Tăng cường trừng phạt Nga, Mỹ và phương Tây vẫn "âm thầm" bỏ qua một số lĩnh vực

Hữu Hiển |

Đối với năng lượng, lương thực hay hàng xa xỉ của Nga, các quốc gia phương Tây hoặc đang bị chia rẽ, hoặc họ đã dành phần cho mình.

Hãng thông tấn China News Service của Trung Quốc ngày 8/4 đưa tin, kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang, các nước phương Tây lần lượt áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, từ chữ cái "Z", mèo Nga, cho đến các ngân hàng lớn nhất nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin và hai con gái… Có thể thấy rằng, phạm vi trừng phạt rất rộng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt cũng "âm thầm" bỏ qua một số lĩnh vực. Đối với năng lượng, lương thực hay hàng xa xỉ của Nga, các quốc gia phương Tây hoặc đang bị chia rẽ, hoặc họ đã dành phần cho mình.

Trừng phạt than

Ngày 5/4 theo giờ địa phương, trong đợt đề xuất vòng trừng phạt thứ 5, Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên đề xuất hạn chế ngành năng lượng Nga, dự định cấm nhập khẩu than từ Nga trị giá 4 tỷ Euro mỗi năm.

Nhưng thực tế là vẫn có sự khác biệt về quan điểm trong EU, và đề xuất này rất khó được thực hiện.

Tăng cường trừng phạt Nga, Mỹ và phương Tây vẫn âm thầm bỏ qua một số lĩnh vực - Ảnh 1.

Châu Âu không đạt được thỏa thuận về biện pháp trừng phạt than Nga. Ảnh: China News Service

Theo hãng tin AP (Mỹ), các nhà ngoại giao EU đã không thông qua các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất vào ngày 6/4; và các vấn đề kỹ thuật như hợp đồng than vẫn phải đợi giải quyết.

Với tư cách là nhà nhập khẩu than Nga lớn nhất trong EU, Đức đã đề nghị làm rõ vấn đề liệu lệnh cấm than có ảnh hưởng đến các hợp đồng hiện có hay không. Nếu lệnh cấm chỉ áp dụng với các hợp đồng mới, Nga vẫn có thể xuất khẩu than sang EU trong thời gian dài.

Đồng thời, có thông tin cho rằng, chính phủ Nhật Bản có thể sẽ bỏ lệnh cấm nhập khẩu than Nga trong vòng trừng phạt mới nhất đối với Nga. 15% lượng than nhập khẩu của Nhật Bản đến từ Nga.

Được biết, khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Koichi Hagiuda thăm châu Âu, họ đã giải thích với các nước khác rằng Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu than và "đã đạt được sự cảm thông nhất định".

Trừng phạt dầu khí

Dầu mỏ và khí đốt tự nhiên cũng là trụ cột của nền kinh tế Nga. Nhưng đối với việc trừng phạt dầu khí của Nga, Mỹ và châu Âu đều có "kế hoạch riêng".

Tăng cường trừng phạt Nga, Mỹ và phương Tây vẫn âm thầm bỏ qua một số lĩnh vực - Ảnh 2.

Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên "Dòng chảy phương Bắc 2". Ảnh: China News Service

Theo trang Politico (Mỹ), hiện tại, châu Âu luôn mơ hồ về cách thức trừng phạt dầu khí của Nga. Trong các cuộc thảo luận riêng, các nước EU gần như được chia thành nhiều phe: Ba Lan và các nước Baltic tỏ ra cứng rắn; một số quốc gia do Đức dẫn đầu phản đối lệnh cấm vận; các nước ít phụ thuộc hơn vào dầu khí của Nga, chẳng hạn như Bỉ, đã không kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt.

EU cũng hy vọng rằng, tất cả các nước sẽ đoàn kết để đối phó với Sắc lệnh thanh toán bằng đồng Rúp của Tổng thống Nga Putin; nhưng Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tuyên bố rõ ràng rằng: "Chúng tôi không có vấn đề gì với việc thanh toán (khí đốt tự nhiên) bằng đồng Rúp".

Đồng thời, EU dù áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt tài chính đối với Nga nhưng vẫn "âm thầm thả" ngân hàng Gazprombank, không áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề như đối với các ngân hàng Nga khác. Điều này có nghĩa là, người mua khí đốt ở châu Âu vẫn có thể mở tài khoản đồng Rúp ở ngân hàng này để thanh toán khí đốt của Nga.

Ở bên kia Đại Tây Dương, trong khi thúc đẩy châu Âu trở thành "người tiên phong" trong các lệnh trừng phạt chống lại Nga, Mỹ cũng để lại "một vùng đệm" cho mình: trước khi lệnh cấm của Mỹ đối với dầu mỏ Nga có hiệu lực vào ngày 22/4, quy mô nhập khẩu dầu mỏ của Mỹ trong tuần qua đã tăng đáng kể 43%, lên mức 100.000 thùng/ngày.

Trừng phạt lương thực

Điều đáng chú ý là các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây đối với Nga cũng "chừa lại chỗ" cho việc vận chuyển lương thực của họ.

Xét cho cùng, Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp phân bón lớn. Tổng thống Nga Putin cũng từng cảnh báo rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và khiến giá năng lượng tăng cao.

Tăng cường trừng phạt Nga, Mỹ và phương Tây vẫn âm thầm bỏ qua một số lĩnh vực - Ảnh 4.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: China News Service

Vì vậy, mặc dù EU tuyên bố cấm các tàu do Nga vận hành vào các cảng của EU, nhưng việc vận chuyển một số loại nông sản và thực phẩm sẽ được miễn trừ.

Mặt khác, căn cứ theo giấy phép chung do Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ cấp, phân bón khoáng của Nga có thể được cho ra khỏi danh sách trừng phạt. Các công ty vận tải biển quốc tế như Maersk cũng xác nhận rằng, lệnh cấm vận chuyển nhằm vào Nga sẽ không áp dụng đối với các nguồn cung cấp nhu yếu phẩm và mặt hàng nhân đạo, trong đó bao gồm cả phân bón.

Trừng phạt hàng xa xỉ

Một số nước phương Tây cũng tuyên bố cấm xuất khẩu hàng xa xỉ sang Nga, nhằm trấn áp giới nhà giàu Nga. Nhưng nhìn vào tác động thực tế của lệnh cấm này, đa phần chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.

Australia là quốc gia mới nhất gia nhập hàng ngũ này khi tuyên bố cấm xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ sang Nga, bao gồm rượu vang, mỹ phẩm cao cấp và phụ tùng ô tô. Nhưng tờ The Wall Street Journal đã trích dẫn rượu vang làm ví dụ, nói rằng, lượng xuất khẩu sang Nga chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu rượu vang của Australia.

Cũng giống như Australia, chính phủ Nhật Bản đã tăng cường trừng phạt Nga. Từ ngày 5/4, nước này đã cấm xuất khẩu 19 mặt hàng xa xỉ sang Nga, trong đó có ô tô và đồ trang sức. Tuy nhiên, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng thừa nhận, giá trị xuất khẩu nhóm hàng trên sang Nga tương đối thấp và ít có tác động đến nền kinh tế Nhật Bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại