Xe tăng Armenia xung trận như lao vào chỗ chết?
Mỗi một cuộc xung đột quân sự và gần như, mỗi một trận chiến, dù luôn có gì đó khác so với những lần trước, nhưng vẫn có một điều gì đó đặc trưng và nó cần phải được nghiên cứu một cách cẩn trọng.
Cuộc xung đột tại Nagorny Karabakh xảy ra cách đây không lâu cũng không nằm ngoài nguyên tắc này. Chuyên gia quân sự độc lập Alexei Khlopotov chia sẻ một số đánh giá của mình với trang tin điện tử “Vestnik Mordovy”.
Trong luồng thông tin xuất hiện đầy rẫy trên mặt báo, ít ai quan tâm tới các đặc điểm của cuộc xung đột này về mặt chiến thuật. Ví dụ, phía Armenia thiệt hại rất nhiều xe tăng trong một thời gian ngắn.
Nguyên nhân của vấn đề này nằm ở đâu?
Trước tiên, đó là do Quân đội của nước cộng hoà tự xưng Nagorny Karabakh đã đẩy ra tuyến đầu các xe tăng lỗi thời T-72A được sản xuất từ cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước.
Những xe tăng này đã được sử dụng 30 năm hoặc hơn. Trong khi đó, chúng hoàn toàn không có khả năng phòng vệ trước các loại vũ khí chính xác cao do không được trang bị hệ thống bảo vệ kiên cố.
Azerbaizan đã tiến hành nâng cấp các xe tăng T-72 “Aslan”.
Phía Azerbaizan đã tiến hành nâng cấp các xe tăng T-72 “Aslan” để chúng có thể chống lại được súng phóng lựu chống tăng hoặc vũ khí chống tăng hạng nhẹ khác. Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng.
Điều quan trọng đó là phía Azerbaizan trong cuộc xung đột này đã sử dụng rất phổ biến tổ hợp tên lửa chống tăng Spike NLOS do Isarel sản xuất - một trong những tổ hợp chống tăng hiện đại và mạnh nhất hiện nay.
Các xe tăng của Armenia không có bất cứ cơ hội nào để thoát khỏi sự huỷ diệt chúng.
Và hiện nay, phần lớn các xe tăng của Nga cũng gặp phải vấn đề tương tự. Có lẽ, nhiều khả năng, duy nhất chỉ “Armata” có khả năng chống chọi được Spike. Vậy những xe còn lại như tăng T-90 và T72 sẽ phải làm gì? Chả nhẽ cứ xung trận như lao vào chỗ chết?
Trên thực tế, có liều thuốc kháng bệnh. Đó là lắp đặt trên các xe tăng này tổ hợp phòng vệ chủ động. Chính hệ thống “Afganit” trên xe tăng “Armata” có thể được lắp đặt trên cả các xe tăng thế hệ trước.
Hệ thống này không gây bất cứ ảnh hưởng nào và chi phí cho nó cũng không quá cao.
Thứ hai, theo quan điểm của chuyên gia Khlopotov, phương án hợp lý và hiệu quả đó là nhanh chóng chế tạo và ứng dụng cái gọi là “các tổ hợp phòng vệ nhóm của các đơn vị xe tăng”.
Ý tưởng này đã được đưa ra từ cách đây 10 năm và được đề cập trong khuôn khổ hội thảo “Bảo vệ và an ninh” do Học viện Khoa học Tên lửa - Pháo binh Nga tổ chức.
Các tác giả của ý tưởng này là những chuyên gia trong lĩnh vực xe tăng thuộc Viện Nghiên cứu Transmash và các nhà thiết kế của Phòng Thiết kế chế tạo cơ giới Ural – chính những người đã tạo nên các kiệt tác như T-90, xe hỗ trợ hoả lực và “Armata”.
Xe tăng Armata thế hệ mới của Nga. Ảnh: BBC.
Ý tưởng hệ thống phòng vệ nhóm - đơn lẻ - đó là phân bổ toàn bộ các thiết bị của một nhóm xe tăng ra thành 2 tổ hợp liên quan và bổ trợ cho nhau:
- Tổ hợp phòng vệ nhóm (CGZ) được lắp đặt trên một hệ thống riêng biệt bao gồm hệ thống trinh sát các mối đe doạ tấn công vào mục tiêu phòng vệ, tổ hợp các thiết bị phòng vệ và hệ thống thông tin-điều khiển (IUS) với tiểu hệ thống liên lạc và định vị vệ tinh;
- Tổ hợp phòng vệ đơn lẻ (CIZ) được lắp đặt trên từng xe tăng cần phòng vệ và trên hệ thống của tổ hợp phòng vệ nhóm (CGZ).
Nó bao gồm bộ các thiết bị để giảm khả năng bị phát hiện, thiết bị đối phó bằng quang học và sóng điện tử và các hộp trao đổi thông tin với hệ thống điều khiển CGZ.
