Thời gian qua, trên thị trường, lá chuối, lá dong được ưu tiên lựa chọn sử dụng để gói thực phẩm thay túi nilon. Đây là một hành động thiết thực dần loại bỏ túi nilon khỏi thói quen khi mua sắm của người tiêu dùng nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Nhờ vậy mà nhiều người chuyên trồng chuối, dong riềng có thêm thu nhập từ bán lá.
Lá dong, lá chuối cháy hàng
Cây chuối được trồng nhiều ở các địa phương có vùng đất bãi màu mỡ như thành phố Hưng Yên, các huyện Khoái Châu, Kim Động… với 2 loại chuối tây và chuối tiêu.
Ông Bùi Văn Minh, chủ hộ trồng chuối ở xã Đức Hợp (huyện Kim Động) cho hay: Những ngày này, thương lái từ Hà Nội sang tận vườn để lựa chọn, thu hái lá. Ngoài diện tích trồng chuối để thu hoạch quả gia đình ông thường dành khoảng 10 - 15 mẫu chuyên thu hái lá. Ngày nào cũng thu khoảng 2 - 3 tạ lá chuối tươi.
Bên cạnh lá chuối, lá dong cũng đang được một số siêu thị chuộng sử dụng để gói thực phẩm. Thôn Tuấn Dị, xã Trưng Trắc (Văn Lâm) là địa phương có truyền thống trồng dong riềng. Cây này cho thu hoạch lá quanh năm.
Dịp Tết Nguyên đán là vụ thu hoạch chính, còn vào ngày thường, người dân cắt tỉa lá dong loại nhỏ phục vụ nhu cầu gói các loại thực phẩm như nem, giò, bánh rẻ, xôi…
Cây dong trồng ở Tuấn Dị là giống nếp, phiến lá dài và rộng, mỏng mà dai, màu xanh ngăn ngắt, có mùi thơm đặc trưng… nên được thị trường ưa chuộng.
Dù không phải chính vụ nhưng những ngày này, các gia đình ở thôn Tuấn Dị vẫn tất bật thu gom lá dong để cung cấp cho các mối hàng ở Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn…
Theo chia sẻ của một số hộ thu mua lá dong, thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ lá dong tăng mạnh. Trước kia, mỗi ngày chỉ xuất ra thị trường khoảng 1 vạn lá thì bây giờ lên đến 2 – 3 vạn lá/ngày, có thời điểm không đủ hàng để bán.
Tăng thu nhập
Tại xã Tứ Dân (huyện Khoái Châu), địa phương có diện tích trồng chuối trên 400 mẫu. Theo kinh nghiệm của những người dân trồng chuối nơi đây: Nếu quả chuối chỉ được thu hoạch theo mùa thì lá chuối được thu hái và xuất bán quanh năm. Trong đó, chuối tiêu được thu hái lá khô để sử dụng gói các loại bánh gai, bánh gấc còn lá chuối tây để bọc các loại rau xanh, gói giò…
Ông Cao Văn Thường ở xóm Đường, xã Tứ Dân có gần 10 năm làm nghề thu mua lá chuối tiêu cho biết: “Thu hái lá chuối được xem là một nghề lấy công làm lãi.
Hiện gia đình tôi đang nhận thu mua lá chuối tiêu khô cho người dân trong và ngoài xã với giá khoảng 7 - 9 nghìn đồng/kg.
Trung bình mỗi ngày, tôi thu mua được khoảng 3 – 4 tạ, khi bán lại cho các thương lái thì được lãi khoảng 1 triệu đồng/tấn. Thị trường gia đình xuất đi chủ yếu tại các tỉnh như: Thanh Hóa, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình…”.
Gia đình ông Thường mỗi ngày thu mua lại khoảng 3 – 4 tạ của các hộ dân xung quanh.
Ông Thường chia sẻ thêm: Với lá chuối tiêu thì thu hái như vậy còn lá chuối tây thì lại dễ dàng hơn, không yêu cầu về thời gian nhưng lại đòi hỏi người hái phải chọn lựa những tàu lá to bản, dày, có màu xanh mướt và dùng dao dọc lá cẩn thận sao cho không bị rách, gãy vụn để bảo đảm sử dụng hiệu quả.
Thời gian qua, nhiều người không chỉ tận dụng hái lá chuối tại vườn của gia đình mà còn đi hái lá ở các vườn chuối tại các địa phương khác ở trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Thắng ở xã Tứ Dân cho biết: “Gia đình tôi thu nhập chủ yếu từ trồng chuối, bên cạnh đó tôi có thêm nghề thu hái lá chuối tiêu.
Nếu chịu khó làm từ sớm thì trung bình mỗi ngày tôi hái được 20 - 30 kg lá, cho thu nhập 150 - 250 nghìn đồng. Trong xã không chỉ có gia đình tôi mà cũng có nhiều hộ khác cũng đang làm thêm nghề này”.
Ông Phạm Văn Hiếu, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Khoái Châu: Nhận thấy hiệu quả từ tận thu lá chuối, nhiều người có diện tích chuối lớn còn dành một phần chuyên thu hái lá.
Việc lá chuối ngày càng được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng mà còn trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp mang lại thêm nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình.