đô thị được phê duyệt và phát triển đường sắt đô thị; sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án TOD.
PV: Theo ông, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cần thể chế các chính sách như thế nào để tạo cơ chế đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phát triển?
Ông Nguyễn Công Anh: Tôi cho rằng một trong những nội dung rất quan trọng tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là vấn đề phân cấp, phân quyền.
Theo đó, dự thảo Luật cần cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay. Những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì nên ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền quy định theo pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ. Đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.
Cùng với đó, cần quy định cho Thành phố các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tối đa các nguồn lực của Thủ đô đặc biệt là nguồn lực về đất đai thông qua đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); chú trọng thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, cũng cần lưu ý tới vấn đề ưu tiên áp dụng các quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) nếu Luật này được thông qua.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.