Phóng viên (PV): Ơ kìa bác Chùa, năm sớm, cả xã hội kéo lên thăm mà bác không ở nhà tiếp khách lại đi đâu đấy? Mà sao nước mắt nước mũi tèm lem thế kia?
Táo Chùa: Tôi khổ lắm chú ơi. Tôi đang khăn gói quả mướp lên gặp Ngọc Hoàng nói chuyện phải quấy đây, chú tránh ra cho kịp giờ tàu xe.
PV: Ấy, bến xe sau Tết năm nay vắng vẻ bất thường lắm, bác cứ từ từ, ở lại đây làm ấm trà kể cho chúng tôi nghe đầu đuôi câu chuyện đã.
Táo Chùa: Thôi được. Cả xã hội nghĩ rằng cánh Chùa chiền chúng tôi đầu Xuân năm mới được đón khách khứa thập phương chắc vui lắm. Tôi và anh Lễ Hội một năm mới gặp nhau vài lần, chắc cũng có nhiều chuyện hàn huyên.
Nhưng xã hội nào có biết, chúng tôi quanh năm sống thanh tịnh, yên tĩnh nó quen rồi, mấy ngày hôm nay tờ mờ gà gáy sáng mà người đã rầm rập kéo lên cửa, mới chợp mắt được vài tiếng do tiếp khách khuya, đã phải mở cổng chào khách ghé sớm, suy nhược cơ thể mất.
Người dân chen lấn, tấp nập đi lễ chùa đầu năm. Ảnh minh hoạ
Các cụ xưa dạy: Nhập gia thì phải tùy tục. Nhà của tôi, tôi có luật lệ riêng. Ví dụ vào nơi nào được đi dép, chỗ nào phải bỏ giày dép. Chỗ nào được thắp hương, chỗ nào không. Tôi cẩn thận ghi rõ ràng ra biển, bằng tiếng Việt trong sách, đúng chính tả, văn phạm.
Ấy thế mà các vị khách của tôi họ có tuân theo luật đâu. Phần sân chùa tôi lau dọn sạch sẽ, ghi rõ khách khứa phải bỏ giầy, mà họ hồn nhiên thượng cả giày lên. Bãi sỏi, khóm cây do bố tôi để lại, quý lắm, tôi giữ gìn cả năm mà mấy ngày Xuân bị khách phá tan tành cả.
Hôm qua anh Cửa Chùa lên kiện. Tính anh ưa sạch sẽ nên tôi cũng biết ý cho anh tắm rửa mỗi ngày. Ấy vậy mà các vị khách trẻ cứ thấy cửa chùa trống chỗ nào là xịt sơn, viết vẽ bậy bạ lên đó.
Chùa chiền mà các bạn ý hình như ngỡ là cầu tình yêu ở Paris, đỉnh Namsan ở Hàn Quốc, các bạn viết anh yêu em, em yêu anh, lên đó, tôi đọc mà phát xấu hổ.
Chuyện thắp hương mới khôi hài chú ạ. Tôi chat với mấy bạn Chùa ở nước ngoài, Thái Lan, Ấn Độ, Nepal chẳng hạn, họ thắp sẵn một nén hương, khách khứa vào nhà chỉ việc lễ thôi. Ngồi thiền cũng được, ngắm cũng được, lễ cũng được, thoải mái, nhưng đừng thắp thêm hương.
Đã đi lễ chùa, ai cũng cố thắp lấy 1... bó hương. Ảnh minh hoạ
Khổ nỗi các vị khách của tôi ai cũng khoái thắp hương. Mà họ cắm bất kỳ chỗ nào có đất mới khôi hài. Tôi không hiểu cái gốc cây cảnh tôi bày đó để trang trí thì thiêng liêng chỗ nào mà họ cắm hương xung quanh, rồi ngồi đó khấn vái.
Mấy bức tượng trong chùa tôi sợ mưa đọng nước, nên đục cái lỗ làm chỗ thoát nước. Đơn giản thế thôi, mà mấy vị khách đi qua thấy nước nhỏ nhỏ xuống lại nghĩ… nước thánh, thi nhau hứng. Tôi đến chết cười mất.
À còn mấy trăm bức tượng Phật quý giá của tôi nữa, huhuhu. Cứ trung bình 3 mét tôi lại để một tấm biển ghi rõ: Cấm sờ vào tượng. Ấy thế mà vị khách nào qua cũng rút tờ tiền mài mài, chà chà đến bóng loáng cả bụng, đầu gối của tượng. Họ còn hò hét nhau tới sờ lấy may nữa. Tôi cũng đến chịu.
Đấy chú xem, đầu Xuân năm mới, nhà cửa khang trang đón khách là thế, mà khi họ ra về mọi thứ tan hoang, rác rưởi khắp nơi, tôi sống làm sao được qua cái mùa Xuân bão táp này?
PV: À vâng chúng tôi cũng hiểu, nhưng…
Táo Chùa: Kìa kìa (bác Chùa giật giọng, hét lớn), cái đám thanh niên lại kéo tới kìa. Chùa chiền có phải chỗ cho chúng nó check-in đâu mà đứa nào đứa nấy cầm theo cái gậy tự sướng dài thòng, đi chỗ nào cũng tạo nhăm nhăm tạo dáng chụp ảnh khoe.
Có biển cấm nhưng người ta vẫn nô nức giẫm lên bãi sỏi để check-in
Dạo trước có anh ca sỹ còn lên chùa quay MV ca nhạc cơ, thành thử ra cái đám fan của anh ý cũng nhao theo, lên chùa check-in cho giống thần tượng.
Đây là đối tượng khách mới toanh của cánh Chùa chiền chúng tôi, nhưng thêm khách mà chẳng thêm vui. Lắm đứa còn ăn mặc hở hang, váy ngắn, áo dài váy đụp phản cảm vô cùng.
Mà thôi anh cũng tranh thủ đi đi, chúng nó lại đang tranh cướp nhau cái gọi là "lộc" trong chùa kia kìa, vào mà xem. Lộc lá mà chúng nó làm như hàng hóa vậy, đứa thì cướp, đứa bỏ tiền ra mua, chả ra làm sao cả.
Thôi chú để tôi đi gặp Ngọc Hoàng, tôi bức xúc lắm rồi…