Tăng thuế sốc, ngân sách có thêm 70.000 tỉ nhưng...

Chân Luận |

Liệu việc đánh thuế ở mức 10% đối với nước ngọt sẽ làm giảm hoặc làm chậm tốc độ tăng tỉ lệ béo phì ở Việt Nam là bao nhiêu?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn chính thức gửi Bộ Tài chính nêu nhiều quan điểm đáng suy nghĩ về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung năm luật thuế: Giá trị gia tăng (VAT), tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp (DN), cá nhân và thuế tài nguyên. Trong đó nhiều sắc thuế được đề xuất tăng cao.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nói: “Còn rất nhiều vấn đề cần được làm rõ, nhất là tác động của dự luật này đối với xã hội.

Chẳng hạn việc điều chỉnh chính sách thuế này sẽ tác động như thế nào đến ngân sách, làm tăng, giảm nguồn thu như thế nào. Tác động cụ thể như thế nào đến người có thu nhập thấp...”.

Gây ra nhiều hệ lụy

. Phóng viên: Như ông biết, điều mà công luận quan tâm nhất có lẽ là thuế VAT được đề xuất tăng lên 12%.

Tăng thuế sốc, ngân sách có thêm 70.000 tỉ nhưng... - Ảnh 1.

+ Ông Đậu Anh Tuấn: Đây là một sự thay đổi chính sách rất lớn, tuy nhiên lại chưa được đánh giá một cách đầy đủ ngoài tác động tăng thu ngân sách. Nhiều chuyên gia đã nói VAT là loại thuế lũy thoái đánh vào tiêu dùng.

Mặc dù tăng cùng một mức thuế suất nhưng người có thu nhập thấp lại chịu tác động lớn hơn do tỉ lệ chi tiêu cho tiêu dùng trên tổng thu nhập của người có thu nhập thấp cao hơn người có thu nhập cao.

Như vậy, xét về tác động xã hội, việc tăng thuế VAT có thể làm tăng khoảng cách giàu nghèo, gây khó khăn hơn cho các hoạt động xóa đói giảm nghèo và có thể kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác.

Đối với DN, tăng VAT vừa tạo ra chi phí đẩy, vừa giảm sức cầu của nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu vĩ mô mà Chính phủ đề ra.

. Có nghĩa là nếu tăng VAT thì sẽ có những tác động tiêu cực?

+ Nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu suy giảm và tăng VAT sẽ khiến thực trạng này trầm trọng hơn. Mặt khác, các DN trong nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Khi các DN bị ảnh hưởng thì rõ ràng năng lực tạo việc làm cho nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng theo. Cuối cùng, VAT khi tăng lên cũng sẽ tác động tới lạm phát dù Bộ Tài chính có tính toán và cho là không lớn.

Tăng thuế sốc, ngân sách có thêm 70.000 tỉ nhưng... - Ảnh 2.

Theo cách đánh thuế đề xuất của Bộ Tài chính, có thể ảnh hưởng cả những doanh nghiệp, nông dân trong các ngành cà phê, chè, trái cây, thậm chí cả sữa…Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo tính toán của các chuyên gia, việc tăng thuế và số tiền thu được tăng thêm khoảng 70.000 tỉ đồng được giữ lại trong ngân sách, không làm tăng chi ngân sách thì mức tăng chỉ số giá tiêu dùng như thế là phù hợp.

Tuy nhiên, chúng ta chú ý rằng: Nhà nước không thể thu thêm thuế rồi để đó mà sẽ sử dụng tiền thuế này để chi tiêu công. Việc Nhà nước sử dụng những đồng tiền thuế này chi tiêu như thế nào có thể sẽ kéo theo lạm phát.

Bởi vậy, VCCI đã đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc đối với thuế VAT.

DN trong nước thiệt thòi

Luật Thuế VAT hiện hành vẫn quy định rất nhiều loại hàng hóa là đối tượng không chịu thuế VAT như sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến; giống vật nuôi, giống cây trồng…

Việc không được coi là đối tượng chịu thuế khiến những DN trong nước sản xuất loại hàng hóa này để tiêu dùng trong nước không được khấu trừ và hoàn thuế VAT đầu vào.

Quy định này khiến các DN trong các lĩnh vực trên gặp rất nhiều thiệt thòi, đặc biệt là những mặt hàng có sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu.

