Xe tăng T-64 bản nâng cấp của Ukraine. Nguồn: Sina.
Theo Military Watch (Mỹ), mặc dù xe tăng T-64 đã được đưa vào biên chế ở Liên Xô cũ từ những năm 1960 nhưng nó là một trong những loại xe tăng được sử dụng với quy mô nhỏ nhất trong lịch sử Liên Xô cũ. Ukraine hiện là quốc gia duy nhất có số lượng lớn T-64, và xe tăng này vẫn là trang bị chiến đấu chủ lực của lực lượng thiết giáp Ukraine.
Xe tăng T-64 là một thiết kế mang tính cách mạng vào thời điểm đó, nó sử dụng rất nhiều thiết bị kỹ thuật mà xe tăng phương Tây thời đó chưa sử dụng. Ví dụ, tháp pháo cỡ nòng rất lớn, lên đến 125mm và bộ nạp đạn tự động có thể giảm yêu cầu kíp lái xuống chỉ còn 3 người.
Xe tăng có thiết kế nhỏ gọn, tổng trọng lượng chiến đấu chỉ 38 tấn. Khoảng 13.000 xe tăng T-64 phục vụ trong quân đội Liên Xô cho đến năm 1987, 25 năm sau khi loại xe tăng này bắt đầu được sản xuất hàng loạt, nó vẫn tiếp tục được sản xuất.
Thiết kế mang tính cách mạng của T-64 được dùng làm nền tảng cho sự phát triển của xe tăng T-72 và T-80. T-72 được sử dụng và xuất khẩu rộng rãi hơn, giá thành sản xuất giảm 40%, trong khi T-80 thì nặng hơn và xe tăng này thích hợp để sử dụng ở những vùng khí hậu khắc nghiệt.
Giống như T-80, T-64 chưa từng được xuất khẩu dưới thời Liên Xô cũ và chỉ phục vụ quân đội trong nước. T-72 giá rẻ là phiên bản được xuất khẩu rộng rãi, loại tăng này có khả năng đối phó với các loại xe tăng do phương Tây sản xuất.
Các yêu cầu bảo dưỡng cao của T-64 khiến hiệu quả chi phí vận hành của nó thấp hơn đáng kể so với các loại xe tăng khác, nhưng cũng vì vậy mà hầu hết các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ (trừ Ukraine và Uzbekistan) đã loại biên loại xe tăng này.
Quân đội Ukraine thừa hưởng 2.100 chiếc T-64, khoảng 1.000 xe tăng T-72 và 300 T-80 khi Liên Xô cũ sụp đổ. Ngoài ra, còn có khoảng 3000 xe tăng T-55 và T-62 cũ. Khi khả năng kinh tế và quân sự của Ukraine suy giảm mạnh, mặc dù ban đầu nước này dự định tập trung vào sản xuất xe tăng T-80 mới sau khi kế thừa nhà máy sản xuất xe tăng T-80.
Nhưng cuối cùng, Ukraine buộc phải tiếp tục phụ thuộc nhiều vào T-64, và cho đến tận ngày nay, số lượng T-80 được triển khai là tương đối ít. Do kế hoạch của Ukraine vào thời điểm đó tập trung vào việc tiếp tục sản xuất T-80, nước này đã xuất khẩu một lượng lớn T-72 trong những năm sau khi Liên Xô sụp đổ.
Hiện T-64 vẫn là chủ lực tuyệt đối của lực lượng xe tăng Ukraine, ước tính có khoảng 720 xe trong biên chế, ngoài ra còn có khoảng 100 xe tăng T-72 và 5 xe tăng T-84, trong đó T-84 chủ yếu được sản xuất để xuất khẩu, đây là loại tăng cải tiến từ T-80.
Mặc dù sản xuất được T-84, nhưng Quân đội Ukraine không đủ tiềm lực tài chính để trang bị loại tăng này, do vậy sử dụng T-64 tiếp tục là xu hướng “cực chẳng đã” của Ukraine.
T-64BM là một trong những mẫu xe tăng được nâng cấp và cải tiến của Ukraine, hiện có khoảng 100 chiếc đang được biên chế. Xe tăng sử dụng giáp phản ứng nổ, thiết bị bảo vệ hạt nhân, sinh học và hóa học, hệ thống chữa cháy tự động và hệ thống điều khiển hỏa lực tương tự như T-84.
Xe tăng cũng được trang bị động cơ cải tiến 850 mã lực. Tuy nhiên, trọng lượng của T-64BM tăng lên do được trang bị thêm lớp giáp khiến nó hoạt động chậm hơn và kém cơ động hơn.
Các xe tăng T-64 còn lại đang phục vụ ở Ukraine là T-64BV. Trong trận chiến với các nhóm vũ trang ở miền đông Ukraine, xe tăng T-64 đã bị tổn thất nặng nề, mặc dù khả năng sống sót của xe tăng đã được cải thiện đáng kể nhưng loại xe tăng lâu đời này vẫn không thể chống lại các loại vũ khí chống tăng hiện đại.
Trong trường hợp xung đột với Nga leo thang, những chiếc xe tăng kiểu cũ này của Ukraine sẽ ra sao khi đối mặt với các loại xe tăng hiện đại của Nga như T-80BVM hay T-90M mới?