Mới đây, trong khuôn khổ thực hiện Chương trình Phiên họp thứ 27, sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Theo Tờ trình Báo cáo tóm tắt Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 68/2022/QH15. Trong đó, dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.
Về tăng trưởng kinh tế, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh khó khăn nhưng với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã rà soát lại các phương án dự báo đạt khoảng 5% trong năm nay, và cho rằng tuy không đạt nhưng so với tình hình chung của thế giới, đây là kết quả rất đáng khích lệ và trân trọng. Và Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu, vì tinh thần chung của Chính phủ quyết tâm thực hiện cao nhất mục tiêu của năm nay và đang tập trung chỉ đạo thực hiện.
Trước đó, tại buổi công bố Báo cáo triển vọng Phát triển Châu Á (Cập nhật tháng 9/2023) của ngân hàng ADB, các chuyên gia đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6,0% trong năm 2024, so với dự báo hồi tháng 4 năm 2023 lần lượt là 6,5% và 6,8%, chủ yếu do nhu cầu bên ngoài suy yếu.
Nguồn: ADB
Đối với từng quốc gia cụ thể trong khu vực Đông Nam Á, so với báo cáo hồi tháng 4/2023, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam; tăng dự báo cho 3 quốc gia. Riêng Myanmar được ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng ở mức 2,8%.
Mặc dù dự báo tăng trưởng của Việt Nam có sự điều chỉnh giảm so với hồi tháng 4/2023, nhưng mức tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam vẫn đứng đầu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Còn theo ngân hàng UOB, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã vững chắc hơn trong Quý 3/2023 nhưng kết quả tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm vẫn ảnh hưởng đáng kể. Do đó, các chuyên gia UOB dự báo tăng trưởng cả năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 5,0%, với giả định tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý 4/2023 sẽ tăng thêm 7% so với cùng kỳ.
Quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức quốc tế dự báo ra sao?
Đối với quy mô nền kinh tế, theo số liệu dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2023, quy mô GDP của khu vực Đông Nam Á nói chung theo giá hiện hành sẽ đạt khoảng 3,86 nghìn tỷ USD.
Trong đó, Indonesia dẫn đầu khu vực với quy mô GDP ước đạt khoảng 1,42 tỷ USD. Xếp thứ hai là Thái Lan với quy mô GDP năm 2023 được dự báo ở mức 512,19 tỷ USD. Theo sau lần lượt là Singapore và Philippines, với quy mô GDP theo giá hiện hành lần lượt là 497,35 tỷ USD và 435,68 tỷ USD.
Nguồn: IMF
Đối với Việt Nam, IMF dự báo, quy mô GDP của Việt Nam năm 2023 ước đạt khoảng 433,3 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực. Với mức dự báo này, quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2023 sẽ xếp trên Malaysia (433,35 tỷ USD), Myanmar (74,86 tỷ USD), Campuchia (30,9 tỷ USD), Brunei (15,1 tỷ USD), Lào (14,2 tỷ USD) và Đông Timor (2 tỷ USD)
Sang năm 2024, quy mô GDP của Việt Nam được dự báo đạt khoảng 469,67 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực, sau các quốc gia như Indonesia (1,54 nghìn tỷ USD), Thái Lan (543,35 tỷ USD), Singapore (520,97 tỷ USD) và Philippines (475,94 tỷ USD).