Do hàng nhập khẩu được hưởng thuế suất 0% ở nước xuất khẩu và không chịu thuế VAT tại Việt Nam nên có lợi thế về thuế hơn so với sản phẩm sản xuất trong nước.

Vô hình trung quy định này khuyến khích nhập khẩu, đi ngược lại chính sách khuyến khích sản xuất trong nước.

Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Phải làm rõ tăng thuế để giảm béo phì

. Như ông biết, các DN trong ngành sữa, nước ngọt rất quan tâm tới đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước ngọt để chống béo phì. Ông nghĩ sao?

+ Mục tiêu cho sắc thuế này là để bảo vệ sức khỏe nhân dân do tác hại của tình trạng thừa cân, béo phì. Đây là một mục tiêu hợp lý, vì sức khỏe cộng đồng, lợi ích công cộng.

Tuy nhiên, liệu việc đánh thuế ở mức 10% đối với nước ngọt sẽ làm giảm hoặc làm chậm tốc độ tăng tỉ lệ béo phì ở Việt Nam là bao nhiêu? Vấn đề này chưa được làm rõ dù đó là yếu tố quan trọng nhất để cân nhắc về hiệu quả của chính sách thuế.

Thêm nữa, những tác động tiêu cực đối với khả năng tiêu dùng của các gia đình tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tác động tiêu cực đến các DN và người nông dân trong một số lĩnh vực nông nghiệp cũng chưa được tính đến.

. Và đúng là có cả lo ngại sắc thuế này sẽ ảnh hưởng tới ngành mía đường?

+ Ý kiến của nhiều DN khẳng định điều này. Theo cách đánh thuế đề xuất của Bộ Tài chính, không chỉ các DN sản xuất nước giải khát, các DN mía đường, nông dân trồng mía chịu ảnh hưởng, mà có thể ảnh hưởng cả những DN, nông dân trong các ngành cà phê, chè, trái cây, thậm chí cả sữa…

Bởi mặc dù sản phẩm sữa không bị đánh thuế nhưng nếu đánh thuế cà phê sữa, trà sữa, sữa trái cây thì có.

Tăng thuế sốc, ngân sách có thêm 70.000 tỉ nhưng... - Ảnh 4.

Việc tăng thuế VAT có thể làm tăng khoảng cách giàu nghèo, gây khó khăn hơn cho các hoạt động xóa đói giảm nghèo và có thể kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác.

.Vậy về sắc thuế này, VCCI có quan điểm thế nào?

+ Chúng tôi đã đề xuất ban soạn thảo chưa đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại Việt Nam.

Nếu sau khi nghiên cứu và kết luận rằng đánh thuế có tác dụng hiệu quả để hạn chế béo phì thì cũng chỉ nên đánh thuế đối với nước ngọt có hàm lượng đường cao, vượt quá ngưỡng nhất định, tương tự như cách làm của Singapore.

Phương pháp này vừa giúp tránh đánh thuế đối với một số sản phẩm có hàm lượng đường tự nhiên mà nhà sản xuất không thể tách ra được, vừa đúng với mục đích đánh thuế vì nếu hàm lượng đường thấp thì không thể là nguyên nhân gây béo phì.

. Xin cám ơn ông.

Coi chừng "tránh thuế hợp pháp"Liên quan tới quyết toán thuế thu nhập cá nhân, VCCI cho rằng nếu bỏ quyết toán thuế, hoàn thuế hay nộp thêm thuế thu nhập cá nhân... có thể ảnh hưởng đến tính lũy tiến của loại thuế này.

Qua đó gây ra tình trạng "tránh thuế hợp pháp", làm lợi cho những cá nhân có thu nhập rất cao hoặc vãng lai, mà ảnh hưởng đến người thu nhập thấp.Các DN cũng có thể lợi dụng chính sách này để "tránh thuế".

Đơn cử, để giảm số thuế phải nộp cho người lao động có thu nhập cao, một DN có thể tách thành nhiều DN, ký nhiều hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thuê khoán (thu nhập vãng lai).

Cách làm này sẽ dễ dàng giảm đáng kể số thuế phải nộp cho những cá nhân thu nhập cao và không phản ánh đúng bản chất lũy tiến của loại thuế này.

Do đó, VCCI đề xuất nên áp dụng phương án quy định ngưỡng hoàn thuế hay nộp thêm từ 300.000 đồng trở xuống thì không cần quyết toán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại