Đánh giá về công tác huấn luyện kỹ thuật (HLKT) của đơn vị, Đại tá Nguyễn Văn Tính, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn tên lửa bờ 679, người đã gắn bó với đơn vị hơn 30 năm cho biết: Những năm gần đây đã có những bước đột phá, đổi mới cả về nội dung, phương pháp và cơ sở vật chất bảo đảm huấn luyện; đã giải quyết được các tồn tại trong huấn luyện trước đây như: người học thụ động trong học tập, nghiên cứu; học chưa đi đôi với hành…
Hiện nay, Lữ đoàn đã tạo ra được một phong trào học tập, nghiên cứu sôi nổi và có chiều sâu cho các đối tượng, nhất là cán bộ, nhân viên kỹ thuật (CB, NVKT) - đây là lực lượng nòng cốt quyết định chất lượng sức mạnh của vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT).
Xuất phát từ quan điểm coi con người là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả của mọi công việc nên Đảng ủy và chỉ huy đơn vị đã chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện công tác kỹ thuật.
Do tính chất đặc thù của đơn vị tên lửa, các hoạt động của cán bộ, chiến sĩ luôn phải đối mặt với nguy cơ về mất an toàn.
Vì vậy, cách làm của Lữ đoàn là nêu rõ đặc điểm trên để cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ vai trò của công tác HLKT và thấy rõ chỉ có huấn luyện nghiêm túc, cơ bản, nắm vững nguyên tắc, làm chủ khí tài mới giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Các cấp còn phải nghiêm túc chỉ ra những nguyên nhân, hậu quả của tình trạng huấn luyện "chay", bệnh thành tích, huấn luyện thiếu cơ bản… Đồng thời, có biện pháp khắc phục triệt để các biểu hiện ấy thì công tác HLKT mới đi vào thực chất, đáp ứng đòi hỏi của thực tế chiến đấu.
Thượng tá Nguyễn Hữu Tuynh, Phó Lữ đoàn trưởng chia sẻ: Hằng năm, đơn vị đều rà soát, lập kế hoạch và tổ chức HLKT theo hướng đồng bộ chuyên sâu, sát nhiệm vụ, phù hợp với tổ chức biên chế VKTBKT hiện có.
Trong đó, tập trung vào huấn luyện khai thác làm chủ bộ khí tài, đi sâu nguyên lý hoạt động của VKTBKT; kỹ năng sử dụng, phương pháp, kinh nghiệm kiểm tra phán đoán hư hỏng và cách tổ chức sửa chữa khắc phục các cụm, khối chi tiết… hư hỏng.
Kiểm tra mô hình học cụ trước khi vào huấn luyện kỹ thuật
Đối với giáo trình huấn luyện, để chống nhàm chán, thụ động trong học tập đồng thời kích thích tư duy gợi mở, sáng tạo thì bên cạnh huấn luyện theo phương pháp truyền thống, Lữ đoàn đã cải tiến phương pháp dạy học và ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào công tác huấn luyện như: đầu tư xây dựng các giáo án điện tử, chế tạo nhiều market và viết các chương trình mô phỏng nguyên lý hoạt động của VKTBKT gồm: quỹ đạo bay của tên lửa, hoạt động của mạch phóng tên lửa trong các chế độ bắn, hoạt động của động cơ hành trình, thiết bị tự dẫn, tự lái…
Song song với đó, các phòng huấn luyện theo chuyên ngành được đầu tư đầy đủ sơ đồ, tranh vẽ và trưng bày các chi tiết, cụm khối máy hỏng đã được cắt, bổ ra làm mô hình học tập. Điều này giúp người học có cái nhìn, tư duy trực quan, sinh động hơn; huấn luyện lý thuyết sát với thực tế hơn.
Ngoài huấn luyện chuyên môn theo nội dung, chương trình kế hoạch đã phê duyệt, ngành kỹ thuật Lữ đoàn còn rà soát, nghiên cứu các nội dung còn yếu, còn thiếu, các nội dung cấp thiết xuất phát từ quá trình vận hành, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa VKTBKT nhằm làm cơ sở giao, đặt đề tài tự học, tự nghiên cứu cho đội ngũ CB, NVKT, trong đó tập trung vào sĩ quan cấp phân đội (ngành).
Thượng úy Hoàng Đình Đoàn, Đội Hỏa lực nói: Có thể nói đây là một nội dung huấn luyện có tính tương tác rất cao. Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và vận hành các cá nhân sẽ dần tích lũy được kiến thức.
Cách làm này còn khơi dậy được sự sáng tạo trong đội ngũ CB, NVKT. Từ cấp lữ đoàn, nhiều sáng kiến, đề tài hay, có tính mới và thực tiễn cao đã được phát triển lên cấp quân chủng rồi cấp cao hơn.
Một điểm nổi bật nữa trong công tác huấn luyện ở Lữ đoàn 679, để tăng tính thực tế, tích lũy kinh nghiệm cho người học, đơn vị kết hợp nhuần nhuyễn giữa công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa VKTBKT với công tác HLKT và coi công tác HLKT là một nội dung mở.
Vì thế, mỗi khi các nhà máy, học viện đến sửa chữa, nâng cấp vũ khí, khí tài của đơn vị, Lữ đoàn luôn cắt cử CB, NVKT theo dõi, giám sát và trao đổi học tập.
Qua đó, cán bộ, nhân viên đơn vị được tiếp nhận, bổ sung, cập nhật kiến thức kỹ thuật mới, đảm bảo cho việc tiếp cận và làm chủ chuyên sâu VKTBKT. Đây là một phương pháp huấn luyện đơn giản, giảm chi phí nhưng rất hiệu quả.
Bên cạnh đó, Lữ đoàn cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, sơ kết huấn luyện và mở lớp hoặc tạo điều kiện cho CB, NVKT học tập nâng cao kiến thức tin học, ngoại ngữ.
Những kết quả trong HLKT thời gian qua tại Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân ngày càng khẳng định hướng đi đúng và là cơ sở quan trọng để cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn tiếp tục nỗ lực phấn đấu nâng cao trình độ làm chủ VKTBKT hiện có và sẵn sàng tiếp cận làm chủ VKTBKT mới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.