Hậu Giang tăng trưởng kinh tế vượt bậc
Mới đây, Cục Thống kê tỉnh đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang năm 2023.
Kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang năm 2023 có bước phát triển khá so với cùng kỳ, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,27%, xếp thứ nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, đây là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh xếp thứ nhất vùng ĐBSCL và thứ hai cả nước (năm 2022 xếp thứ tư). Quy mô nền kinh tế đạt 58.505 tỷ đồng (theo giá hiện hành).
Các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,12%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng khá cao với mức tăng 28,32%; khu vực dịch vụ tăng 8,84% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,49%.
Đóng góp nhiều nhất trong tăng trưởng của tỉnh là khu vực công nghiệp, xây dựng với mức đóng góp 8,22 điểm phần trăm, trong đó ngành công nghiệp đóng góp cao nhất với mức 7,59 điểm phần trăm. Tiếp đến là khu vực dịch vụ với sự tăng trưởng mạnh của các ngành thương mại, dịch vụ ăn uống và một số dịch vụ khác đóng góp 3,22 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,79 điểm phần trăm.
Về cơ cấu kinh tế của tỉnh trong năm 2023 tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực giữa các khu vực so với cùng kỳ. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 21,95%, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 35,68%, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 34,37% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,01% (năm 2022 lần lượt là: 23,96%; 30,24%; 36,70%; 9,09%). GRDP bình quân đầu người cả năm 2023 ước đạt 80,33 triệu đồng/người/năm, tăng 14,13 triệu đồng/người so với năm 2022.
Nói về nguyên nhân tăng trưởng mạnh của tỉnh trong năm qua, ông Thiều Vĩnh An - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết, năm 2023, tỉnh đã tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư thông qua các sự kiện lớn, tập trung đông người được tổ chức như: Giải Marathon quốc tế "Vietcombank Mekong Delta", Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang… Vì vậy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đáng chú ý, năm 2022 và 2023, tăng trưởng của tỉnh Hậu Giang luôn đứng đầu khu vực ĐBSCL. "Nguyên nhân chủ yếu chúng ta có công nghiệp phát triển mạnh. Trong đó, có các dự án công nghiệp phát triển, đóng góp rất cao trong tăng trưởng của tỉnh làm cho tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt rất cao, trên 2 con số", ông An cho hay.
3 tuyến đường bộ cao tốc, 1 cảng cạn và 5 trung tâm logistics
Hậu Giang hiện nay là tỉnh ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long. Hậu Giang hiện có 7 đơn vị hành chính, gồm 5 huyện: Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành, Châu Thành A, 2 thị xã Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh. Trong 7 đơn vị hành chính gồm có 74 xã, phường, thị trấn.
Theo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu tổng quát đến năm 2023 Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sửđược bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủđộng thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Để thuận lợi cho mục tiêu phát triển đã đề ra, Hậu Giang đã lên phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải và logistics.
Theo đó, tỉnh xây dựng 3 tuyến đường bộ cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (CT.01); Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (CT.34); Tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (CT.35). Mở rộng, nâng cấp các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch được phê duyệt.
Cải tạo, nâng cấp 15 tuyến đường hiện hữu và xây dựng mới 6 tuyến đường tỉnh. Phát triển bến xe tại các huyện, thị xã, thành phố và Khu công nghiệp bảo đảm theo quy hoạch vùng huyện và quy hoạch đô thị...
Quy hoạch 3 tuyến vận tải thủy chính, 3 tuyến đường thủy nội địa và 2 cụm cảng do Trung ương quản lý. Quy hoạch 9 tuyến đường thủy nội địa và hệ thống cụm cảng nội địa do địa phương quản lý gồm: Cảng xăng, dầu; cảng phục vụ hoạt động một số nhà máy, khu công nghiệp; cảng phục vụ hàng hóa, hành khách. Quy mô xây dựng đáp ứng tàu trọng tải 500 tấn đến 2.000 tấn, tàu khách 250 ghế.
Xây mới 1 cảng cạn thuộc huyện Châu Thành, diện tích 5 ha, năng lực 50.000 Teu/năm. Xây mới 5 trung tâm Logistics gồm: Trung tâm logistics thành phố Ngã Bảy; Trung tâm logistics thành phố Vị Thanh; Trung tâm logistics huyện Châu Thành A; Dự án Colde Store Logistics Hậu Giang và Dự án Tổng kho phân phối MeKong.