Rừng lim “chảy máu”
Từ cầu Khe Vinh (xã Chà Val, huyện Nam Giang), vượt sông Bung gần 2 giờ đồng hồ đến khe Đại Hồng, rồi mất thêm khoảng chừng ấy thời gian vượt dốc đá dựng đứng, chúng tôi mới bắt đầu tiếp cận được hiện trường vụ phá rừng lim.
Trước mắt chúng tôi, những gốc lim cổ thụ đường kính 3-4 người ôm bị chặt hạ. Xung quanh là những phách gỗ, vỏ gỗ, mùn cưa xe lẫn. Tất cả như một “đại công trường” giữa rừng già.
Càng vào sâu, cảnh phá rừng càng khủng khiếp hơn. Những cây lim lớn bị xẻ thịt trơ gốc. Những thân cây nằm rạp giữa rừng già, nham nhở những vết cưa.
“Xót thật. Những gốc lim lớn như thế này ít cũng phải vài trăm năm tuổi” - một người dân địa phương xin giấu tên nói.
Cũng theo người này, tình trạng phá rừng diễn ra nhiều năm nay nhưng sự vào cuộc của cơ quan chức năng vẫn chưa thấy hiệu quả.
Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, khu vực rừng lim bị phá xảy ra tại khoảnh 1, 3, Tiểu khu 335, thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang, thuộc lâm phận quản lý của Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung.
Thống kê, có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây Lim Xanh và 1 cây Xoan Đào). Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại khoảng 235 m3; khối lượng gỗ còn tại hiện trường khoảng 125 m3 gỗ tròn và gần 4 m3 gỗ xẻ.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về việc rừng lim quý bị tàn phá, bà Phạm Thị Như - Phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, khu rừng lim xanh ở địa phương này bị chặt hạ đều có chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung và các tổ nhóm bảo vệ rừng, vì vậy phải quy trách nhiệm cho rõ.
Trong khi đó, ông Trần Lanh, Hạt trưởng kiêm giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung cho rằng, đã chỉ đạo nghiêm túc, phân công công việc, trách nhiệm với kiểm lâm địa bàn rất rõ ràng.
Trước Tết Nguyên đán, lực lượng kiểm lâm tổ chức đi kiểm tra truy quét nhưng không lường trước được tình hình. Qua Tết, tổ chức truy quét với quy mô lớn đồng loạt thì phát hiện vụ việc. Ông Lanh phân trần mới về nhận công tác được 3 tháng.
Sẽ xử lý nghiêm minh
Lim là loại cây quý hiếm, thuộc nhóm 2A trong danh sách được bảo vệ nghiêm ngặt. Gỗ lim có giá trị kinh tế cao.
Chia sẻ của một cán bộ kiểm lâm, mỗi cây lim cổ ít nhất cũng được hơn 10 m3 gỗ, nếu được bán với giá như hiện nay (khoảng 20-30 triệu đồng/m3) thì tính ra, mỗi cây lim có giá ít nhất 200 triệu đồng nên việc “lâm tặc” nhắm vào rừng lim là điều dễ hiểu.
Và chuyện giữ rừng lim đúng là một cuộc chiến không dễ dàng.
Một cán bộ kiểm lâm có thâm niên hàng chục năm công tác tại Trạm Bảo vệ rừng lim Lăng – Zuôih (giáp ranh 2 huyện Nam Giang và Tây Giang, Quảng Nam), nhiệm vụ bảo vệ khu rừng lim quý hiếm hơn 300 cây, chia sẻ: Để có thể bảo vệ được rừng lim, các cán bộ gần như túc trực hầu như không ngày nào vắng mặt, kể cả kịp lễ tết.
Chuyện giữ rừng lim không hề dễ, khi các đối tượng phá rừng rất manh động. Các đối tượng phá rừng thuộc dạng “máu mặt, giang hồ”.
Đầu tháng 3/2018, Công an huyện Nam Giang cũng triệt phá một đường dây phá rừng lim xanh, dổi tại khu rừng phòng hộ đầu nguồn ở khu vực lòng hồ thủy điện Sông Bung 4.
Khối lượng gỗ bị triệt hạ khoảng 30m3, lực lượng chức năng bắt 7 người tham gia đường dây. Tuy nhiên, nói như vị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, cuộc chiến giữ rừng càng thêm khó khăn khi “đòn phạt” cho các đối tượng chưa đủ tính răn đe.
Đó là còn chưa kể, nhiều vụ phá rừng được cơ quan chức năng vào cuộc, đã khởi tố vụ án nhưng rồi...để đó, rất ít vụ khởi tố bị can.
Tại cuộc họp báo mới đây, khi báo chí liên tục đặt câu hỏi liên quan đến các vụ phá rừng tại Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh phân trần, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quyết tâm với công tác bảo vệ phát triển rừng.
Cụ thể đã từng tổ chức cuộc họp với bí thư, chủ tịch 9 huyện miền núi, yêu cầu đề ra phương án bảo vệ rừng.
Cùng với đó là hàng loạt văn bản chỉ đạo cụ thể và đã tổ chức rất nhiều cuộc tuần tra, kiểm soát lâm sản và truy quét phá rừng, khai thác lâm, khoáng sản, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.
Tuy nhiên, gần đây nhiều vụ phá rừng quy mô lớn diễn ra gây bức xúc trong dân. Do địa bàn rộng lớn, lực lượng mỏng và một số cán bộ tại địa phương chưa thực hiện tốt chức năng của mình.
Nhưng tỉnh luôn luôn nêu cao quyết tâm bảo vệ rừng. Những ai làm sai, tiếp tay cho lâm tặc nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh.
Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, người trực tiếp thị sát hiện trường những vụ phá rừng thường phải thốt lên những câu bàng hoàng, đau đớn, xót xa như máu mình đổ xuống.
Thừa nhận câu chuyện giữ rừng không hề đơn giản, không thể ngày một ngày hai nhưng quyết tâm của lãnh đạo tỉnh ngoài áp dụng các biện pháp hiệu quả hơn ngăn chặn phá rừng thì sẽ xử lý nghiêm những cán bộ có liên quan.