Trước giờ tôi cứ nghe nói rằng cholesterol cao là bệnh người già nên rất ngạc nhiên khi con tôi cũng bị. Phải chăng vì lối sống, cách ăn uống công nghiệp ngày nay? Cholesterol cao có thể gây biến chứng gì nguy hiểm không? Chúng tôi có cách nào điều chỉnh qua cách ăn uống không?
(Trần Thanh Hùng, 65 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM)
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM:
Nguy cơ đáng lo ngại nhất của việc cholesterol xấu (LDL) tăng cao là các vấn đề về não, ví dụ như đột quỵ. Người lớn tuổi hay trẻ tuổi đều có thể bị tăng cholesterol xấu và đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi chỉ số LDL trong kết quả xét nghiệm máu vượt qua giới hạn bình thường, anh và người thân rất cần điều chỉnh chế độ ăn uống, vận động.
Hãy kiêng các món khiến cholesterol tăng cao, đó là mỡ động vật, các món ăn từ nội tạng (lòng, tim, gan…); tránh các cách chế biến thức ăn phải sử dụng nhiều dầu mỡ như chiên, xào, nướng… Ngoài ra, cần giảm ăn ngọt, giảm tinh bột. Bột - đường làm tăng cân, dễ béo phì, khiến cholesterol xấu cũng tăng theo. Nếu gia đình anh có thói quen ăn mặn thì cũng nên giảm mặn.
Ngược lại, các loại rau, củ, quả thì cứ ăn thoải mái. Ăn tươi hoặc luộc, nấu canh là tốt nhất. Đặc biệt nên ăn nhiều mồng tơi, mướp hương, đậu bắp, rau đay, rau dền… cùng các loại rau, củ có chất nhầy khác. Chất nhầy trong rau chính là chất xơ hòa tan, rất tốt trong việc giúp hạ cholesterol xấu.
Trái cây phù hợp cho người bị cholesterol cao thì có thanh long, táo, kiwi, hạt hồ đào (quả óc chó). Về thức uống, nên chọn trà hoa cúc, trà sen.
Cây hoa sen là một thực vật đặc biệt, hầu như mọi phần của nó đều có giá trị trong việc hạn chế cholesterol xấu, nên ngoài trà sen, có thể ăn thêm các sản phẩm khác làm từ hạt sen, củ sen, lá sen…
Thói quen ngồi một chỗ, ít vận động cũng có thể liên quan đến việc cholesterol xấu tăng cao. Anh chị nên sắp xếp thời gian tập thể dục, vận động vừa sức. Con trai anh chị nếu làm công việc văn phòng, ít đi lại thì cũng nên điều chỉnh.