Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga - Sứ mệnh 'vượt qua thách thức'

Đào Thanh Tùng |

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga không có nhiều thời gian để nếm trải hương vị chiến thắng bởi một “núi” thách thức đang chờ chính trị gia này ở phía trước.

Ngày 16/9, Quốc hội Nhật Bản đã chính thức bầu ông Yoshihide Suga làm thủ tướng thứ 99 ở nước này. Trước đó, ông đã giành thắng lợi áp đảo trước hai ứng cử viên khác trong cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Mặc dù vậy, tân Thủ tướng Suga không có nhiều thời gian để nếm trải hương vị chiến thắng bởi một “núi” thách thức đang chờ chính trị gia này ở phía trước.

Thách thức đầu tiên mà tân Thủ tướng Suga phải đối mặt là giúp Nhật Bản khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Sau khi lắng dịu vào cuối tháng 5, dịch bệnh đã tái bùng phát trở lại ở nước này từ cuối tháng 6. Làn sóng lây nhiễm này dữ dội hơn so với trước đó. Không giống như làn sóng trước, vốn bắt nguồn từ những du khách Trung Quốc và người Nhật gốc Trung Quốc, đợt dịch lần này khởi phát trong nội địa Nhật Bản, với điểm xuất phát là thủ đô Tokyo và sau đó lan rộng ra nhiều tỉnh, thành lớn khác như Osaka và Fukuoka.

Sau khi lên tới đỉnh điểm vào giữa tháng 8, với số ca nhiễm mới có thời điểm lên tới trên 1.600 người/ngày, dịch COVID-19 đang có dấu hiệu tạm lắng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại dịch bệnh này có thể sẽ bùng phát mạnh mẽ trở lại vào mùa Đông. Do vậy, làm thế nào kiểm soát dịch bệnh ở đất nước "Mặt Trời mọc” vẫn là một thách thức không hề nhỏ đối với chính quyền của tân Thủ tướng Suga.

Trong chiến dịch tranh cử chủ tịch LDP, ông Suga đã cam kết “ngăn chặn bùng nổ sự lây lan của dịch bệnh với bất cứ giá nào” và “đặt mục tiêu có đủ vaccine cho toàn bộ người dân trong nửa đầu của năm 2021”. Tuy nhiên, với tiến độ nghiên cứu và phát triển vaccine phòng COVID-19 như hiện nay ở Nhật Bản và ở các công ty mà Nhật Bản đã ký thỏa thuận để mua, mục tiêu đó có vẻ khó khả thi.

Do tác động của dịch COVID-19, việc tăng thuế tiêu dùng và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái từ cuối năm ngoái. Trong quý II/2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này giảm 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý có mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 40 năm qua. Đáng chú ý, hai trụ cột tăng trưởng quan trọng nhất của kinh tế Nhật Bản, gồm tiêu dùng cá nhân và xuất khẩu, đều giảm mạnh, tương ứng là 7,9% và 18,5%. Do vậy, việc vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành là một thách thức lớn khác đối với tân Thủ tướng Suga.

Cùng với việc khống chế dịch COVID-19 và vực dậy nền kinh tế, ông Suga cũng cần phải giải quyết một loạt các vấn đề hóc búa khác như già hóa dân số, củng cố hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn, và cải thiện cán cân thu - chi ngân sách để giảm tỷ lệ nợ công/GDP, vốn đang đứng ở mức cao nhất trong các nền kinh tế phát triển. Đây là những vấn đề mà cựu Thủ tướng Shinzo Abe chưa thể giải quyết trong gần 8 năm tại nhiệm.

Liên quan tới vấn đề an ninh, ông Suga cũng sẽ phải xử lý hai vấn đề mà Thủ tướng Abe rất tâm huyết nhưng chưa thể hoàn thành, là sửa đổi Hiến pháp và khả năng Nhật Bản sở hữu năng lực tấn công các căn cứ tên lửa của kẻ thù ở nước ngoài. Đây là những vấn đề đang gây tranh cãi trong dư luận Nhật Bản và có thể làm rạn nứt liên minh cầm quyền giữa LDP và đảng Công minh.

Một thách thức khác cũng liên quan tới dịch COVID-19 là công tác tổ chức các đại hội thể thao Olympic và Paralympic Tokyo. Theo kế hoạch ban đầu, các sự kiện này sẽ diễn ra trong năm nay. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã phải quyết định lùi thời gian tổ chức sang năm sau. Cho đến thời điểm này, cả chính phủ và chính quyền thủ đô Tokyo đều quyết tâm tổ chức Olympic và Paralympic theo đúng kế hoạch “bằng mọi giá”. Mặc dù vậy, tương lai của các sự kiện thể thao quốc tế này vẫn rất mờ mịt trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch COVID-19 sẽ sớm lắng dịu trên toàn cầu. Với tư cách người đứng đầu chính phủ, ông Suga chắc chắn sẽ là người ra quyết định cuối cùng về số phận của các sự kiện này.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga - Sứ mệnh vượt qua thách thức - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản sắp mãn nhiệm Abe Shinzo (trái) chúc mừng tân Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vừa đắc cử Suga Yoshihide tại Tokyo ngày 14/9/2020. Ảnh: TTXVN

Trên mặt trận ngoại giao, trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Suga tuyên bố sẽ “xây dựng các chính sách đối ngoại và an ninh dựa trên cơ sở mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ” và xây dựng “quan hệ ổn định với Trung Quốc và các nước láng giềng”. Tuy nhiên, việc duy trì quan hệ đồng minh ổn định với Mỹ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, nhất là dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vấn đề hóc búa nhất là tân Thủ tướng Suga sắp phải đối mặt là đàm phán với Washington về chi phí đồn trú của các binh sỹ Mỹ ở Nhật Bản. Theo tiết lộ của cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton, năm ngoái, ông đã thay mặt Tổng thống Trump yêu cầu Nhật Bản trả 8 tỷ USD/năm tiền hỗ trợ kinh phí đồn trú của quân đội Mỹ ở quốc gia Đông Bắc Á, cao gấp 4 lần so với số tiền mà Tokyo đang chi trả. Đây là số tiền rất lớn trong bối cảnh ngân sách của Nhật Bản đang ngày càng eo hẹp vì các khoản chi khổng lồ để vực dậy nền kinh tế.

Vì vậy, nhiệm vụ của tân Thủ tướng Suga là làm thế nào để xây dựng mối quan hệ cá nhân gần gũi và tin cậy với Tổng thống Trump hoặc người sẽ kế nhiệm ông này sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 tới, đồng thời giảm thiểu số tiền mà Nhật Bản phải chi trả thêm cho các lực lượng Mỹ đồn trú tại đất nước "Mặt Trời mọc".

Mặt khác, ông Suga sẽ phải vượt qua không ít thách thức trong việc duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc, nhất là nội bộ LDP vẫn phản đối việc tổ chức chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) tới Nhật Bản và quan hệ Trung-Mỹ đang rất căng thẳng.

Các thách thức đối ngoại khác mà ông Suga cần phải giải quyết trong thời gian tới là cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, vốn đang căng thẳng do các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ; thúc đẩy cuộc đàm phán với Nga về số phận của 4 hòn đảo tranh chấp nằm ở ngoài khơi đảo Hokkaido mà Moskva đang quản lý và gọi là Nam Kurils, trong khi Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc nhằm mở đường cho việc ký kết hiệp ước hòa bình, chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh giữa hai nước; giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong các năm 1970 và 1980 nhằm hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Đây là những vấn đề vô cùng hóc búa không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.

Ngoài ra, Thủ tướng Suga cũng phải nỗ lực hết sức để tiếp nối các thành tựu ngoại giao mà người tiền nhiệm đã để lại như thúc đẩy khu vực châu Á - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, làm sâu sắc hơn quan hệ với Australia và Ấn Độ - hai trong số 4 nước thuộc “Bộ tứ Kim cương”, tăng cường hơn nữa quan hệ với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tiếp tục đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại trên thế giới thông qua việc mở rộng mạng lưới các hiệp định thương mại tự do, trong đó có hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Có thể thấy, Thủ tướng Suga nhậm chức trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, kể cả đối nội lẫn đối ngoại, và ông đã được giao sứ mệnh vượt qua "núi" thách thức đó để nâng tầm Nhật Bản trên trường quốc tế. Hơn nữa, nhiệm kỳ chủ tịch LDP của ông Suga sẽ chỉ kéo dài tới tháng 9/2021, vì vậy việc giải quyết các thách thức trên như thế nào sẽ quyết định tương lai của chính trị gia này.

Đây chính là một phép thử cho khả năng lãnh đạo và tài thao lược của chính trị gia lão luyện này, nhất là khi ông Suga là một chính trị gia tự thân và không thuộc bất cứ phái nào trong LDP. Tuy nhiên, ông đã nhận được sự hậu thuẫn từ phía 5 trong số 7 phái lớn nhất trong LDP trong cuộc bầu cử vừa qua. Điều quan trọng là ông Suga phải tiếp tục duy trì sự ủng hộ đó để giúp chính phủ có thể dễ dàng triển khai các chính sách trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại