Đó là khẳng định của ông Nuno Cunha - chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) - khi trao đổi với báo chí về đề xuất nâng tuổi hưu của Bộ LĐTBXH với 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu.
Trước đề xuất này, ông Nuno Cunha cho rằng, ILO ủng hộ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu một cách từ từ. Theo đề xuất là mỗi năm tăng 3 tháng và bắt đầu tăng từ 2020, nghĩa là đến tận 2024 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 và đến tận 2028 mới nghỉ ở tuổi 57. Việc tăng tuổi nghỉ hưu như vậy cho phép người dân và nền kinh tế điều chỉnh theo.
Lý giải về quan điểm đồng tình với đề xuất tăng tuổi hưu này, đại diện của ILO cho rằng, nếu tuổi hưu không được điều chỉnh thì dẫn đến thách thức cho cả hệ thống an sinh xã hội.
Theo ông Nuno Cunha, nếu nhìn vào số liệu về tuổi thọ trung bình, đặc biệt là tuổi thọ của những người sống từ 60 trở lên, có thể thấy, ngày nay một phụ nữ Việt Nam đạt đến tuổi 60 thì có tuổi thọ trung bình đến 81.6%.
Như vậy, nếu nghỉ hưu ở tuổi 55, phụ nữ Việt Nam sẽ nhận lương hưu hơn 26 năm. Nếu người này bắt đầu tham gia lao động từ 25 tuổi, tối đa có thể đóng được 30 năm. Như vậy, đóng 30 năm để hưởng lương hưu 26 năm là điều không thể.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người lao động trực tiếp sản xuất tại Việt Nam đang phải làm việc rất vất vả, trong khi thu nhập còn rất thấp; nhiều người bị sa thải hoặc buộc phải nghỉ việc ở độ tuổi 35-40.
Trước tình trạng trên, trả lời câu hỏi nâng tuổi nghỉ hưu đối với những đối tượng này sẽ càng thêm khó khăn, khiến họ thiệt thòi thêm hay không, ông Nuno Cunha cho rằng, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay sẽ không có tác động gì với vấn đề nêu ở trên. Hệ thống hưu trí không hỗ trợ người này nhận lương hưu ở độ tuổi 35 và 40.
"Trong khi đó, đối tượng người lao động trực tiếp sẽ được hỗ trợ bằng bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp bị sa thải.
Tuy nhiên, về lâu dài cần cải thiện làm việc làm cho họ như điều kiện việc làm, nâng cao năng lực người lao động, thay đổi phương thức làm việc… Xã hội và nền kinh tế cần quan tâm đến việc sử dụng tiềm năng của từng con người theo cách thức tốt hơn. Rất cần phải đảm bảo điều kiện làm việc thích ứng với thể trạng của con người", ông Nuno Cunha nói.