Tăng trưởng GRDP lọt top 10 cả nước, lần đầu lọt nhóm "tỷ đô vốn FDI", tỉnh nghèo miền Trung sẽ được quy hoạch ra sao trong 5 năm tới?

Hoàng Nguyễn |

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều ngành, lĩnh vực, ước cả năm hoàn thành đạt và vượt 25/28 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tăng trưởng GRDP lọt top 10 cả nước, lần đầu lọt nhóm "tỷ đô vốn FDI", tỉnh nghèo miền Trung sẽ được quy hoạch ra sao trong 5 năm tới?- Ảnh 1.

Nghệ An vốn được biết đến là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người luôn nằm trong top dưới của cả nước. Dù có thu nhập bình quân đầu người thấp trong cả nước, nhưng thu nhập bình quân của tỉnh đã có sự cải thiện theo thời gian.

Cụ thể, năm 2016, thu nhập bình quân của tỉnh đạt 1,82 triệu đồng/người/năm, xếp thứ 54/63 địa phương. Đến năm 2021, thu nhập bình quân của tỉnh đạt 3,095 triệu đồng/người/năm, xếp thứ 45/63 địa phương. Nghệ An đã cải thiện thêm 12 bậc vào năm 2022 với mức thu nhập bình quân hơn 3,6 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghệ An là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo luôn nằm trong top 15 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo lớn nhất cả nước. Theo đó. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 13,5%, xếp thứ 12 trên tổng số 63 tỉnh, thành. Sang đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của Nghệ An giảm xuống còn 6,2%, xếp thứ 23/63 cả nước.

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều ngành, lĩnh vực, ước cả năm hoàn thành đạt và vượt 25/28 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trong đó, tăng trưởng kinh tế năm 2023 của tỉnh Nghệ An ước đạt 7,14%, là mức tăng trưởng đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 của cả nước. Trong mức tăng chung của toàn tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,54%, đóng góp 13,27% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,80%, đóng góp 30,15%; khu vực dịch vụ tăng 8,70%, đóng góp 52,07%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,65%, đóng góp 4,51%.

Năm 2023 có thể được xem dấu ấn của Nghệ An trong thu hút FDI. Theo đó, đầu tư FDI tiếp tục có những tín hiệu tích cực. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2023, tỉnh Nghệ An nằm trong tốp 10 địa phương thu hút (FDI) lớn nhất cả nước. Tính đến ngày 20/12/2023, thu hút được 19 dự án FDI và điều chỉnh vốn cho 11 dự án FDI; tổng số vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh là 1,6 tỷ USD. Các dự án FDI chủ yếu thu hút vào khu kinh tế Đông Nam với 14 dự án, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 1.292,1 triệu USD (vượt kế hoạch 158,4% kế hoạch).

Mới đây, tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến ăm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040.

Theo đó, trong khuôn khổ chương trình hội nghị, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án tại Khu Kinh tế Đông Nam với tổng mức đăng ký đầu tư đạt 390 triệu USD, tương đường 9.555 tỷ đồng.

Tăng trưởng GRDP lọt top 10 cả nước, lần đầu lọt nhóm "tỷ đô vốn FDI", tỉnh nghèo miền Trung sẽ được quy hoạch ra sao trong 5 năm tới?- Ảnh 2.

Nguồn: Cục Thống kê Nghệ An

Theo ông Nguyễn Tiến Chung, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH TERMO Việt Nam, xét về việc tỉnh Nghệ An hiện nay đang được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, có thể kể đến một số lý do. Đầu tiên, tỉnh Nghệ An hiện nay đã và đang được đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, được xem là không thua kém so với các khu vực phía Bắc, nơi tập trung đông đúc các nhà máy sản xuất.

Không chỉ vậy, cự ly và thời gian di chuyển giữa Hà Nội - Diễn Châu được rút ngắn bởi đường cao tốc sắp sửa được khánh thành vào đầu tháng 9. Các cảng biển như Nghi Sơn, Vũng Áng, Cửa Hội đang được đầu tư để trở thành các cảng giao thương chính tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Chung cho hay, nguồn lao động tại Nghệ An được đánh giá là có tiềm năng khai thác tốt, khi tỉnh Nghệ An và khu vực lân cận có tỷ lệ lao động rất cao, và còn được trải qua đào tạo bởi nhiều doanh nghiệp và nhà máy. Người Nghệ An hiện đang đi làm chủ yếu ở các tỉnh thành xa, số lượng doanh nghiệp lớn tại địa phương chưa nhiều, và cạnh tranh về lực lượng lao động cũng chưa cao.

Ngoài ra, chính sách 4 miễn, 9 giảm dành cho các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An cũng được xem là một lợi thế khi lựa chọn tỉnh Nghệ An làm điểm đến.

“Thị trường của tỉnh Nghệ An hiện nay, với sự thiếu sót về hệ thống nhà cung cấp đa dạng, được đánh giá tương đồng với thị trường Bắc Ninh của 10 năm trước. Tuy nhiên, với sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp hiện nay đang lựa chọn điểm đến là Nghệ An, thì không lâu nữa thị trường Nghệ An sẽ càng được phát triển hơn, và dự kiến sẽ trở nên sôi động và sầm uất như Bắc Ninh ở thời điểm hiện tại”, ông Chung nhấn mạnh.

Nghệ An sẽ được quy hoạch ra sao trong 5 năm tới?

Theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đặt mục tiêu trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ. Đồng thời là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thích ứng với biển đối khí hậu.

Theo đó, về kinh tế, Nghệ An đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10,5- 11,0%/năm. Trong cơ cấu GRDP tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 42,0 - 42,5%; dịch vụ chiếm 39,0 - 39,5%; nông, lâm, thủy sản chiếm 13,5 - 14,0% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,5 - 5,0%. GRDP bình quân đầu người năm 2030 khoảng 7.500 - 8.000 USD.

Bên cạnh đó, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 24% GRDP. Năng suất lao động tăng bình quân 10-11%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân khoảng 12%/năm. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 1.650 nghìn tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu này, Nghệ An đã đưa ra các đột phá phát triển gồm phát triển 2 khu vực động lực tăng trưởng, gồm thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng.

Hình thành và phát triển 04 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế ven biển gắn với trục Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; Hành lang kinh tế Quốc lộ 7A; Hành lang kinh tế Quốc lộ 48A; trong đó, phát triển hành lang kinh tế ven biển là trọng tâm.

Phát triển 5 ngành, lĩnh vực trụ cột gồm: Phát triển công nghiệp, trọng điểm là công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; Phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao; Phát triển du lịch dựa trên 3 loại hình chính gồm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và thể thao biển và du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.

Tập trung đầu tư 6 trung tâm đô thị: đô thị Vinh mở rộng, đô thị Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu), đô thị Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn), đô thị Diễn Châu, đô thị Đô Lương, đô thị Con Cuông.

Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 40 - 45 đô thị, gồm 01 đô thị loại I (thành phố Vinh mở rộng), 02 đô thị loại III (thành phố Hoàng Mai và thành phố Thái Hòa), 02 đô thị loại IV/III (thị xã Diễn Châu và thị xã Đô Lương), 15 thị trấn huyện lỵ và 20 - 25 thị trấn tiểu vùng thuộc huyện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại