Bác sĩ Wang Wenke tại Đại học Y Đại học Bắc Kinh (Bắc Kinh, Trung Quốc) chia sẻ: “Vì rất nhiều lý do mà táo bón trở thành vấn đề sức khỏe phổ biến trong xã hội hiện đại. Cũng vì thế mà rất nhiều người thường chủ quan, ngay cả khi táo bón kéo dài. Trong khi đó, tình trạng này không đơn giản là rối loạn tiêu hóa mà còn có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. Đặc biệt, bản thân việc táo bón kéo dài cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư đường tiêu hóa”.
Trong số các bệnh nhân tìm tới ông để khám dinh dưỡng, có một cô gái ngoài 20 tuổi họ Fei (Bắc Kinh, Trung Quốc) phát hiện ung thư trực tràng sau hơn 6 tháng táo bón dai dẳng. Khi thăm khám, cô Fei kể rằng mình vốn có sức khỏe tốt, ăn nhiều rau và chăm uống nước nhưng vẫn bị táo bón.
Cô tìm tới hiệu thuốc và được kê đơn nhiều loại thuốc nhuận tràng. Ba tuần đầu sau khi uống thuốc kết hợp thay đổi chế độ ăn uống, đi bộ hàng ngày giúp tình trạng táo bón của cô đúng là thuyên giảm hẳn. Tuy nhiên sau đó lại đâu vào đó, thậm chí nghiêm trọng hơn làm cuộc sống của cô Fei bị ảnh hưởng rất nhiều.
Sau khi tự tìm hiểu trên mạng, cô tự kết luận lý do táo bón là bởi mình ngồi quá nhiều và căng thẳng công việc kéo dài. Những yếu tố này gần như không thể thay đổi nên cô quyết định “sống chung với bệnh”. Gần 6 tháng sau đó, càng ngày cô Fei càng ăn được ít, nhìn thấy đồ ăn dầu mỡ là buồn nôn, cân nặng sụt giảm nhưng vùng bụng lại to lên nhanh. Một người đồng nghiệp khi thấy cô ăn rất nhiều rau mà vẫn táo bón, béo bụng nên khuyên cô đi khám dinh dưỡng.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ Wang Wenke nghi ngờ có khối u đường tiêu hóa và chuyển cô sang Khoa Tiêu hóa của bệnh viện. Tại đây, Tiến sĩ Huang Yanjun đã tiến hành nhiều xét nghiệm chuyên sâu và kết luận cô Fei mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn 3.
Ông kể lại trên chương trình sức khỏe Health 2.0: “Nguyên nhân ung thư đại tràng gây táo bón là khối u trong lòng đường tiêu hóa hoặc phát triển lớn gây chèn ép đường ra của phân. Khối u còn gây rối loạn nhu động ruột khiến phân khó bị đẩy ra hơn. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tắc ruột.
Bệnh nhân cho biết, mình thường xuyên thấy máu trong phân nhưng cho rằng đó là do táo bón, phân cứng gây tổn thương và chảy máu hậu môn. Trong khi đó, đây là dấu hiệu quan trọng của bệnh ung thư đại trực tràng và đã bị bỏ qua. Đến khi phát hiện, bệnh của bệnh nhân đã ở giai đoạn 3C, tức cuối giai đoạn 3.
Lúc này, khối u đã di căn tới nhiều hạch bạch huyết xung quanh nhưng chưa di căn vào gan và phổi. Bệnh nhân vô cùng sup sụp, thậm chí từ chối phẫu thuật dù tỷ lệ sống sót sau 5 năm khi điều trị bệnh này là 53%. Khoảng 2 tháng sau đó, với sự hỗ trợ của người nhà, bệnh nhân mới quay lại và đồng ý điều trị. Ca phẫu thuật cắt bỏ khối u và các hạch bạch huyết thành công nhưng do điều trị trễ nên có dấu hiệu di căn gan, cần điều trị bổ sung. Hiện tại bệnh nhân đang thực hiện hóa trị bổ trợ và có thể cần phẫu thuật lần 2".
Thông qua trường hợp này, ông nhắc nhở chúng ta dù ở độ tuổi nào cũng không nên chủ quan với táo bón kéo dài 3 tuần. Đây rất có thể là dấu hiệu ung thư trong khoang bụng, nhất là ung thư đường tiêu hóa. Đặc biệt là nếu táo bón đi kèm các biểu hiện như: đầy hơi, nhanh no, chán ăn, đau bụng dai dẳng, đổ mồ hôi đêm, hay sốt đêm, buồn nôn và nôn mửa, bụng to bất thường dù không tăng cân nhiều…
Nguồn và ảnh: Good Morning Health, Health 2.0