Tăng quân tới Afghanistan, ông Trump vừa trao cho Nga một món quà lớn?

An Sơn |

Moskva muốn tránh phải trực tiếp tiến hành can thiệp quân sự vào Afghanistan - theo đánh giá của tác giả Samuel Ramani, từ Đại học Oxford, Anh, trên tạp chí The Diplomat.

Quân Mỹ ở Afghanistan phù hợp lợi ích Nga

Đặc phái viên của Tổng thống Nga ở Afghanistan, ông Zamir Kabulov hôm 15/8 đã hối thúc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và chấm dứt chiến dịch quân sự kéo dài 16 năm nhằm ổn định tình hình ở nước này. 

Sự chỉ trích Mỹ kịch liệt của Kabulov được các lãnh đạo ở Thượng viện Nga ủng hộ mạnh mẽ, điển hình là Thượng nghị sĩ Alexey Pushkov, người đã khẳng định rằng Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến ở Afghanistan bởi vì sự khinh suất trong sử dụng lực lượng của Tổng thống Geroge W. Bush và sự bất lực của Tổng thống Obama trong việc kết thúc cuộc chiến vào một thời điểm thích hợp.

Mặc dù các quan chức Nga chỉ trích sự hiện diện quân đội Mỹ tại Afghanistan, nhưng nếu đánh giá kỹ chiến lược Afghanistan của Nga thì lại thấy rằng lợi ích chiến lược của nước này chỉ được bảo đảm khi quân đội Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Afghanistan. 

Điều này trái ngược với những tuyên bố của Kabulov, nhưng ông thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với hãng Interfax hồi tháng 1/2017 rằng vẫn phải chấp nhận cục diện địa chính trị này, bởi "mọi thứ sẽ sụp đổ" ở Afghanistan nếu như Mỹ rút quân khỏi khu vực chiến sự.

Minh chứng thêm cho khẳng định của quan chức người Nga, quyết định mở rộng chiến dịch ở Afghanistan, được Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mới đây, rõ ràng đã hỗ trợ cho những nỗ lực của Nga nhằm ổn định tình hình đất nước trên hai phương diện quan trọng. 

Thứ nhất, quyết định duy trì sự hiện diện quân sự Mỹ cho phép Nga chi phối đến tình hình an ninh ở Afghanistan thông qua việc gây áp lực ngoại giao lên Washington, điều này được cho là an toàn hơn việc trực tiếp sử dụng hành động quân sự. 

Thứ hai, giới chức Moskva tin rằng sự mở rộng hiện diện quân sự Mỹ ở Afghanistan sẽ ngăn cản lực lượng Taliban mở rộng lãnh thổ, buộc nhóm này "chịu ảnh hưởng" của Nga trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở Afghanistan.

Tăng quân tới Afghanistan, ông Trump vừa trao cho Nga một món quà lớn? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump tuyên bố chiến lược về Afghanistan của chính quyền ông trong bài phát biểu tại Virginia ngày 21/8 (Ảnh: Joshua Roberts / Reuters)

Sức ép ngoại giao của Nga lên quân đội Mỹ

Quyết định điều thêm một số lượng chưa xác định quân đội Mỹ đến Afghanistan của chính quyền ông Trump phù hợp với lợi ích của Nga, khi nước này đảm bảo được rằng các chiến dịch chống khủng bố được triển khai một cách hiệu quả kể cả khi không có sự tham chiến của quân đội Nga. 

Mặc dù Nga đã hạn chế can dự vào tình hình Afghanistan bằng chính sách ngoại giao đa phương, đồng thời bán vũ khí cho các phe phái chính trị khác nhau trong khu vực, các nhà hoạch định chính sách của điện Kremlin hiện vẫn xem xét tính hiệu quả của sự can thiệp quân sự vào Afghanistan.

Các bài phát biểu công khai cho thấy các quan chức cấp cao của Nga và các nước Trung Á đang cân nhắc khả năng Nga can thiệp quân sự vào Afghanistan. 

Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambaev hôm 28/6 đề nghị Nga thiết lập một căn cứ quân sự mới để bảo vệ nước này khỏi mối đe dọa ngày càng gia tăng của phiến quân Taliban tại Afghanistan. 

Những quan ngại này dường như đồng điệu với quan điểm của Zamir Kabulov rằng sự mở rộng tầm ảnh hưởng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan gần đây có thể buộc Nga phải điều động quân đội đến quốc gia này.

Nhân tố đóng vai trò quan trọng trong chiến lược gây áp lực gián tiếp của Nga ở Afghanistan đó là phải thể hiện được rằng Moskva có khả năng triển khai lực lượng đối đầu hoặc đáp trả quân sự nếu chiến lược Afghanistan của Mỹ thất bại và không bảo đảm được lợi ích an ninh của Nga tại đây.

Mục tiêu không để xảy ra tình trạng chiến tranh ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga ở Afghanistan của chính quyền Trump buộc quân đội Mỹ phải chú ý hơn đến việc bảo đảm lợi ích của Nga tại Afghanistan trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này.

Chiến lược cân bằng của Nga ở Nam Á

Quyết tâm của Mỹ trong việc đẩy lùi sự bành trướng lãnh thổ của Taliban cũng phù hợp với lợi ích của Nga, mặc dù Nga gần đây đã tăng cường thúc đẩy hợp tác quân sự và ngoại giao với tổ chức này.

Ngăn chặn sự mở rộng lãnh thổ của Taliban có thể sẽ đáp ứng lợi ích chiến lược của Moskva, bởi lẽ việc bị đánh bại hoặc "dậm chân tại chỗ" trên chiến trường sẽ buộc các chỉ huy Taliban chấp nhận đề nghị của Nga trong giải quyết cuộc khủng hoảng Afghanistan.

Tăng quân tới Afghanistan, ông Trump vừa trao cho Nga một món quà lớn? - Ảnh 2.

Quân đội chính phủ Afghanistan tại tỉnh Jowzjan, miền Bắc Afghanistan. Một khu vực trong tỉnh đã bị Taliban chiếm được hôm 21/8 (Ảnh: Mohammad Jan Aria/Xinhua)

Việc Mỹ gây thêm sức ép lên Pakistan để buộc nước này ngừng liên kết với Taliban có thể giúp duy trì chiến lược cân bằng của Nga ở khu vực Nam Á. Bởi lẽ Ấn Độ vốn xem Taliban như một công cụ biểu hiện sức mạnh của Pakistan ở Afghanistan, do đó New Delhi có thể tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế với Kabul để ngăn Taliban có được các chiến thắng về quân sự.

Trong trường hợp chính sách của ông Trump với Pakistan không hiệu quả, Nga có lẽ sẽ buộc phải giữ khoảng cách chừng mực trong quan hệ với Islamabad để đảm bảo cam kết là đối tác an ninh tin cậy với Ấn Độ. 

Viễn cảnh này có lẽ sẽ gây tổn hại cho an ninh của Nga, khi mà Pakistan duy trì quan hệ gần gũi với các nhóm cực đoan dòng Sunni ở Chechnya (Nga) và có thể trả đũa Nga nếu quan hệ song phương căng thẳng vì vấn đề Afghanistan. 

Trái lại, nếu chiến lược của Trump thành công và hợp tác an ninh Mỹ-Pakistan được tăng cường, Nga sẽ có thể ngăn ngừa được một cuộc xung đột ngoại giao tiềm tàng với Pakistan.

Mặc dù điện Kremlin thường xuyên chỉ trích Washington trong cuộc khủng hoảng ở Afghanistan, đồng thời hối thúc Mỹ rút quân, nhưng nếu đánh giá kỹ lợi ích chiến lược của Nga ở Afghanistan sẽ thấy được rằng chiến lược Afghanistan mới của Mỹ có thể giúp củng cố vị thế của Nga như một "kẻ cầm trịch" ở Afghanistan. 

Do đó, các quan chức Nga có thể miễn cưỡng chấp nhận quyết định duy trì và mở rộng sự hiện diện quân sự Mỹ ở Afghanistan của Washington nhằm "kiểm soát" một tương lai có thể đoán trước được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại