Một phường có 40 tổ công tác
Làm sao tầm soát được các ca nghi nhiễm tại một quận “đa quốc tịch” như quận 7, TPHCM? Nơi đây có 70.000 người nước ngoài thuộc 60 quốc gia khác nhau cùng sinh sống và làm việc.
Một số người nước ngoài ở trong các chung cư, số khác ở nhà liền kề, một số thuê khách sạn, một số thuê nhà dân để ở cùng. Họ có khi ở Việt Nam, có khi ở nước khác, lúc thì sống ở TPHCM, nhưng lại đi làm ở tỉnh khác.
Trung tâm cách ly tập trung của quận 7, nơi đang cách ly nhiều người nước ngoài
Khi dịch Covid-19 nổ ra, theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND Quận 7, toàn quận “căng như dây đàn”. Vấn đề không chỉ làm sao kiểm soát được tình hình lây nhiễm mà phải giữ được không khí thân thiện, thu hút được trí thức, doanh nhân, các nhà đầu tư nước ngoài tới thành phố. “Chúng tôi phải làm sao để vấn đề kỳ thị không xảy ra, nhất là khi dịch xảy ở Trung Quốc, rồi Hàn Quốc” - bà Ngọc Hiếu nói.
Về mặt chính quyền, không cách gì hữu hiệu hơn là chính quyền phải vào cuộc quyết liệt. “Những phường trọng điểm có nhiều người nước ngoài, mỗi phường chúng tôi bố trí 40 tổ công tác, hoạt động 24 giờ. Các phường khác số lượng tổ công tác có ít hơn, nhưng cũng hoạt động rất quyết liệt. Theo sát mọi biến động về người đi, kẻ đến, những trường hợp đến từ vùng dịch, dù là một, hai giờ sáng, cũng lập tức được cập nhật và được giải quyết” - bà Hiếu cho biết.
Cái hay là một phường có 40 tổ công tác, hiếm khi thấy dân phòng, công an hay lực lượng y tế trên đường. Họ đều âm thầm “lan tỏa” vào các khu dân cư, chung cư, nắm bắt tình hình và giải quyết sự việc phát sinh mau lẹ, dựa trên sự đồng thuận.
Mỗi chung cư là một pháo đài
Các khu chung cư tại quận 7, TPHCM, được phát triển dựa trên mô hình tiên tiến của đô thị Phú Mỹ Hưng, đó là chung cư gắn với từng khu phố, các hoạt động từ công tác Đảng đến quần chúng của từng chung cư đều gắn với khu phố. Chung cư là một phần của khu dân cư, của từng tổ dân phố.
Có mặt tại chung cư Phú Mỹ, quận 7 gần cầu ông Đội, chúng tôi được biết ban quản trị, ban quản lý và phường kết hợp với nhau, kiểm soát việc tạm trú của người nước ngoài. “Khi có người nước ngoài chuyển đến căn hộ nào, bảo vệ sẽ báo với ban quản trị, báo với phường, sau đó sẽ kiểm tra xem họ có tới từ vùng dịch hay không? Đã khai báo y tế hay chưa?” - người dân sống tại chung cư cho biết. Mỗi chung cư đều có một vài “group” mạng xã hội, để thông báo việc ra vào của người nước ngoài đến từng tầng, từng phòng.
Trong khu chung cư không có sự kỳ thị, song ban quản trị phải thông báo rõ cho các cư dân việc các hộ nước ngoài đã đi và đến những nơi đâu, đã thực hiện đúng việc cách ly theo quy định hay chưa?
Thành phố là vậy, cuộc sống mở, không kỳ thị người nước ngoài, song họ phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, đặc biệt trong việc khai báo y tế. Nếu không, các cư dân ngay tại các chung cư sẽ yêu cầu các vị khách nước ngoài phải thực hiện những yêu cầu kiểm tra y tế bắt buộc.
Lãnh đạo quận 7, TPHCM cho biết: “Tất cả các chung cư trong quận 7 đều đồng loạt cung cấp dung dịch sát khuẩn tại các thang máy ra vào chung cư từ Tết Nguyên đán tới nay”.
Một số chung cư, như chung cư Phú Mỹ, cộng đồng dân cư mua khẩu trang về và thông báo trên “group” của chung cư, để chia sẻ cho mỗi hộ được mua một hộp khẩu trang. Chị Quế sống tại chung cư nói: “Chúng tôi đi khắp nơi mua không ra khẩu trang, về tới chung cư lại mua được một hộp khẩu trang giá gốc, thật cảm động tình cảm xóm giềng”.
Mỗi cộng đồng là một mặt trận
Nhà văn Trần Đại Nhật, một người con lai Hàn Quốc kể: “Người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam khá đông. Chỉ riêng ở quận 7 đã hơn 10.000 người. Tính cộng đồng của người Hàn Quốc rất cao. Họ có nhiều trang facebook dành cho người Hàn Quốc từng khu vực. Trong đó cập nhật danh sách từng người Hàn Quốc vừa đến Việt Nam trên chuyến bay nào, ngày nào!”.
Đại Nhật cho tôi xem những nhóm cộng đồng mạng Hàn tại Việt Nam với hàng vạn thành viên. Mỗi biến động về nhân khẩu được cộng đồng cập nhật rất minh bạch. “Hơn ai hết, những người Hàn sống tại Việt Nam hiểu rằng họ cần phải bảo vệ sự an toàn cho chính cộng đồng của họ, nhất là cho trẻ con và người già” - Đại Nhật nói.
Tại đô thị Phú Mỹ Hưng, những khu chung cư có tới 80% người Hàn sinh sống. Nếu ai đó đi qua vùng dịch về tới chung cư, lập tức chính những người Hàn Quốc sẽ tới kiểm tra xem người đó đã cách ly chưa? Đã khám bệnh chưa? Cần phải cách ly như thế nào để không ảnh hưởng người khác. Chị Linh, một người Việt sống cùng chung cư với người Hàn Quốc nói: “Chung cư chúng tôi thực hiện đo nhiệt độ mỗi ngày từ Tết đến giờ, tất cả đều phải tuân thủ”.
Chính bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận 7 cũng nhận xét: “Không ai tuyên truyền giám sát y tế người Hàn Quốc nhập cảnh tốt hơn chính cộng đồng Hàn Quốc tại Việt Nam và chúng tôi ghi nhận đóng góp của cộng đồng trong hoạt động chung của quận”. Việc tuyên truyền phòng chống Covid-19 tại quận 7 luôn diễn ra bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Hàn, Hoa, Việt…
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận 7 chia sẻ: “quận 7, TPHCM có 70.000 người nước ngoài sinh sống. Nhờ nỗ lực của chính quyền và toàn thể người dân, cho đến nay toàn quận chưa có ca nhiễm SARS-CoV-2 nào”.
Khu cách ly tập trung hiện đại
Quận 7, TPHCM có một trung tâm cách ly tập trung nằm cạnh sông Sài Gòn. Đặc điểm của trung tâm này là đón tiếp đa số các ca nghi nhiễm là người nước ngoài. Hoạt động một tháng nay, trung tâm thường xuyên cách ly khoảng 100 ca nghi nhiễm trong đó 60% là người nước ngoài, còn lại là người Việt Nam làm việc, học tập từ nước ngoài trở về.
Ông Mai Hồng Tiến, Phó giám đốc Trung tâm y tế quận 7, cho báo Tiền Phong biết: “Có rất nhiều người Hàn Quốc đã và đang được cách ly tại đây. Lãnh sự quán Hàn Quốc cũng đã tới thăm và đánh giá cao điều kiện cơ sở vật chất của Khu cách ly tập trung quận 7, TPHCM”.
Khu vực cách ly được chia ra hai khu dành riêng cho nam nữ, trừ phi họ đi cùng với gia đình. Các phòng đều có ti vi, máy nước nóng, wifi miễn phí. “Khẩu phần cơm ngày ba bữa tương đương 120.000 đồng/ngày được cấp miễn phí” - ông Tiến nói.