Trong đó, hệ thống IUS của CGZ sẽ đóng vai trò chủ đạo để tổ chức phòng vệ như:
- Tích hợp các luồng thông tin tiếp nhận từ hệ thống CIZ của các xe tăng cần phòng vệ và những nguồn thông tin từ bên ngoài (hệ thống phòng không trong khu vực, các trạm quan sát…);
- Tiến hành trao đổi thông tin với IUS ở cấp độ cao hơn và với các thiết bị hoả lực đối phó (các tổ hợp pháo-tên lửa phòng không tầm ngắn…), cũng như lựa chọn phương án phòng vệ hợp lý nhất.
Giả thiết rằng CGZ phải phát hiện đúng lúc và phân tích những mối hiểm hoạ, đưa ra mệnh lệnh cho các thiết bị đối phó đơn lẻ cũng như của chính mình mà được lắp đặt trên hệ thống CGZ.
Các chuyên gia chế tạo xe tăng cho rằng, để đảm bảo được khả năng sinh tồn của các mục tiêu được phòng vệ thì chỉ cần tác động khiến cho vũ khí tấn công (đạn có điều khiển từ xa hoặc tên lửa) bị lệch tầm ngắm ra bên ngoài của vỏ xe tăng.
Các hệ thống vũ khí, trang bị trên tháp pháo xe tăng T-14 Armata.
Tuy nhiên, các chuyên gia điện tử đã tiến xa hơn trong lĩnh vực này.
Nhà máy Nghiên cứu - chế tạo “Radar-mms” phối hợp với Học viện Quân sự cao cấp về sóng điện tử Saint Peterburg đã đề xuất và tiến hành nghiên cứu sơ bộ việc sử dụng thiết bị xung vi sóng siêu ngắn nhưng cực mạnh dành cho hệ thống phòng vệ nhóm xe tăng.
Thông thường các hệ thống vũ khí chính xác cao được tích hợp bởi những tổ hợp thiết bị điện tử khá phức tạp nhằm thực hiện các nhiệm vụ đặt ra. Thiết bị càng phức tạp thì càng dễ bị trấn áp và không phát huy được chức năng của nó.
Khi bị xung động thì cả hai khả năng trên có thể xảy ra. Về mặt hình thể, nó sẽ gây ra sự phá huỷ các chi tiết bán dẫn, phá huỷ hoàn toàn bộ vi xử lý và mọi chi tiết điện tử.
Nếu có các bộ phận dẫn điện, dây điện, ăng ten, thiết bị radar, thiết bị quang học và các thiết bị khác thì có thể sẽ gây ra hỏng hóc hoàn toàn.
Khi có dòng điện khép kín vòng tròn thì sẽ xảy ra hiệu ứng nhiệt dẫn tới những hỏng hóc không thể tránh khỏi đối với hệ thống bên trong, hỏng hóc các bộ phận chiến đấu, bình xăng của xe tăng.
Để giải quyết những nhiệm vụ đặt ra liên quan tới những vấn đề nêu trên, đã tiến hành công tác nghiên cứu và chế tạo thử nghiệm hệ thống “Solaris”.
Mục đích chính đó là chế tạo và thử nghiệm mẫu thiết bị quản lý nguồn bức xạ siêu mạnh để trấn áp chức năng của hệ thống sóng điện tử, bao gồm cả máy tính, hệ thống đo xa, hệ thống điện và điện tử đánh lửa động cơ đốt trong, hệ thống và tổ hợp điện tử.
Kết quả của nghiên cứu khoa học này đã chế tạo thiết bị mẫu được thử nghiệm trên thao trường và chứng tỏ được khả năng sử dụng nó cho những tổ hợp cần thiết trên thực tế.
So sánh kích thước của xe tăng T-14 Armata với T-90A.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, vì những lý do nào đó mà dự án này vẫn chưa được tiếp tục triển khai.
Chính việc chế tạo và lắp đặt thiết bị này trong các tổ hợp phòng vệ nhóm có thể trở thành một sự đột phá trong lĩnh vực bảo vệ các xe bọc thép trước những cuộc tấn công của vũ khí chính xác cao.
Ông Khlopotov cho rằng cần phải tiếp tục triển khai nhanh công tác chế tạo tổ hợp phòng vệ nhóm có trang bị thiết bị phát vi sóng.
Xe tăng “Armata” hoàn toàn phù hợp để trang bị tổ hợp kiểu này. Việc lắp đặt tổ hợp bảo vệ nhóm trên xe tăng “Armata” sẽ giúp hợp nhất được toàn bộ các xe thiết giáp trong tương lai.
Còn nếu nói về hiện tại, thì tổ hợp này có thể được lắp đặt tối ưu nhất trên những xe tăng T-90 do Nhà máy “Uraltranmash” chế tạo.
Hi vọng rằng Bộ Quốc phòng Nga sẽ quan tâm tới những vấn đề được phát hiện trong cuộc xung đột ngắn ngủi diễn ra tại Karabakh, và giúp cho các công trình nghiên cứu quân sự đi đúng hướng cần thiết.